Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi đáp ứng điều kiện kết hôn và thực hiện kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã triển khai đăng ký kết hôn online, dưới đây là hướng dẫn thực hiện thủ tục này. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc đăng ký kết hôn online theo quy định mới nhất.
Điều kiện đăng ký kết hôn
Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định kết hôn được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
Thứ ba, nam nữ kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự.
Cuối cùng, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn qua mạng
Theo Luật Hộ tịch năm 2014 thì thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện bởi cơ quan tư pháp – hộ tịch thuộc ủy ban nhân dân. Tùy vào từng đối tượng cụ thể của việc Kết hôn mà thẩm quyền có thể sẽ được thay đổi như sau:
Trường hợp hai bên kết hôn là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong nước thì việc đăng ký kết hôn sẽ do ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Ngoài ra, khi một bên là người nước ngoài nhưng cả hai cư trú tại vùng biên giới của hai nước láng giềng với nhau thì ủy ban nhân dân cấp xã cũng có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp công dân Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài thì theo quy định tại khoản 1, Điều 37, Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn có thẩm quyền.
Còn đối với trường hợp các bên muốn thực hiện thủ tục này online thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vẫn được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hộ tịch.
Tuy nhiên, hiện nay trên phạm vi cả nước mới chỉ có Thành phố Hà Nội cho phép đăng ký kết hôn online nên khi các bạn đạt đủ điều kiện và tuân thủ đúng quy trình tiến hành thì sẽ được cấp giấy chứng nhận bởi ủy ban cấp xã/huyện nơi một trong hai bên cư trú tại Hà Nội.
Các tỉnh, thành đã tích hợp thủ tục đăng ký kết hôn online
Tính đến tháng 09/2021, mới chỉ có 25 tỉnh, thành trên cả nước tích hợp thủ tục đăng ký kết hôn trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc đang trong quá trình thực hiện chuẩn hóa dịch vụ công để tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Các tỉnh này gồm: Bắc Ninh, An Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Kon Tum, Điện Biên, Thành phố Hà Nội, Thanh Hoá, Đồng Nai, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai, Long An, Đắk Nông, Tây Ninh, Đồng Tháp, Thành phố Cần Thơ, Lào Cai, Hòa Bình, Nam Định, Bình Phước, Hậu Giang.
Tuy nhiên, dịch vụ này mới được tích hợp ở mức độ 3, nghĩa là không thể nộp lệ phí và nhận kết quả trực tuyến. Người dân vẫn cần đến cơ quan có thẩm quyền để làm các thủ tục này, chưa thể chỉ ngồi nhà cũng hoàn thành được thủ tục.
Thủ tục đăng ký kết hôn online tiến hành thế nào?
Bước 1: Truy cập trang đăng ký kết hôn trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, chọn tỉnh thành/quận, huyện/phường, xã nơi đăng ký kết hôn.
Sau khi chọn xong nhấn Đồng ý, hệ thống sẽ trả về trang Nộp trực tuyến. Sau khi chọn Nộp trực tuyến, hệ thống sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Có 02 cách đăng nhập: Dùng tài khoản cấp bởi Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc tài khoản cấp bởi Bưu điện Việt Nam.
Nếu chưa có tài khoản, có thể ấn Đăng ký phía dưới và làm theo hướng dẫn sau: Cách đăng ký tài khoản trên Cỏng Dịch vụ công Quốc gia.
Bước 2: Khai thông tin đăng ký kết hôn
Sau khi đăng nhập Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống sẽ đưa người dùng về trang kê khai của từng tỉnh, thành phố để kê khai.
Người dân làm theo hướng dẫn, điền chính xác thông tin người nữ, thông tin người nam, các thông tin liên quan… (thông tin có dấu * màu đỏ là bắt buộc).
Tại mục Hồ sơ đính kèm, nhấn chọn vào biểu tượng tại cột Đính kèm để tải các tập tin hình ảnh về các loại giấy tờ sau để cơ quan chức năng xác minh và giải quyết nhanh hồ sơ:
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã cấp nếu người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại nơi làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp (yêu cầu có bản chụp từ bản chính).
- Giấy tờ chứng minh về nhân thân của cả hai bên nam nữ như: Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (chụp từ bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính. Đối với Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân: chụp 02 mặt)
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của cả hai bên nam nữ: Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú của cả hai bên nam nữ (chụp từ bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính). Nếu trường hợp Sổ này đã bị thu hồi thì phải xin xác nhận cư trú.
- Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (chụp từ bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ Sổ gốc).
Bước 3: Kiểm tra lại toàn bộ những thông tin đã kê khai, tích chọn “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên”
Chọn Tiếp tục, nhập mã chính xác rồi nhấn Gửi thông tin để hoàn tất. Cuối cùng, chờ kết quả xác nhận hồ sơ được gửi về địa chỉ email.
Khi đến nhận kết quả theo thời gian hẹn, người dân cần mang theo các giấy tờ bản gốc hoặc bản chứng thực để đối chiếu.
Thời gian giải quyết đăng ký kết hôn online
Đối với thủ tục đăng ký kết hôn online thì thời gian được ghi nhận trên cổng thông tin điện tử chỉ là 01 ngày, thời gian này ngắn hơn rất nhiều so với thời hạn được quy định trong luật.
Tuy nhiên, trường hợp phải xác minh các điều kiện kết hôn của hai bên hoặc cần phải bổ sung hồ sơ đăng ký thì thời gian có thể kéo dài nhưng vẫn không được quá thời hạn luật quy định là 05 ngày đối với kết hôn giữ người Việt Nam sinh sống trong nước và không quá 13 ngày khi kết hôn với người nước ngoài.
Đăng ký kết hôn online tại Hà Nội 2021 thế nào?
Để đăng ký kết hôn online tại Hà Nội, người dân có thể vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia và làm theo hướng dẫn trên. Hoặc vào thẳng trang Dịch vụ công Hà Nội để thực hiện.
Sau khi ấn Thực hiện, hệ thống tự động chuyển đến trang khai thông tin. Bạn khai đầy đủ theo yêu cầu: Chọn Cơ quan giải quyết hồ sơ; Trường hợp giải quyết; Quận/Huyện nộp hồ sơ; Phường/Xã nộp hồ sơ sau đó nhấn Đồng ý và tiếp tục.
Điền tiếp họ và tên; Địa chỉ; nhấn Đồng ý và tiếp tục.
Nhấn vào ô Chọn tệp tin sau đó chọn mục Scan file hoặc Chọn tệp tin để thực hiện cung cấp các giấy tờ theo yêu cầu. Sau khi thực hiện xong, nhấn Đồng ý và Tiếp tục.
Điền thông tin người nữ và thông tin người nam chính xác, sau đó nhấn Đồng ý và Tiếp tục.
Thủ tục đăng ký kết hôn online TP. Hồ Chí Minh
Tính đến tháng 09/2021, TP. Hồ Chí Minh chưa tích hợp thủ tục đăng ký kết hôn online trên Cổng Dịch công Quốc gia cũng như trên Cổng Dịch công của địa phương. Người dân cần tiến hành làm thủ tục trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.
Một số câu hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn
Thủ tục đăng ký kết hôn khác tỉnh như thế nào?
Được quy định tại điều 18 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về thủ tục đăng ký kết hôn và quản lý hộ tịch “Khi một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn với người xã, phường, thị trấn khác.
Thì phải có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó”.
Như vậy: Bạn có thể đăng ký kết hôn khác tỉnh (tại quê nhà của vợ/chồng) nhưng cần có giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp.
Thủ tục đăng ký kết hôn khi vợ/chồng mất tích?
Một người chỉ được công nhận mất tích khi được Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó đã mất tích (căn cứ vào Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, khi đó quan hệ hôn nhân giữa người bị tuyên bố là mất tích với người vợ/chồng của người đó vẫn còn tồn tại.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người đang có chồng/đang có vợ là hành vi bị cấm. Vì vậy, nếu vợ/chồng của người bị tuyên bố mất tích muốn đăng ký kết hôn với người khác thì buộc phải có yêu cầu ly hôn của Tòa án.
Như vậy, khi vợ hoặc chồng mất tích, nếu người còn lại muốn kết hôn với người khác thì phải thực hiện 03 thủ tục dưới đây:
Yêu cầu Tòa án tuyên bố người mất tích;
Yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn với người đã bị tuyên bố mất tích;
Thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn (lần 2).
Đăng ký kết hôn trễ có bị phạt không?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn.
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình mà chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ/chồng.
Như vậy: Đăng ký kết hôn trước hay sau khi cưới đều không bị phạt. Tuy nhiên, nếu đăng ký kết hôn sau khi cưới thì quyền lợi giữa vợ và chồng sẽ không được pháp luật đảm bảo.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Trần và Liên Danh liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn online mà bạn đọc nên tìm hiểu. Mọi thắc mắc xin liên hệ theo hotline của chúng tôi, đội ngũ chuyên viên tư vấn của Luật Trần và Liên Danh sẽ tận tình giải đáp tất cả những vướng mắc của bạn đọc một cách tốt nhất.