Điều 197 Bộ luật hình sự Tội quảng cáo gian dối

Điều 197 Bộ luật hình sự Tội quảng cáo gian dối

Căn cứ pháp lý tại Điều 197 Bộ luật hình sự

Điều 197 Bộ luật hình sự quy định về tội quảng cáo gian dối như sau:

“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Phân tích cấu thành tội phạm tại Điều 197 Bộ luật hình sự

Khách thể của tội phạm

Quảng cáo gian dối là quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng, giá trị và giá trị sử dụng thật của hàng hoá gây hậu quả nghiêm trọng.

Khách thể của tội phạm này chính là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về quảng cáo hàng hoá, dịch vụ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hình thức, nội dung tin tức mà người phạm tội đã quảng cáo.

Điều 197 Bộ luật hình sự Tội quảng cáo gian dối
Điều 197 Bộ luật hình sự Tội quảng cáo gian dối

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ.

Người phạm tội quảng cáo gian dối chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là quảng cáo gian dối, nhưng với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau như: Vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, đăng báo, đưa tin trên đài phát thanh, truyền hình, đặt các phương tiện quảng cáo khác ở nơi công cộng.v.v…

Quảng cáo gian dối là quảng cáo không đúng với sự thật vốn có của hàng hoá mà doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất ra nó. Thông thường quảng báo gian dối là hàng xấu, kém chất lượng nhưng lại nói rằng đó là hàng tốt, chất lượng cao. Ngoài ra, hành vi quảng cáo gian dối còn thể hiện ở chỗ, nói xấu hàng hoá của doanh nghiệp khác để làm nền quảng cáo cho hàng hoá của mình, quảng cáo không đúng công dụng của hàng hoá, không nếu những điều cần tránh khi sử dụng hàng hoá.v.v…

Tuy nhiên hành vi quảng cáo gian dối chỉ bị xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hành vi quảng cáo gian dối bị xử lý hành chính theo quy định của Nghi định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo như sau:

“Điều 33. Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thuốc lá;

b) Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên;

c) Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;

d) Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành;

đ) Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định;

b) Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;

c) Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Hậu quả của hành vi quảng cáo gian dối gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản  cho con người, cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội.

Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi có hành vi quảng cáo gian dối xảy ra và chủ thể thực hiện hành vi đã bị xử lý hành chính hoặc bị kết án về tội này, chưa hết thời hiệu xóa án tích mà còn vi phạm.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội quảng cáo gian dối chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội quảng cáo gian dối phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm.  

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội quảng cáo gian dối là do lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hpawjc cố ý gián tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi quảng cáo của mình là gian dối, trái phép trái với quy định của pháp luật về quảng cáo, gây ra hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng người phạm tội quảng cáo gian dối thường vì động cơ vụ lợi (muốn bán được nhiều hàng hoá ).

Hình phạt tại Điều 197 Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự quy định 02 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 197 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139