Tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự là một yếu tố quan trọng trong quá trình xét xử để hội đồng xét xử xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo.
Là một yếu tố quan trọng tuy nhiên tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự lại chưa được quy định hay định nghĩa cụ thể mà chỉ thể hiện dưới hình thức liệt kê tại BLHS.
Vậy tình tiết giảm nhẹ được hiểu như thế nào cho đúng và vai trò của tình tiết giảm nhẹ đối với định tội, định khung hình phạt có ý nghĩa như thế nào?
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để nắm bắt rõ hơn về hướng dẫn tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự
Bộ luật Hình sự quy định cụ thể 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Người đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm.
Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Phạm tội trong trường hợp vượt mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra
Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn
Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng
Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức
Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
Phạm tội do lạc hậu
Người phạm tội là phụ nữ có thai
Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên
Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng
Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình
Người phạm tội tự thú
Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải
Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm
Người phạm tội đã lập công chuộc tội
Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác
Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Những tình tiết khác được Tòa án xem xét là tình tiết giảm nhẹ
Ngoài những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 51 BLHS, pháp luật cũng quy định theo hướng mở về vấn đề này.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ kèm theo đó phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Trong quá trình thi hành, có nhiều tình tiết được ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản này.
Dưới đây là những trường hợp được xem xét là tình tiết giảm nhẹ theo hướng dẫn của Công văn 212/TANDTC – PC 2019 và Nghị quyết số 01/2000/NQ – HĐTP, cụ thể như sau :
Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;
Bị cáo là thương binh hoặc người thân thích như vợ, chồng, cha mẹ, con, anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
Người bị hại cũng có lỗi;
Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay bị cáo;
Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe cho người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
Phạm tội do phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu;
Bị cáo tự nguyện giao nộp ít nhất ½ số tiền thu lợi bất chính hoặc tiền phạt bổ sung theo bản án, quyết định của Tòa án.
Vai trò của tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt
Một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội.
Thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội
Đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là đối với những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và công tác; những người có công với cách mạng và thân nhân của họ
Thể hiện tính khách quan, mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết vụ án
Khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo, thành khẩn hối lỗi trước hành vi phạm tội của mình.
Tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
Đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.
Đối với tình tiết này có 03 khái niệm khác nhau với ba tình tiết tiết giảm nhẹ nhưng tính chất của các tình tiết này gần giống nhau về bản chất nên được quy định trong cùng một điểm.
Sửa chữa là chữa lại những cái bị hư hỏng. Ví dụ: Chữa lại chiếc xe bị hỏng, lợp lại mái nhà bị vỡ ngói, chữa lại chiếc bàn, chiếc ghế bị gãy chân, đắp lại một đoạn đê bị đào phá….
Bồi thường là đền bù lại những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác. Ví dụ: Bồi thường thiệt hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ hoặc bồi thường trong vụ án cố ý gây thương tích; trộm cắp tài sản …
Khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Ví dụ: Vụ án giết người dẫn đến cả hai vợ chống chết để lại con nhỏ, bố mẹ già không ai nuôi dưỡng chăm sóc.
Nếu người phạm tội tự nguyện khắc phục những hậu quả đó thì được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Tuy nhiên, không phải khắc phục hết mọi hậu quả đó thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà có thể người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được giảm nhẹ càng nhiều.
Vướng mắc, bất cập khi áp dụng tình tiết này: Điều luật không quy định mức độ sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là bao nhiêu, toàn bộ hay một phần.
Nhưng qua thực tiễn xét xử, Tòa án vẫn coi trường hợp người phạm tội chỉ sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả một phần là tình tiết giảm nhẹ.
Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng bồi thường một phần dù nhỏ vẫn áp dụng tình tiết này; có quan điểm lại cho rằng phải bồi thường đáng kể mới áp dụng tình tiết này; lại có quan điểm cho rằng nếu bị cáo đã bán hết tài sản nhưng cũng chỉ bồi thường được một phần rất nhỏ so với hậu quả xảy ra thì cũng phải áp dụng.
Trên thực tế hiện nay nhiều vụ án gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, như vậy nếu bị cáo bồi thường vài triệu mà được áp dụng điểm b thì có thỏa đáng không.
Vấn đề này còn phải tùy thuộc vào mức hiệt hại, khả năng kinh tế của bị cáo, nếu bị cáo đã bán hết tài sản để bồi thường được một phần rất nhỏ thì nên xem xét áp dụng tình tiết “ăn năn, hối cải” mà không áp dụng tình tiết bồi thường thì hợp lý hơn không.
Có trường hợp tài sản trộm cắp đã được bị cáo trả lại sau khi chiếm đoạt, có quan điểm cho rằng đây không phải là tiền bồi thường nên không áp dụng tình tiết “tự nguyện bồi thường” là đúng, nên chăng áp dụng tình tiết “khắc phục hậu quả” cho bị cáo.
Ngoài ra, nghiên cứu quy định của Bộ luật có thể nhận thấy, khi người phạm tội thực hiện toàn bộ các tình tiết “tự nguyện sửa chữa”, “bồi thường thiệt hại”, “khắc phục hậu quả” thì được coi là có 1 tình tiết giảm nhẹ hay coi là có 3 tình tiết giảm nhẹ.
Vì đây là 3 hành động độc lập với nhau nên nếu chẳng hạn thực hiện một hành động như “ tự nguyện sửa chữa” thì có được coi là một tình tiết giảm nhẹ hay không? Hay đồng thời phải thực hiện cả 3 hành động trên mới được tính là một tình tiết giảm nhẹ.
Thực tiễn áp dụng tại các Tòa án trong vụ án cụ thể chỉ cần có một trong các tình tiết trên là đủ điều kiện áp dụng.
Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại nhưng bồi thường vào thời điểm nào thì được Tòa án xem xét và chấp nhận ? Nếu bị cáo bồi thường tại giai đoạn xét xử phúc thẩm hoặc tại giai đoạn nghị án thì Tòa án có chấp nhận không? Theo quan điểm của tác giả, các trường hợp kể trên đều phải ghi nhận là họ đã tự nguyện bồi thường thiệt hại.
Tình tiết phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn
Chưa gây thiệt hại là hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra. Ví dụ: Giết người mà người đó không chết, trộm cắp nhưng chưa lấy được tài sản, hiếp dâm nhưng chưa giao cấu với người bị hại …
Gây thiệt hại không lớn tức là đã có thiệt hại xảy ra nhưng thiệt hại đó không nghiêm trọng so với mức bình thường. Ví dụ: Giết người, nhưng nạn nhân chỉ bị thương nhẹ.
Chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Khác với tình tiết “tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại” có yếu tố tác động của người phạm tội , ở tình tiết này, bị cáo hoàn toàn không có hành động ngăn chặn để làm cho thiệt hại không xảy ra hoặc xảy ra thiệt hại không lớn.
Ví dụ: A định giết B nên đã bỏ thuốc độc vào nồi cơm nhà B, nhưng B nghi cơm có chất độc không ăn, B không chết là ngoài ý muốn của A. A phạm tội trong trường hợp chưa gây thiệt hại.
Trong thực tiễn áp dụng nảy sinh các vấn đề như sau: Thiệt hại bao nhiêu được coi là thiệt hại không lớn? Theo quan điểm của tác giả thì cần phải quy định rõ mức gây thiệt hại không lớn là không quá bao nhiêu phần trăm để dễ áp dụng.
Tình tiết phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra
Hoàn cảnh khó khăn có thể là do thiên tai, địch họa, do dịch bệnh hoặc do nguyên nhân khác. Mức độ khó khăn phải là đặc biệt.Ở nước ta, những thiệt hại do bão lụt, do chiến sự, do hỏa hoạn, bệnh dịch gây ra là những khó khăn đặc biệt.
Những khó khăn đó phải rơi vào hoàn cảnh của người phạm tội chứ không phải ở địa phương của họ.
Ví dụ: A đưa mẹ ra Hà Nội chữa bệnh hiểm nghèo, ra đến bến xe bị kẻ gian móc túi lấy hết tiền, lúc này để có tiền đưa mẹ đi vào bệnh viện khám chữa bệnh A đã nhận bốc vác hàng ra khỏi ga cho đối tượng tên D nhưng trong bao đó là hàng cấm. Khi qua cửa ga bị phát hiện thu giữ, trong trường hợp này A có hành vi giúp người khác buôn bán hàng cấm nhưng A phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra.
Câu hỏi đặt ra trong thực tiễn là việc xác định được coi là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn khá trừu tượng và khó áp dụng? Có những bản án coi hoàn cảnh gia đình bị cáo nghèo, đông con là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhận định như vậy thì mọi bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn mặc nhiên là có một tình tiết giảm nhẹ khi phạm tội. Điều đó là không hợp lý, bởi vì có những gia đình cũng có hoàn cảnh khó khăn như vậy sao họ lại không phạm tội, việc phạm tội đó là do quyết định bởi mỗi người không thể đổ cho hoàn cảnh được.
Cách hiểu như vậy là chưa chính xác. Cần phải đề cập đến việc quy định hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở đây là như thế nào, quy định các trường hợp cụ thể để minh họa.
Như vậy, trên đây là toàn bộ thông tin và nội dung tư vấn pháp luật của Luật Trần và Liên Danh liên quan đến hướng dẫn tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mọi thắc mắc xin liên hệ qua Hotline: Công ty luật uy tín để được giải đáp nhanh chóng, chu đáo và miễn phí!