Việt Nam hiện nay đang là một thị trường tiềm năng thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài, cũng chính vì vậy, số lượng các doanh nghiệp FDI được thành lập tại Việt Nam đang ngày một tăng cao. Vậy có những điểm nào nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi tiến hành thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh sẽ đưa ra những lưu ý khi thành lập công ty fdi.
Tổng quan về doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp FDI là gì?
Theo quy định tại khoản 19, 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp fdi là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Theo đó, hiểu một cách đơn giản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu.
Phân loại doanh nghiệp FDI
Dựa theo tỉ lệ vốn góp, tỉ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài sẽ bao gồm các loại sau:
Doanh nghiệp vốn nước ngoài 100%;
Doanh nghiệp có cá nhân là người nước ngoài, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư. (tỉ lệ vốn góp <100%)
Các hình thức đầu tư để trở thành doanh nghiệp FDI
Hình thức đầu tư để trở thành doanh nghiệp FDI:
Thành lập doanh nghiệp có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác;
Thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam;
Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh
Lợi ích, hạn chế của công ty FDI
Lợi ích
Tăng trưởng kinh tế
Tiếp cận công nghệ và bí quyết quản lý của nước ngoài
Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu
Tạo cơ hội việc làm
Hạn chế
Có thể gây nên sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài
Làm tăng chênh lệch về thu nhập, làm gia tăng sự phân hóa giữa các tầng lớp trong xã hội, tăng mức độ chênh lệch phát triển giữa các vùng với nhau.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, cổ phần bằng các thiết bị, vật tư, dây chuyền lạc hậu, gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư
Danh sách các công ty FDI mới thành lập
Tra cứu các doanh nghiệp FDI có trong cơ sở dữ liệu được phép công khai hóa theo quy định, thông qua Cổng thông tin điện tử đầu tư, theo đường lịnk: https://fdi.gov.vn/pages/GioiThieu.aspx
Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Có 2 phương thức thành lập doanh nghiệp FDI:
Thành lập doanh nghiệp FDI bằng cách đầu tư trực tiếp: nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần tại thời điểm thành lập doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp FDI bằng cách đầu tư gián tiếp: Đối với phương thức này thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư;
Thủ tục thành lập theo 2 phương thức sẽ được trình bày lần lượt dưới đây:
Thành lập doanh nghiệp FDI bằng cách đầu tư trực tiếp
Bước 1: Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 2: Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật đầu tư 2020.
Nếu dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư tiến hành soạn hồ sơ và gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành.
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 31/2020/NĐ-CP và Điều 33 Luật Đầu tư 2020, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
Bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu (đối với nhà đầu tư là cá nhân); bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với nhà đầu tư là pháp nhân);
Đề xuất dự án đầu tư;
Bản sao một trong các tài liệu chứng minh khả năng tài chính của nhà đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư…
Đề xuất nhu cầu sử dụng đất: trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
Bước 3: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Chuẩn bị hồ sơ và gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Xin giấy phép đủ điều kiện với các ngành nghề có điều kiện
Thành lập doanh nghiệp FDI bằng cách đầu tư gián tiếp
Thành lập doanh nghiệp FDI theo phương thức này sẽ không phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bởi lẽ tại thời điểm doanh nghiệp thành lập chưa có sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp này sẽ thực hiện theo 3 bước sau:
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam
Soạn thảo hồ sơ theo quy định và nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Bước 2: Xin giấy phép đủ điều kiện đối với các ngành nghề có điều kiện
Bước 3: Nhà đầu tiến hành đăng ký mua vốn góp, cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp của Việt Nam.
Hồ sơ sẽ gồm như sau:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
Bản sao công chứng và xác nhận hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ chứng minh tư cách cá nhân hoặc pháp nhân của nhà đầu tư từ nước ngoài như hộ chiếu và giấy phép đăng ký kinh doanh.
Bước 4: Chuyển nhượng, mua bán vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật.
Những lưu ý khi thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Về lĩnh vực đầu tư kinh doanh thành lập doanh nghiệp FDI
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng không phải mọi lĩnh vực đều được phép đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, do vậy nhà đầu tư nên xem xét kỹ luật pháp Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ví dụ như Biểu cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ của Việt Nam trong GATS. Theo đó, Việt Nam sẽ có hạn chế về phương thức đầu tư hoặc hình thức đầu tư, thành lập doanh nghiệp đối với một số ngành nghề nhất định.
Hay trong Luật đầu tư cũng quy định về các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Như vậy, ngành nghề đầu tư là điều đầu tiên mà nhà đầu tư cần lưu ý để tránh bị từ chối đầu tư kinh doanh, gây mất thời gian và cả tiền bạc đối với nhà đầu tư.
Về bản thân nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp FDI
Nhà đầu tư vào Việt Nam có thể đầu tư với tư cách là cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần xem xét kỹ các cam kết trong Biểu cam kết hoặc các quy định của luật Việt Nam để tránh trường hợp có một số ngành nghề đầu tư quy định rõ về tư cách nhà đầu tư.
Về vốn đầu tư và góp vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp FDI
Theo các cam kết cũng như quy định của pháp luật Việt Nam, Việt Nam có giới hạn tỷ lệ vốn góp đối với một số ngành như giáo dục, kinh doanh bất động sản, lữ hành, trung gian thanh toán, ….; còn lại các ngành nghề kinh doanh thông thường khác không có quy định giới hạn mức đầu tư.
Đối với những lĩnh vực này, nhà đầu tư cần đảm bảo tính khả thi của lượng vốn đầu tư tương xứng với phạm vi, quy mô của dự án đồng thời cần cân đối lượng vốn đầu tư phù hợp. Như vậy, nhà đầu tư có thể đảm bảo tính khả thi khi triển khai dự án, tránh đăng ký quá ít dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần gây tốn thời gian và chi phí.
Việc góp vốn cần thực hiện đúng theo thời hạn đã đăng ký thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Điều lệ công ty và pháp luật Việt Nam. Khoảng thời gian này là không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Về địa điểm đầu tư, thành lập doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp FDI,Dịch vụ xin giấy chứng nhận đầu tư;
Nhà đầu tư nên lưu ý lựa chọn chọn các địa điểm thỏa mãn một số yếu tố sau để tiến hành thuê địa điểm:
Có địa chỉ rõ rằng;
Bên cho thuê phải có đầy đủ các giấy từ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu hoặc/và quyền cho thuê/quyền cho thuê đầu tư;
Địa điểm/văn phòng cho thuê thuộc diện được phép cho thuê, được thiết kế và xây dựng đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không đang trong tình trạng có tranh chấp;
Văn phòng thuê cần thuộc khu vực được thiết kế và xây dựng phục vụ chức năng văn phòng.
Khi thuê, nhà đầu tư cần có một Hợp đồng thuê trong đó nêu rõ giá thuê, thời hạn thuê, diện tích thuê, v.v để vạch rõ trách nhiệm của hai bên. Hợp đồng thuê cũng là một tài liệu cần cung cấp cho cơ quan nhà nước khi nhà đầu tư tiến hành thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Về sử dụng lao động thành lập doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp FDI khi được thành lập tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của Việt Nam về sử dụng người lao động. Nhà đầu tư có thể thuê người lao động là người Việt Nam hoặc người nước ngoài. Nếu sử dụng lao động nước ngoài cần chú ý phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đó.
Về người đại diện theo pháp luật thành lập doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp FDI phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Về báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp FDI
Khi thành lập một doanh nghiệp FDI, theo pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư phải tiến hành chế độ báo cáo dự án đầu tư, phải đăng ký tài khoản và thực hiện chế độ báo cáo dự án thông qua Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.
Ngoài các vấn đề riêng biệt cần lưu ý trên, các doanh nghiệp FDI cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định như các doanh nghiệp trong nước khi tiến hành kinh doanh như sử dụng con dấu, nộp thuế, v.v.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về những lưu ý khi thành lập công ty fdi Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.