Tranh chấp quyền sử dụng đất khi có sổ đỏ

tranh chấp quyền sử dụng đất khi có sổ đỏ

Đất có sổ đỏ bị tranh chấp là đất mà đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Nhưng giữa người sử dụng hợp pháp đất đó với cá nhân khác, với Nhà nước liên quan tới vấn đề bồi thường đất hoặc giữa những người sử dụng chung mảnh đất đó với nhau đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất.

Tranh chấp đất đai là gì?

Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Theo đó, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng, bao gồm cả tranh chấp xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề. Những tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất,…không phải là tranh chấp đất đai.

Như vậy, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất.

Ý nghĩa việc xác định tranh chấp đất đai là vì tranh chấp đất đai bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Hay nói cách khác, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ hay còn được gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại sao không gọi là giấy sở hữu đất? Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên người dân không có quyền sở hữu mà có quyền sử dụng được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Đất đai 2013.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, nhà nước đã không còn sử dụng Sổ đỏ nữa mà thay thế nó là sổ hồng, có tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (khoản 16 điều 3 Luật Đất đai 2013).

Các trường hợp tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ bị phổ biến hiện nay.

Tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ có thể kể đến một số trường hợp phổ biến như sau:

Tranh chấp ranh giới đất liền kề:

Đây là trường hợp tranh chấp phát sinh giữa những chủ thể sử dụng đất liền kề nhau. Tranh chấp này xảy ra khi các bên không xác định được với nhau về ranh giới phân chia quyền sử dụng đất. Có thể là trường hợp một bên cho rằng bên kia đã có hành vi lấn chiếm, thay đổi, vượt quá ranh giới sử dụng đất của mình.

Tranh chấp lối đi chung:

Đây là trường hợp tranh chấp khi các bên không thống nhất được việc mở lối đi chung. Có thể là việc các bên không đạt được thỏa thuận đền bù cho việc mở lối đi chung. Hoặc cũng có thể một bên tự ý mở lối đi chung trên đất thuộc quyền sử dụng đất của bên kia. Đối với loại tranh chấp này, giá trị bằng tiền đối với quyền sử dung đất tuy không lớn. Nhưng quyền lợi thực tế mà các bên có thể được hưởng lại rất lớn. Có thể ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của các bên.

Tranh chấp khi đất được cấp sổ đỏ bị trùng diện tích:

Không ít trường hợp vì lý do sai sót. Hoặc không để ý trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất đã được cấp cho người này lại cấp cho người khác. Trường hợp hai bên có thể thỏa thuận, thương lượng đối với dạng tranh chấp này rất thấp. Nhất là đối với trường hợp một bên được cấp sổ đỏ do mua đất từ bên thứ ba. Trong những trường hợp như thế, để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên thường tranh đấu đến cùng.

 Tranh chấp đòi lại đất cho ở nhờ:

Trường hợp này thường xảy ra đối với những người đã có quan hệ quen biết từ trước đó. Có thể là anh em trong cùng gia đình, họ hàng với nhau, hoặc thậm chí có thể là giữa bạn bè với nhau. Việc cho ở nhờ thường được thực hiện thông qua lời nói miệng, thời gian ở đã kéo dài.

Sổ đỏ được cấp có thể là cấp cho bên cho ở nhờ, có thể là cấp cho bên được ở nhờ. Hai bên có tranh chấp với nhau về việc xác định ai là người có quyền sử dụng đối với đất đã được cấp giấy chứng nhận.

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất:

Quyền sử dụng đất – đối tượng tranh chấp trong trường hợp này là di sản thừa kế. Di sản này chưa được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật nhưng đã được cấp cấp sổ đỏ cho người khác. Người được cấp giấy chứng nhận có thể là người trong hàng thừa kế, hoặc cũng có thể là người không liên quan đến hàng thừa kế.

Tranh chấp đất đã có sổ đỏ là tài sản chung của vợ chồng:

Thực trạng vợ chồng khi ly hôn có xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản chung rất nhiều. Mục đích của việc ly hôn là vợ/chồng mong muốn chấm dứt cuộc hôn nhân không thể cứu vãn. Kéo theo đó là việc rõ ràng trong mọi vấn đề liên quan như con cái, tài sản, công nợ. Nên cần giải quyết rõ ràng để các bên thấy thỏa đáng với công sức đã bỏ ra.

Trường hợp hay gặp nhất là tranh chấp đất đã có sổ đứng tên hai vợ chồng. Hoặc tranh chấp đã có sổ đứng tên một bên vợ/chồng và không muốn chia. Trường hợp tranh chấp đất đã có sổ đứng tên hộ gia đình. Hoặc đứng tên bố mẹ vợ/ bố mẹ chồng. Vợ/chồng cho rằng mình cũng có công sức đóng góp nên phải được chia.

tranh chấp quyền sử dụng đất khi có sổ đỏ
tranh chấp quyền sử dụng đất khi có sổ đỏ

Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai có sổ đỏ

Vậy khi tiến hành khởi kiện thì chúng ta cần thực hiện và cần phải chuẩn bị những gì? Hãy tìm hiểu quy trình giải quyết tranh chấp đất có sổ đỏ như sau.

Bước 1: Căn cứ theo khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.

– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Bước 2: Gửi đơn này đến TAND huyện nơi có bất động sản đang tranh chấp.

Điều 190 bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định các hình thức gửi đơn sau:

– Nộp trực tiếp tại Tòa án;

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.

Bước 3: Tòa án nhận đơn và xem xét giải quyết

Nhận, xử lý đơn khởi kiện, thụ lý đơn

– Nhận và xử lý đơn khởi kiện

Căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Thụ lý đơn khởi kiện

Theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

+ Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

+ Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử và xét xử

Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp đất đai là 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (tổng 06 tháng); nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

Tuy nhiên, thời gian trên có thể thay đổi tùy thuộc vào từng vụ việc.

Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định.

Ai là người phải đóng án phí trong trường hợp khởi kiện tại Tòa án?

Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án:

Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.

Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.

Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

Trên đây là quy định pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi có sổ đỏ. Trường hợp nội dung tư vấn có vấn đề chưa rõ ràng hoặc có nhu cầu giải quyết tranh chấp về sổ đỏ, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với Chuyên Tư Vấn Luật qua hotline để được hỗ trợ tốt nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139