Những thắc mắc về thuế gtgt

những thắc mắc về thuế gtgt

Như các bạn đã biết thì thuế là một nguồn thu tài chính chủ yếu ở nhà nước ta, thuế cũng coi như là một công cụ mà nhà nước Việt Nam ta sử dụng để quản lý đất nước.

Bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào, không phân biệt giới tính hay ngành nghề đều có nghĩa vụ phải đóng thuế theo đúng quy định của nhà nước Việt Nam, và đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy thuế giá trị gia tăng là gì?  thuế gtgt có vấn đề gì vướng mắc? Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ giải đáp những thắc mắc về thuế gtgt, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Với phạm vi áp dụng của thuế giá trị gia tăng là: Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa và dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân nước ngoài). Doanh nghiệp trong nước phải tính thuế GTGT trên giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT. Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu cho cơ quan hải quan cùng với thuế nhập khẩu. Dịch vụ nhập khẩu chịu thuế GTGT theo cơ chế thuế NTNN.

Thuế GTGT phải nộp được xác định bằng thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh từ việc mua hàng hóa và dịch vụ. Để khấu trừ thuế GTGT đầu vào, người nộp thuế phải có đầy đủ hóa đơn thuế GTGT hợp lệ do bên bán cung cấp.

Để khấu trừ thuế GTGT nộp ở khâu nhập khẩu, người nộp thuế phải có chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước và đối với thuế GTGT của thuế NTNN thì phải có chứng từ nộp thuế GTGT thay cho NTNN.

Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Trong trường hợp này, doanh nghiệp không phải kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra trong khi thuế GTGT đầu vào có liên quan vẫn được khấu trừ. Những trường hợp này bao gồm:

Các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, trừ trường hợp trao đổi để thực hiện một số dịch vụ nhất định

Tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam và dịch vụ được thực hiện tại nước ngoài, bao gồm: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại ra nước ngoài; môi giới bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, đào tạo, một số dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế

Doanh nghiệp bán sản phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp ở khâu thương mại chưa được chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua khâu sơ chế thông thường;

Một số hình thức góp vốn bằng tài sản; Thu đòi người thứ ba của hoạt động bảo hiểm;

Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh (ví dụ: nếu Doanh nghiệp A mua hàng hoá/dịch vụ từ Doanh nghiệp B, nhưng trả tiền cho Doanh nghiệp C và sau đó Doanh nghiệp C trả tiền cho Doanh nghiệp B thì khoản thanh toán Doanh nghiệp C trả cho Doanh nghiệp B không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT);

Doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của các dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy; và đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; và đại lý bảo hiểm;

Doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT; Hàng hóa đã xuất khẩu sau đó tái nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp phía nước ngoài trả lại hàng.

Đối tượng không phải chịu thuế GTGT

Những loại hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định bao gồm:

– Một số sản phẩm nông nghiệp;

– Hàng hóa/dịch vụ cung cấp bởi các cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm

– Giàn khoan, tàu bay và tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu tạo tài sản cố định, hoặc thuê của nước ngoài;

– Chuyển quyền sử dụng đất (có hướng dẫn cụ thể cho một số trường hợp)

– Các dịch vụ tài chính phái sinh, các dịch vụ tín dụng (bao gồm cả phát hành thẻ tín dụng, cho thuê tài chính và bao thanh toán); bán tài sản bảo đảm tiền vay thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do người đi vay thực hiện theo ủy quyền của người cho vay nhằm mục đích thanh toán khoản nợ có đảm bảo bằng tài sản và dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng.

– Kinh doanh chứng khoán bao gồm quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;

– Chuyển nhượng vốn; Kinh doanh ngoại tệ;

– Bán nợ

– Một số dịch vụ bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nông nghiệp và tái bảo hiểm);

 Dịch vụ y tế;

– Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật;

– Dạy học, dạy nghề;

– Xuất bản và phát hành báo, tạp chí, và một số loại sách;

– Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt

– Chuyển giao công nghệ, phần mềm và dịch vụ phần mềm, ngoại trừ phần mềm xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%

– Thiết bị, máy móc, vật tư trong nước chưa sản xuất được được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ

– Thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển các mỏ dầu và khí đốt

– Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau đây: hàng viện trợ quốc tế không hoàn lại, bao gồm cả hàng viện trợ từ chương trình Viện trợ Phát triển Chính thức, tặng phẩm của tổ chức nước ngoài cho các cơ quan chính phủ và cho các cá nhân (theo quy định)…

Thuế suất

Có ba mức thuế suất GTGT như sau:

Mức 0%: Mức thuế suất này áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả hàng hóa/ dịch vụ bán ra nước ngoài/ bán trong khu phi thuế quan và tiêu dùng bên ngoài Việt Nam/ trong khu phi thuế quan, hàng gia công chuyển tiếp hoặc xuất khẩu tại chỗ (theo quy định), hàng hóa bán cho cửa hàng miễn thuế, một số dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng và lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất, dịch vụ hàng không, hàng hải và vận tải quốc tế.

Mức 5%: Mức thuế suất này thường áp dụng cho các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế có liên quan với việc cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, bao gồm: nước sạch; dụng cụ giảng dạy; sách; thực phẩm chưa qua chế biến; thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thực phẩm chăn nuôi; một số sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ khoa học và công nghệ; mủ cao su sơ chế, đường và các phụ phẩm; một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và nhà ở xã hội.

Mức 10%: Đây được coi là mức thuế suất “phổ thông” áp dụng cho các đối tượng chịu thuế GTGT nhưng không được hưởng mức thuế suất 0% hoặc 5%.

Nếu không xác định được một mặt hàng thuộc loại hàng hóa nào theo biểu thuế quy định, thì doanh nghiệp phải tính và nộp thuế GTGT theo mức thuế suất cao nhất cho loại hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp.

Giải đáp những thắc mắc về thuế gtgt

Câu 1: Hiện tôi có một thắc mắc rất mong nhận được sự tư vấn đó là: Tại khoản 8 điều 14 Thông tư 219/TT -BTC ngày 31/12/2013 có nội dung: ‘8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Theo nội dung trên có đoạn ‘…kê khai, khấu trừ bổ sung’. Như vậy, ở đây bổ sung sẽ được hiểu là tại thời điểm phát sinh, vì lý do nào đó người nộp thuế bỏ sót chưa đưa vào kê khai các hóa đơn theo đúng kỳ tính thuế thì được bổ sung hóa đơn đó vào trong các kỳ tiếp theo hay phải bổ sung trực tiếp vào đúng kỳ phát sinh theo ngày tháng ghi trên hòa đơn?

VD: Hóa đơn GTGT lập ngày 20/01/2014 nếu bỏ sót không kê khai trong kỳ khai thuế GTGT tháng 01. Sau đó sang các tháng tiếp theo mới phát hiện ra thì có được kê khai khấu trừ thuế như các hóa đơn phát sinh tại các tháng sau đó hay phải quay lại bổ sung bằng cách điều chỉnh trên tờ khai thuế GTGT tháng 01 năm 2014?

Tại khoản 1 điều 12 Luật thuế GTGT số 13/2008 được sửa đổi tại Luật số 31/2013/QH13 có quy định: “đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”

Ngược dòng thời gian cho thấy quy định trước đây là khai bổ sung, khai điều chỉnh từ 3 tháng được chỉnh lên 6 tháng và đến nay được kéo dài hơn. Luật chỉ giới hạn đến thời điểm khai bổ sung/điều chỉnh trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, thể hiện tư tưởng chính sách là: (i) Thuế GTGT đầu vào mà DN khai sót hoặc chưa kịp khai tức là DN “tự nguyện” để nhà nước chiếm dụng tiền thuế đã trả trước khi mua vào, và (ii) Tạo thuận lợi cho DN giảm bớt thủ tục hành chính trong quản lý hoá đơn chứng từ thuế còn sót.

Với tư tưởng đó, nội dung quy định tại Thông tư 219/2013 mà Bạn đọc trích dẫn phải được hiểu đúng là : Tháng nào phát hiện hoá đơn của các tháng trước thì khai bổ sung luôn vào Bảng kê thuế GTGT đầu vào của tháng đó (ví dụ tháng 4/2014 phát hiện sót hoá đơn tháng 1, tháng 2/2014 thì khai luôn các hoá đơn sót này vào bảng kê thuế GTGT đầu vào của tháng 4).

Việc khai bổ sung/khai điều chỉnh Tờ khai của tháng trước đây chỉ áp dụng đối với khai thuế GTGT đầu ra vì đây là khoản DN đã chiếm dụng của Nhà nước trong 1 thời gian. Việc khai điều chỉnh này là cơ sở để xác định số tiền nộp chậm thuế (0,05% và 0,07%/ngày).

Câu 2: Hiện tôi đang làm kế toán cho Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng Lương thực-Nông sản. Năm 2013 Doanh nghiệp đã được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa tồn kho thời kỳ hoàn từ tháng 09/2013 đến tháng 11/2013. Đến tháng 01/2014 vẫn còn hàng hóa tồn kho chưa xuất hết, nhưng theo Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì từ 01/01/2014 mặt hàng lương thực, nông sản thuộc trường hợp không phải kê khai và nộp thuế GTGT. Như vậy cho xin hỏi: Số thuế GTGT đã được hoàn doanh nghiệp phải xử lý như thế nào? Vì hàng tồn kho xuất bán không kê khai và nộp thuế GTGT.

Câu hỏi của Bạn có liên quan đến việc quản lý thuế GTGT trong thời gian vừa qua, cứ nộp rồi cứ hoàn khâu xuất khẩu gây tốn kém nhân lực cho cả DN và nhà nước trong khi xuất hiện những DN gian lận trong khâu trung gian để chiếm đoạt tiền thuế. Khắc phục tình trạng này, Nhà nước có thay đổi phương thức quản lý trong Nghị định số 209/2013 và Thông tư số 219/2013. Tuy nhiên, không ít Bạn đọc nhầm lẫn, cần phải hiểu đúng là:

a)+ Thuế suất của những mặt hàng này vẫn là 5% khi nó được bán đến tay người tiêu dùng hoặc cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.

b)+ Không tính thuế, khai thuế, nộp thuế nếu mặt hàng này chưa đến tay người tiêu dùng trực tiếp mà được mua/bán giữa các DN (và, hoặc hợp tác xã) nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ . Nói một cách khác, trong giai đoạn này mặt hàng này chưa có thuế.

Với trường hợp Bạn nêu, thuế GTGT đầu vào của hàng hoá nông sản còn trong kho và đã được khấu trừ/hoàn thuế hết, nghĩa là hàng trong kho chưa có thuế, giống như là trường hợp hàng mua vào của người trực tiếp sản xuất bán ra hoặc mua của DN/hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Những hàng hoá này khi bán ra thì tuỳ thuộc người mua là đối tượng nào để thực hiện theo các điểm a)+ hoặc điểm b)+ nêu trên cho phù hợp. 

những thắc mắc về thuế gtgt
những thắc mắc về thuế gtgt

Câu 3: Hóa đơn GTGT đầu ra của công ty là hóa đơn hỏng đã chuyển liên 2 cho khách hàng. Hiện khách hàng đã chuyển trả lại nhưng bị thất lạc. Hóa đơn đã kê khai thuế, bh bên cty em muốn bỏ kê khai hóa đơn này thì có được ko (vì hóa đơn liên 2 đã mất), nếu hủy thì bên em phải làm như thế nào bị phạt ra sao?

Việc Bạn nêu trong thư đúng là tình ngay/lý gian và rất là gay rồi đó, khả năng DN sẽ bị phạt mất nhiều tiền về hành vi làm mất liên 2 của Hoá đơn.

Đúng ra, nếu không bị mất/thất lạc thì Hoá đơn đó sẽ trả lại cho DN bạn, rồi làm thủ tục huỷ và xuất hoá đơn mới.

Với trường hợp DN mua bị mất liên 2 thì có thủ tục đề nghị Bên DN bán hỗ trợ, theo đó Bên bán sẽ copy liên 1 kèm Tờ khai thuế, bảng kê của tháng có tờ hoá đơn đó, ghim vào và đóng dấu sao lục và dấu giáp lai của DN gửi đi thì bên Mua dùng nó để kê khai thuế đầu vào và hạch toán chi phí. Thư bạn đọc cho biết thất lạc do người mua thì trách nhiệm phạt tiền sẽ là do bên mua.

Đối với DN của Bạn như nêu trong thư hỏi thì Bên bán coi như không ảnh hưởng do đã khai/nộp thuế nhưng ai mà tin được liệu nên mua đã có và đã kê khai đầu vào hay không. Do đó, bạn cần trao đổi với Bên mua để Bên nào khai với cơ quan thuế để được xử phạt. Hết sức lưu ý rằng nếu do bên mua làm mất thì bị phạt mức nhẹ nhưng nếu bên bán làm mất thì bị phạt nhiều hơn. Bạn tham khảo Thông tư số 166/2013 để biết thêm chi tiết.

Câu 4: Công ty chúng tôi mới thành lập, hiện tại chúng tôi có đăng ký kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ. Tuy nhiên khi đăng ký theo mẫu 06 của Thông tư 156 đến cơ quan thuế lại không đồng ý nhận và trả lời là theo thông tư mới nhất chưa hướng dẫn đối với doanh nghiệp mới thành lập. Tôi thấy điều này mâu thuẫn với luật thuế GTGT. Tôi muốn hỏi theo các thông tư nghị định mới nhất thì ngay sau khi thành lập doanh nghiệp chúng tôi phải thực hiển làm những thủ tục gì với cơ quan thuế và thời hạn là bao nhiêu ngày?

Bạn cần tham khảo văn bản mới nhất hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT đến nay là Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 31/12/2013 (điều 12, khoản 2), theo đó DN mới thành lập nếu có sắm tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên để phục vụ cho sản xuất kinh doanh thì được quyền đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.  Mẫu khai 06 ban hành kèm theo Thông tư 156/2013 sẽ áp dụng đối với tất cả DN được thành lập trước ngày 01/01/2014 mà có mức doanh thu năm dưới 1 tỷ đồng.

Các DN không đáp ứng điều kiện quy định của Thông tư số 219/2013 thì tạm thời nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp với mức thuế từ 1% đến 5% tuỳ theo từng hoạt động. Sau thời kỳ khai thuế ổn định theo quy định của Thông tư 156/2013 nếu DN đạt được điều kiện trên thì đăng ký theo mẫu 06 để chuyển lên nộp thuế theo PP khấu trừ (nếu có nhu cầu).

Bạn đọc hiểu rằng các Thông tư do Bộ Tài chính ban hành đều phải dựa trên khuôn khổ của Luật về nội dung cũng như thẩm quyền

Câu 5: Tôi muốn hỏi là doanh nghiệp tôi có nhập khẩu nguyên liệu để gia công cho phía nước ngoài. Tuy nhiên sau đó có một vài lô hàng lỗi bị phía nước ngoài gửi trả lại và buộc phải tiêu thụ trong nước. Vậy doanh nghiệp tôi phải nộp những loại thúê nào ( hàng thuộc diện chịu thúê tiêu thụ đặc biệt), cho những cơ quan nào. Liệu tôi có phải vừa nộp thúê GTGT cho nguyên liệu đầu vào, vừa phải nộp thúê GTGT cho sản phẩm đầu ra hay không?

Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công xuất khẩu thì không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT khâu nhập khẩu. Đối với số nguyên liệu nhập khẩu ứng với hàng gia công nay tiêu thụ trong nước thì phải truy nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho cơ quan Hải quan theo dõi việc nhập khẩu này. Thuế nhập khẩu phải truy nộp sẽ được tính vào giá thành, giá vốn của hàng được tiêu thụ trong nước. Thuế GTGT truy nộp khâu nhập khẩu sẽ được kê khai, khấu trừ (bù trừ với thuế GTGT đầu ra của DN).

Đối với hàng hoá mà nước ngoài trả lại và tiêu thụ tại VN thì phải tính nộp thuế GTGT đầu ra (tính trên Hoá đơn GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp trên kết quả kinh doanh chung của DN. Việc khai nộp các loại thuế này được thực hiện theo Thông tư số 156/2013 của Bộ Tài chính, khai nộp cho cơ quan thuế đang quản lý DN.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về giải đáp những thắc mắc về thuế gtgt Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139