Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam được ban hành vào năm 2005 và được sửa đổi bổ sung năm 2009. Sự ra đời của luật sở hữu trí tuệ được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quá trình lập pháp của Việt Nam. Luật Trần và Liên Danh phân tích về một số khía cạnh pháp lý cụ thể:
Khái niệm sở hữu trí tuệ ?
Kể từ khi Việt Nam gia nhập TPP, cụm từ Sở hữu trí tuệ được nhắc tới rất nhiều lần. Vậy, thế nào là Sở hữu trí tuệ và Việt Nam quy định như thế nào về Luật Sở hữu trí tuệ ?
Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống.
Để nắm được những quy định chung về Luật Sở hữu trí tuệ, cần nắm được một số thuật ngữ dưới đây:
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.
Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.
Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.
Việt Nam quy định như thế nào về Luật Sở hữu trí tuệ ?
Chính sách của Nhà nước Việt Nam về sở hữu trí tuệ:
Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là gì ?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là gì ? cảm ơn!
Trả lời:
Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là tổ chức liên chính phủ được thành lập trên cơ sở Công ước Xtôckhôm ngày 14/7/1967 và là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới hiện nay đã có khoảng 110 quốc gia thành viên và Việt Nam đã tham gia tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới từ năm 1986. Trụ sở tại Giơnevơ (Thụy Sĩ).
Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO là gì ?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO là gì ?
Trả lời:
Ngày 14/7/1967, tại Hội nghị quốc tế ở Stôckhôm, công ước về bảo hộ quyền tác giả đã được ký kết. Trên cơ sở của công ước này, các nước thành viên đã thành lập một tổ chức quốc tế có tên gọi là “Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới”. Đến nay, WIPO đã có khoảng 110 quốc gia tham gia và Việt Nam đã tham gia vào tổ chức này từ năm 1981. Trụ sở của WIPO đặt tại Giơnevơ. Nhiệm vụ của WIPO là tăng cường bảo hộ pháp lý “sở hữu trí tuệ” trên phạm vi toàn thế giới thông qua hợp tác quốc tế. Nội dung của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ, hoạt động thông tin, phát thanh, tuyên truyền qua radio, vô tuyến; liên quan đến các phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và tất cả các quyền khác liên quan đến hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, khoa học và nghệ thuật.
Các cơ quan của WIPO gồm: – Đại Hội đồng là cơ quan tối cao của WIPO bao gồm tất cả các quốc gia thành viên. WIPO đồng thời cũng là thành viên Liên minh Pari hoặc Becnơ; có nhiệm vụ định ra phương hướng hoạt động của WIPO qua các thời kỳ; bổ nhiệm tổng giám đốc; phê chuẩn các báo cáo của tổng giám đốc và ủy ban hợp hợp cũng như các biện pháp hành chính liên quan đến hoạt động của WIPO; thông qua ngân sách, tổ chức thực hiện những chức năng tương ứng theo quy định của công ước. – Hội nghị bao gồm tất cả cá quốc gia thành viên của WIPO, có nhiệm vụ thảo luận công việc liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thông qua các vấn đề tư vấn và ngân sách của Hội nghị… – Ủy ban phối hợp: có nhiệm vụ tư vấn cho các cơ quan của các liên minh, Đại hội đồng, Hội nghị, tổng giám đốc về các vấn đề hành chính, tài chính và nhiều công việc khác; soạn thảo các văn bản, tài liệu cho Đại hội đồng, lập các chương trình và dự trù ngân sách cho hội nghị của WIPO… – Văn phòng quốc tế: thực hiện chức năng thư ký của WIPO, đứng đầu là tổng giám đốc với nhiệm kỳ 6 năm.
Nhóm các quyền nhân thân đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ
Thưa luật sư, Nhóm các quyền nhân thân đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào ?
Trả lời:
Nhóm các quyền này bao gồm:
Quyền tác giả đối với tác phẩm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả).
Quyền nhân thân của người biểu diễn: Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Quyền tác giả giống cây trồng: Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong Bằng bảo hộ giống cây trồng, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và trong các tài liệu công bố về giống cây trồng.
Khi những quyền nhân thân nói trên của ai đó bị xâm hại, người đó có quyền:
Tự mình cải chính.
Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai.
Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại – ở đây có thể hiểu là việc khởi kiện ra tòa.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về công ty luật sở hữu trí tuệ. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.