Chi tiết tại Điều 208 BLHS năm 2015
Điều 208 BLHS năm 2015 quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác như sau:
“Điều 208. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 300.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Bình luận Điều 208 BLHS năm 2015
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tiền tệ và các loại giấy tờ có giá trị như tiền.
Đối tượng của tội phạm này là công cụ chuyển nhượng giả và các giấy tờ có giá giả khác.
Theo quy định của Luật công cụ chuyển nhượng 2005, công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.
Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định, giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/09/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản liệt kê các giấy tờ có giá:
“1. Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:
a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;
c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;
d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);
đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”
Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi làm giả, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác.
Làm giả có thể là các hành vi sau: vẽ công cụ chuyển nhượng giả; sao chụp, tạo bản in và in giấy tờ giả
Tàng trữ là hành vi cất giấu giấy tờ có giá giả, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Vận chuyển, lưu hành là chuyển đi, tìm nguồn tiêu thụ, tìm cách tung các loại giấy tờ có giá giả ra thị trường.
Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi thực hiện một trong các hành vi nêu trên.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm.
Hình phạt tại Điều 208 BLHS năm 2015
Điều 208 BLHS năm 2015 quy định 05 Khung hình phạt đối cá nhân phạm tội như sau:
– Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
– Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
– Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 300.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 208 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.