Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thuế ban đầu sau thành lập là thủ tục quan trọng đối với doanh nghiệp mới. Hồ sơ gồm những gì, thời hạn nộp, biểu mẫu ra sao, chi phí thế nào… Luật Trần và Liên danh sẽ hướng dẫn chi tiết mọi thứ cho bạn trong bài viết dưới đây.
Lựa chọn phương pháp kê khai thuế GTGT + TNCN + Hóa đơn
Lựa chọn phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng
– Có hai phương pháp tính thuế GTGT: phương pháp khấu trừ (sử dụng hoá GTGT) và phương pháp trực tiếp (sử dụng hoá đơn bán hàng).
– Có hai kỳ kê khai theo tháng và theo quý (Những doanh nghiệp nào mới thành lập thì kê khai theo quý). Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT: theo quý là ngày thứ 30 tháng đầu tiên quý sau
– Hồ sơ khai thuế:
Theo CV số: 4253/TCT-CS, kể từ ngày 05/11/2017 việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo hồ sơ khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:
+ Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
+ Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.
Lựa chọn loại hóa đơn sử dụng
Sau khi lựa chọn phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng:
– Nếu doanh nghiệp lựa chọn kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, sẽ sử dụng hóa đơn GTGT. Doanh nghiệp lựa chọn đơn vi cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử và làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn điện tử trước khi sử dụng.
– Nếu doanh nghiệp lựa chọn kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, sẽ sử dụng hóa đơn bán hàng. Doanh nghiệp liên hệ với chi cục thuế quản lý để làm thủ tục mua hóa đơn.
Kê khai thuế TNCN
– Doanh nghiệp cần xác định được doanh nghiệp mình thuộc đối tượng kê khai theo quý hay theo tháng
– Hồ sơ khai thuế bao gồm: Tờ khai TNCN mẫu 05/KK-TNCN (áp dụng cho cả trường hợp kê khai theo tháng và theo quý) được ban hành kèm theo thông tư 92/2015/TT-BTC
– Thời hạn nộp tờ khai thuế TNCN theo tháng: Chậm nhất ngày 20 của tháng tiếp theo
– Thời hạn nộp tờ khai thuế TNCN theo quý: chậm nhất ngày thứ 30 của quý tiếp theo
– Thời hạn nộp tiền thuế TNCN: Thời hạn nộp tiền thuế TNCN cũng là thời hạn nộp tờ khai thuế TNCN nếu có phát sinh yếu tố tiền thuế TNCN.
Chuẩn bị trước khi nộp tờ khai thuế điện tử
Để có thể tiến hành làm báo cáo thuế điện tử, cụ thể là nộp tờ khai thuế điện tử qua trang thuedientu.gdt.gov.vn một cách thuận tiện nhất, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu sau:
– Thứ nhất, bạn cần đăng ký tài khoản kê khai, nộp tờ khai thuế qua mạng trên trang thuedientu.gdt.gov.vn.
– Thứ hai, bạn cần chuẩn bị một chữ ký số, chữ ký điện tử bởi đây là tiêu thức bắt buộc phải có.
– Thứ ba, bạn cần chuẩn bị một máy tính có kết nối Internet ổn định để đảm bảo quá trình nộp tờ khai thuế điện tử không bị gián đoạn.
– Thứ tư, bạn cần cài đặt phần mềm hỗ trợ kê khai trên máy tính, ưu tiên cập nhật phiên bản mới nhất.
Quy trình nộp tờ khai thuế thuế điện tử qua trang thuedientu.gdt.gov.vn
Với quy trình báo cáo thuế điện tử về nghiệp vụ nộp tờ khai thuế điện tử qua trang thuedientu.gdt.gov.vn, bạn tiến hành theo các bước hướng dẫn sau:
Bước 1: Cắm chữ ký số vào máy tính
Trước khi tiến hành khai thuế điện tử qua trang thuedientu.gdt.gov.vn, bạn cần tiến hành cắm chữ ký số vào máy tính dùng để khai thuế. Điều này sẽ giúp bạn tiến hành bước ký số và nộp tờ khai một các nhanh chóng hơn sau khi đã hoàn tất thủ tục tờ khai thuế điện tử trên hệ thống.
Bước 2: Truy cập vào cổng thông tin của Tổng cục Thuế
Sau khi đã kết nối chữ ký số vào máy tính, bạn mở trình duyệt mình đang sử dụng (Coccoc, Chrome,…) và truy cập vào cổng thông tin của Tổng cục Thuế tại link này: https://thuedientu.gdt.gov.vn/.
Bước 3: Chọn chức năng “Khai Thuế”
Trên trang chủ của cổng thông tin Tổng cục Thuế, bạn nhấn chọn chức năng “Khai thuế”, chọn tiếp mục “Nộp tờ khai XML”.
Khi giao diện “Nộp tờ khai XML” hiển thị, bạn nhấn ô “Chọn tệp tờ khai” để tải tờ khai đã tạo kết xuất trên hệ thống phần mềm HTKK trước đó.
Trường hợp nếu bạn chưa tạo tờ khai hay cần phải chỉnh sửa thông tin trên tờ khai thuế điện tử thì bạn có thể mở phần mềm hỗ trợ kê khai để hoàn tất tờ khai thuế chuẩn xác, kết xuất tờ khai rồi tải xuống và lưu lại hệ thống máy tính. Tiếp sau đó bạn quay lại bước tải tờ khai.
Bước 4: Tải tờ khai cần nộp lên hệ thống
Ở bước này, sau khi nhấn “Chọn tệp tờ khai” bạn chỉ cần mở đúng mục đã lưu trữ tờ khai đã chuẩn bị, nhấn chọn tờ khai và nhấn “Open” để tải lên hệ thống.
Bước 5: Nhấn ký điện tử và hoàn thành nộp tờ khai
Trên giao diện “Nộp tờ khai XML”, bạn nhấn chọn “Ký điện tử”.
Khi này, hệ thống sẽ hiện thị cửa sổ nhập mã PIN của USB Token, bạn cần nhập mã PIN của chữ ký số vào phần “User PIN” rồi nhấn chọn ô “Login”.
Trường hợp thông tin hoàn toàn chính xác, bước ký điện tử thành công thì hệ thống sẽ gửi thông báo “Ký tệp tờ khai thành công!”. Việc của bạn là nhấn “Ok” để xác nhận.
Cuối cùng, bạn cần nhấn “Nộp tờ khai” để có thể gửi tờ khai thuế tới cơ quan thuế ngay trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Cụ thể, trên giao diện trang chủ, bạn nhấn chọn chức năng “Tra cứu”, chọn tiếp “ Tờ khai” để giao diện “Tra cứu” thông báo khai thuế được hiển thị.
– Tại đây, bạn cần hoàn tất các thông tin tra cứu được hệ thống yêu cầu: Mã giao dịch; Tờ khai; Loại thông báo; Ngày gửi từ ngày; Đến ngày.
– Cuối cùng, sau khi đã hoàn tất thông tin, bạn chỉ cần nhấn lệnh “Tra cứu” và hệ thống sẽ hiển thị kết quả tờ khai bạn cần tra cứu.
– Nếu bạn muốn tải kết quả này về máy tính thì có thể nhấn chọn “Tải về”. Bởi, hệ thống hoàn toàn cho phép người nộp thuế lưu file thông báo dạng XML về máy tính.
Như vậy, bài viết trên đây đã hướng dẫn bạn cách nộp tờ khai thuế điện tử qua trang thuedientu.gdt.gov.vn và tra cứu kết quả nộp tờ khai nếu muốn.
Quy định về hồ sơ khai thuế ban đầu
Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì các đơn vị kinh doanh bắt buộc phải thực hiện các thủ tục khai thuế ban đầu, trong đó có hồ sơ khai thuế ban đầu.
Thông thường, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải lập một bộ hồ sơ khai thuế lần đầu để gửi lên cơ quan có thẩm quyền, bao gồm các yêu cầu sau:
– Tờ khai đăng ký hình thức kế toán áp dụng tại doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị 02 bản tờ khai đăng ký hình thức kế toán áp dụng tại doanh nghiệp. Nội dung của tờ khai này sẽ bao gồm các thông tin cơ bản sau: Hình thức kế toán, hình thức nhập xuất hàng hóa, hình thức ghi sổ kế toán, phương pháp kế toán, chế độ kế toán áp dụng và loại hóa đơn sử dụng.
– Công văn đăng ký chế độ kế toán áp dụng
Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị 02 bản công văn đăng ký chế độ kế toán doanh nghiệp chọn áp dụng.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC. Hoặc, các doanh nghiệp có thể chọn áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
Bởi, tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, Bộ Tài chính đã chỉ định Thông tư này được áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
– Đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định
Căn cứ vào Thông tư số 45/2013/TT-BTC, các doanh nghiệp phải lập bản đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định với cơ quan thuế.
Theo đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị 02 bản đăng ký bổ sung vào hồ sơ khai thuế lần đầu.
– Giấy ủy quyền
Với những trường hợp người nộp hồ sơ khai thuế lần đầu không phải là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp thì cần chuẩn bị thêm 01 bản giấy ủy quyền để có thể nộp hồ sơ thành công.
Trên đây là 04 yêu cầu cơ bản đối với một bộ hồ sơ khai thuế lần đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập.
Tuy nhiên, tùy từng chi cục thuế sẽ có những yêu cầu thêm khác đối với hồ sơ khai thuế như: Quyết định bổ nhiệm kế toán, Quyết định bổ nhiệm giám đốc, Thông tin doanh nghiệp, Hợp đồng thuê nhà,… Do đó, để đảm bảo hồ sơ đã được chuẩn bị đầy đủ, đúng quy định, người nộp hồ sơ nên liên hệ trước với chi cục thuế trực thuộc để được giải đáp chi tiết nhất.
Một số lưu ý khi nộp hồ sơ khai thuế lần đầu
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp của mình, người nộp hồ sơ cần quan tâm đến thời hạn nộp hồ sơ sao cho đúng.
Thời hạn nộp hồ sơ này sẽ là ngày cuối cùng của tháng ghi trên giấy phép kinh doanh, áp dụng với trường hợp doanh nghiệp bắt đầu sản xuất ngay khi nhận được giấy phép kinh doanh.
Hoặc, thời hạn sẽ là 30 ngày, tính từ ngày ghi trên giấy phép kinh doanh, áp dụng với trường hợp doanh nghiệp nhận được giấy phép kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động.
Nơi nộp hồ sơ khai thuế
Hiện nay, cơ quan thuế mà doanh nghiệp trực thuộc sẽ có trách nhiệm tiếp quản hồ sơ khai thuế lần đầu của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp vẫn thắc mắc về cơ quan thuế này thì thông tin đã có trên phiếu Thông báo về cơ quan thuế quản lý, người nộp hồ sơ chỉ cần xem lại thông báo này và kiểm tra thông tin là xong.
Địa điểm và thời gian nộp hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp
Tùy thuộc vào từng loại hình đầu tư của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ có các phiếu chuyển tương ứng về Chi cục thuế để doanh nghiệp có thể dễ dàng liên hệ trực tiếp và làm việc.
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế cho doanh nghiệp
Chi cục thuế tại các quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính sẽ là đơn vị cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Cơ quan quản lý này sẽ được ghi cụ thể trong phiếu Thông báo về cơ quan Thuế quản lý gửi về doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hoàn thành các quy trình và thủ tục thành lập, Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ gửi thông báo và giấy phép kinh doanh về cho doanh nghiệp.
Thời gian nộp hồ sơ khai thuế cho doanh nghiệp
Sau khi nhận được giấy phép kinh doanh, nếu doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh ngay sau đó thì ngày cuối cùng của tháng ghi trên giấy phép kinh doanh chính là thời hạn doanh nghiệp đó phải nộp hồ sơ khai thuế ban đầu.
Trong trường hợp doanh nghiệp đã nhận được giấy phép kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động ngay thì thời hạn nộp hồ sơ thuế ban đầu sẽ là 30 ngày tính từ ngày được ghi trên giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên cố gắng hoàn thiện các thủ tục và hồ sơ kê khai thuế ban đầu càng sớm càng tốt.
Trên đây là bài viết tư vấn về khai thuế ban đầu của Luật Trần và Liên danh. Nếu có thắc mắc hãy gọi cho chúng tôi theo số Hotline: 0969 078 234 để được tư vấn miễn phí.