Luật sư bào chữa hình sự

luật sư bào chữa hình sự

Xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ trong xã hội đòi hỏi đến sự đảm bảo pháp lý cao hơn. Cũng từ đó, luật sư bào chữa hình sự ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Với tư cách là một nghề tự do, Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng thông qua các hoạt động như tư vấn pháp luật, bào chữa, cung cấp thông tin pháp lý.

Cũng thông qua các dịch vụ pháp lý, Luật sư giúp khách hàng hiểu rõ các quy định về pháp luật, thực hiện đúng pháp luật, giúp hạn chế các hành vi vi phạm, các tranh chấp trong các giao dịch.

Luật sư là gì?

Theo Điều 2 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012: Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Chức năng xã hội của Luật sư bao gồm: Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyên tắc hành nghề Luật sư

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

– Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

– Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

– Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Khái niệm về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

Trong từ điển tiếng Việt: “Bào chữa là hoạt động dùng lý lẽ, chứng cứ để bênh vực một việc”.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Quyền bào chữa chỉ dành cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chứ không dành cho những đối tượng tham gia Tố tụng hình sự khác và quyền này chỉ giới hạn trong việc bác bỏ một phần hay toàn bộ lời buộc tội của các Cơ quan tiến hành tố tụng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Đối với việc bảo vệ các quyền và lợi ích khác của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không trực tiếp liên quan đến việc bác bỏ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm của họ trong vụ án thì không thuộc về giới hạn của quyền bào chữa. Tuy nhiên, khi đã bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án thì người bào chữa cũng đồng thời giúp bị can, bị cáo trong việc bảo vệ các quyền đó của họ.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã mở rộng cũng như ghi nhận nhiều điểm tiến bộ hơn đối với Quyền bào chữa của bị can, bị cáo như: thời điểm được tham gia bào chữa của người bào chữa vào hoạt động tố tụng sớm hơn, bảo đảm quyền bào chữa ngay từ khi bị giữ, bị bắt;

Ngoài bị can, bị cáo thì quyền bào chữa còn thuộc về người bị giữ, bị bắt; ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; mở rộng khái niệm người bào chữa…

Khái niệm Người bào chữa được ghi nhận tại điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

“1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa

  1. Người bào chữa có thể là:
  2. a) Luật sư;
  3. b) Người đại diện của người bị buộc tội;
  4. c) Bào chữa viên nhân dân;
  5. d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”.

Để trở thành người bào chữa cho người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) trong một vụ án, Luật sư phải được Cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Hồ sơ đăng ký bào chữa của Luật sư bao gồm: Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.

Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 (chỉ định người bào chữa), Luật sư xuất trình thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư nơi Luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn Luật sư đối với Luật sư hành nghề là cá nhân.

luật sư bào chữa hình sự
luật sư bào chữa hình sự

Vai trò bào chữa của Luật sư trong mô hình tố tụng tranh tụng

Mô hình tố tụng tranh tụng có nguồn gốc từ mô hình tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ ở các nước theo hệ thống luật án lệ như Anh và Mỹ. Tính chất “tranh tụng” của tố tụng hình sự các nước thể hiện qua một số nội dung cơ bản sau:

Tố tụng tranh tụng cho rằng, sự thật sẽ được mở ra thông qua sự tranh luận tự do và cởi mở giữa hai bên (một bên là Nhà nước và bên kia là người bị buộc tội) có các dữ kiện chính xác về vụ việc.

Tố tụng tranh tụng đề cao luật hình thức (thủ tục tố tụng) hơn luật nội dung. Thủ tục tố tụng tại phiên toà được thực hiện công khai, bằng miệng và tuân thủ triệt để nguyên tắc tranh tụng. Bên buộc tội và bên bào chữa tham gia phiên tòa với tư cách là hai đối thủ có trách nhiệm chứng minh về sự có tội hay vô tội của bị cáo.

Tố tụng tranh tụng không có giai đoạn điều tra, mọi chứng cứ hoàn toàn do các bên tự thu thập và chỉ được đưa ra tranh luận tại phiên xét xử. Bên buộc tội và bên bào chữa sử dụng quyền kiểm tra chéo đối với người làm chứng để xác định tính trung thực hay sự thiên vị trong các lời khai của họ.

Hoạt động bào chữa được thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình giải quyết vụ án mà không đơn thuần chỉ giới hạn trong việc bào chữa tại phiên Toà. Đối với mô hình tố tụng tranh tụng thì hoạt động tranh tụng được diễn ra ngay từ khi khởi tố vụ án. Hồ sơ được thu thập cả từ hai phía (bên buộc tội và bên gỡ tội).

Theo quy định của pháp luật thì bên buộc tội và bên gỡ tội có quyền như nhau, họ cùng thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và tranh tụng công khai tại phiên tòa, tòa án sẽ không biết trước được hồ sơ của hai bên cho đến khi mở phiên điều trần.

Tòa án chỉ là trọng tài để xem xét những chứng cứ buộc tội và những chứng cứ gỡ tội qua các phiên điều trần. Việc điều tra được thực hiện công khai tại các phiên điều trần. Việc quyết định bị cáo có tội hay không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và do bồi thẩm đoàn quyết định.

Đây chính là đặc điểm thể hiện rất rõ vai trò của Luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự theo mô hình tranh tụng.

Trong mô hình tố tụng tranh tụng, vai trò của Luật sư hết sức quan trọng và không thể thiếu. Họ không tham gia vào quá trình tố tụng với vai trò hỗ trợ, bổ sung mà là một trong những chủ thể chính tiến hành tố tụng.

Luật sư là chủ thể bình đẳng, cùng với công tố viên sẽ cùng tham gia giải quyết để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Chính vì vậy, yếu tố công bằng, bình đẳng, dân chủ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo được đảm bảo rất cao.

Mặc dù không phải là người có quyền quyết định trong vụ án, nhưng Luật sư bào chữa lại là người có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục thẩm phán và bồi thẩm đoàn đưa ra quyết định.

Để thực hiện hoạt động bào chữa, Luật sư phải tiến hành thu thập các chứng cứ quan trọng, thuyết phục nhất, phát triển các bằng chứng đó để xuất trình và tranh luận trước Tòa án.

Luật sư phải có lý lẽ sắc bén, dự liệu trước được những tình huống sẽ diễn ra trong phiên tòa để chuẩn bị những lập luận có lợi nhất cho thân chủ của mình. Hoạt động bào chữa của Luật sư được thực hiện độc lập, công khai và được các cơ quan tố tụng tạo điều kiện tốt nhất.

Tuy nhiên, không có nghĩa là Luật sư không bị giới hạn về quyền hạn hay tự do làm bất kỳ việc gì có lợi cho khách hàng. Luật pháp các nước đều có quy định những gì Luật sư không được phép làm.

Ví dụ, luật pháp Nhật Bản cấm Luật sư bào chữa cố tình đưa ra những lời khai hoặc cung cấp chứng cứ giả mạo cho Tòa án, luật pháp Hoa Kỳ quy định Luật sư bào chữa không được phép dùng những từ ngữ gây kích động bồi thẩm đoàn, không được yêu cầu bồi thẩm đoàn cho rằng họ đang là bị cáo, không được xúc phạm cá nhân công tố viên…

Vai trò bào chữa của Luật sư trong mô hình tố tụng xét hỏi và mô hình tố tụng hỗn hợp (Mô hình tố tụng của Việt Nam)

Mô hình tố tụng xét hỏi (mô hình tố tụng thẩm vấn) xuất hiện vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ, trong các Tòa án tôn giáo và dần dần thâm nhập vào Tòa án thường. Các quốc gia theo mô hình tố tụng này là những quốc gia theo truyền thống luật dân sự, như Pháp, Đức,…

Khác với mô hình tố tụng tranh tụng, mô hình tố tụng thẩm vấn coi trọng luật nội dung hơn luật hình thức (thủ tục tố tụng), coi trọng các chứng cứ viết. Mô hình tố tụng này đề cao vai trò tích cực, chủ động của Toà án: Thẩm phán vừa là người đưa ra quyết định điều tra vụ án, vừa là người có trách nhiệm tìm ra sự thật, là người chỉ đạo toàn bộ quá trình tố tụng, kể cả giai đoạn điều tra.

Viện công tố có nhiều quyền hạn hơn so với trong tố tụng tranh tụng, có quyền chỉ đạo công tác điều tra, quyết định khởi tố.

Ở Việt Nam thực hiện mô hình tố tụng xét hỏi thiên về thẩm vấn nhưng có thêm yếu tố tranh tụng. Theo đó, hoạt động tố tụng sẽ theo tuần tự từ điều tra, truy tố, rồi đến xét xử.

Khi xét xử thì hồ sơ có thể được trả lại cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Trong hoạt động tố tụng hình sự như vậy thì có thể không cần đến người bào chữa, thực tế trước đây rất ít vụ án có người bào chữa.

Trường hợp bị can, bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật hoặc đang bị giam giữ thì rất ít có cơ hội để gỡ tội cho mình. Hoạt động xét xử theo “trục dọc” (Điều tra – truy tố – xét xử) như vậy (đều do các cơ quan nhà nước thực hiện) đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có tài đức vẹn toàn, phải công tâm, công bằng thì mới đảm bảo được quyền lợi của người bị buộc tội, bị can, bị cáo, đảm bảo lẽ phải, có công lý.

Theo sự phát triển của xã hội cũng như nhận thức của người dân và sự phát triển của nghề nghiệp Luật sư thì vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự ngày càng được coi trọng và ghi nhận hơn, đã có nhiều vụ án có sự tham gia của luật sư bào chữa.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời đã có nhiều điểm tiến bộ, khẳng định rõ vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng. Có thể thấy, Người bào chữa có mặt trong hầu hết các hoạt động tố tụng quan trọng của một vụ án hình sự, từ giai đoạn điều tra xác minh tin báo tố giác tội phạm đến các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Luật sư khi tham gia bào chữa trong một vụ án với vai trò đại diện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa, quyền gỡ tội, thay mặt cho bị can, bị cáo đưa ra những lý lẽ, lập luận, chứng cứ hợp pháp chứng minh những yếu tố gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của họ. Trong mỗi giai đoạn khác nhau của vụ án, người bào chữa sẽ phát huy vai trò riêng biệt.

Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Ngay từ giai đoạn cơ quan công an giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, người bị tố giác đã có quyền có người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Luật sư, người đại diện của người bị tố giác được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; kiểm tra, đánh giá, trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, Luật sư, người đại diện của người bị tố giác được có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác.

Nếu được điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý thì họ được gặp, hỏi người bị tố giác, người bị giữ. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì Luật sư, người đại diện… của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác.

Họ còn có quyền có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người bị tố giác; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về các vấn đề liên quan đến luật sư bào chữa hình sự. Nếu bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến dịch vụ tư vấn của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua Hotline của Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn nhanh chóng nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139