Hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình làm cho người đó đau đớn về thể xác hoặc khổ sở về tinh thần. Vậy, pháp luật hiện nay quy định ra sao về tội hành hạ người khác? cấu thành tội hành hạ người khác? Phân biệt tội hành hạ người khác và tội bức tử?
Quy định chung về tội hành hạ người khác
Điều 140 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định Tội hành hạ người khác như sau:
“Điều 140. Tội hành hạ người khác
Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.”
Khách thể của tội hành hạ người khác
Hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc.
Khách thể bị tội này xâm phạm là quyền được bảo hộ sức khoẻ, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được Nhà nước bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.
Mặt khách quan của tội hành hạ người khác
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi đối xử tàn ác và hành vi làm nhục người lệ thuộc mình. Trong đó,
Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm,…
Hành vi làm nhục là làm cho nạn nhân đau đớn về tinh thần, cảm thấy bản thân mình vô dụng, danh sự, nhân phẩm của nạn nhân bị bêu xấu, xuyên tạc như chửi rủa, xỉ vả nạn nhân trước đám đông, tung tin đồn nhảm để người khác cho rằng nạn nhân thật sự xấu xa, tội lỗi…
Về hành vi khách quan, tội hành hạ người khác cũng tương tự như hành vi khách quan của tội bức tử, chỉ khác nhau ở chỗ: trong tội hành hạ người khác, người bị hành hạ không tự sát, nên có thể nói tội hành hạ người khác là hành vi khách quan của tội bức tử. Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi hành hạ người khác vừa gây đau đớn về thể xác cho nạn nhân vừa gây thống khổ về tinh thần họ. Tuy nhiên các hành vi gây đau đớn về thể xác chỉ là những thương tích nhẹ chưa đến mức đáng kể để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Nạn nhân của tội này phải là người có quan hệ lệ thuộc với người bị hại nhưng không phải ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Bởi, nếu đối tượng lệ thuộc bị ngược đãi là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, pháp luật đã quy định riêng tội danh ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình tại Điều 185 Bộ luật Hình sự. Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hại là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này bắt nguồn từ quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên ), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ,…
Thông thường người bị hại trong tội phạm này, bị hành hạ ngược đãi, nhưng không dám kêu hoặc phản ứng mà cam tâm chịu đựng, họ chỉ tố cáo khi mối quan hệ lệ thuộc không còn nữa hoặc bị người khác tố cáo.
Chủ thể của tội hành hạ người khác
Chủ thể thực hiện tội phạm này là bất kì người nào giữ vai trò là người được lệ thuộc, đủ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, chủ thể thực hiện tội phạm có thể là bất kì người nào được nạn nhân lệ thuộc, chủ thể có thể là cá nhân thực hiện tội phạm nhưng cũng có thể là đồng phạm. Thậm chí, trên thực tế, có nhiều vụ án phạm tội có tổ chức, có sự liên kết chặt chẽ giữa những người đồng phạm. Các đồng phạm phân rõ vai trò của mình như người thực hành (người trực tiếp thực hiện tội phạm hành hạ người khác), người tổ chức (cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, phân công nhiệm vụ cho các thành viên), người xúi giục (người dụ dỗ, thúc đẩy người thực hành thực hiện hành vi hành hạ người khác) và người giúp sức (tạo ra điều kiện về tinh thần, vật chất để người thực hành thực hiện việc hành hạ người khác).
Thứ hai, chủ thể phải là người từ đủ 16 tuổi. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Khoản 2 Điều 12 quy định một số tội mà người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có tội hành hạ người khác tại Điều 140. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội hành hạ người khác.
Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự.
Mặt chủ quan
Tội hành hạ người khác được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết rõ mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình gây ra, nhận thức rõ hành vi đó có thể gây tổn hại đến thể chất và tinh thần người người lệ thuộc. Tuy nhiên người phạm tội không mong muốn cho hậu quả người lệ thuộc bị tổn hại về sức khỏe hay tinh thần xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra.
Hình phạt
Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
– Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với trường hợp người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục 01 người lệ thuộc mình.
– Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 03 năm trong các trường hợp sau đây:
Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. Việc quy định này xuất phát từ chính sách bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội của Nhà nước cũng như truyền thống đạo đức “kính già yêu trẻ”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Phụ nữ mà biết là có thai tức là khi thực hiện tội phạm, người phạm tội biết chắc nạn nhân là phụ nữ mang thai (dù nạn nhân mang thai thật hay do người phạm tội hiểu lầm) mà vẫn thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe. Người ốm đau là người đang bị bệnh tật, có thể điều trị ở bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân hoặc tại nhà riêng của họ.
Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được là người do bản thân họ bị hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bẩm sinh hoặc do
những điều kiện khách quan đem lại, như người bị tâm thần, bị bại liệt, bị mù, bị điếc, bị câm, bị tàn tật… ; người đang ngủ say, đang bị bệnh nặng; đang ở trong tình thế khó khăn không thể tự vệ được, v.v..
Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên. Gây rối loạn tâm thần và hành vi biểu hiện trạng thái thần kinh không bình thường, lo âu, sợ sệt, trầm cảm, mất ngủ,… Đó là biểu hiện của stress.
Cần phân biệt rối loạn tâm thần và hành vi do bị hành hạ, ngược đãi với rối loạn tâm thần, hành vi là một loại bệnh lý có từ trước khi bị hành hạ. Căn cứ để đánh giá mức độ rối loạn tâm thần và hành vi là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
Đối với 02 người trở lên.
Trên đây là nội dung Điều 140 BLHS 2015 có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.