TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI LÀ GÌ?

Tội vô ý làm chết người

Pháp luật đặt ra quy định riêng đối với Tội vô ý làm chết người. Hành vi giết người đã được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự được thực hiện do lỗi cố ý (có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp).

Tuy nhiên trên thực tế, hành vi làm chết người còn có thể do lỗi vô ý gây ra. Đây là trường hợp có mức độ ít nguy hiểm hơn tội giết người với lỗi cố ý. 

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Điều 128 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định  như sau:

“Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

DẤU HIỆU PHÁP LÝ 

Khách thể 

Hành vi ở đây là làm chết người. Tức là quyền được sống, tính tính mạng của con người đã bị xâm phạm trái phép. Do đó, khách thể của tội vô ý làm chết người là quyền được sống, quyền được nhà nước bảo hộ về tính mạng của con người.

Mặt khách quan của Tội vô ý làm chết người

Hành vi phạm tội thuộc mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành động do cẩu thả hoặc quá tự tin mà gây ra cái chết cho nạn nhân. Hành vi khách quan tương tự như hành vi thực hiện tội phạm giết người.

Hành vi phạm tội có thể hành động hoặc không hành động. Các phương tiện như súng, dao, gậy, tay chân, thuốc độc… Hành vi tước bỏ quyền sống của người khác thường được thực hiện bằng các phương thức như bắn, chém, đâm, treo cổ, bóp cổ, đầu độc, đấm đá,v.v… Ví dụ, người đi săn tưởng người là thú nên đã bắn nhầm làm chết người.

Trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ, bác sĩ vì quá chủ quan khi cấp cứu nên đã khiến bệnh nhân tử vong.

Hậu quả chết người là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Giữa hành vi vô ý của người phạm tội và hậu quả chết là mối quan hệ nhân quả. Nguyên nhân cái chết của phạm nhân là do hành vi vô ý của người phạm tội.

Chủ thể của Tội vô ý làm chết người

Tội này được thực hiện bởi bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, tội giết người được thực hiện bởi bất kỳ người nào. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch.

Thứ hai, Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Khoản 2 Điều 12 quy định một số tội mà người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có tội vô ý làm chết người tại Điều 128. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội vô ý làm chết người.

Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Mặt chủ quan của Tội vô ý làm chết người

Mặt chủ quan là yếu tố đặc biệt phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người.

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý. Theo Điều 11 Bộ luật Hình sự, vô ý ở đây gồm vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.

Vô ý do cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề.v.v…

Như vậy, vô ý do cẩu thả làm chết người là trường hợp người phạm tội vì cẩu thả nên đã không nhìn thấy trước hậu quả chết người mặc dù pháp luật yêu cầu họ phải thấy trước hậu quả đó.

Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

Từ đây, có thể hiểu vô ý làm chết người do quá tự tin là trường hợp người phạm tội hoàn toàn thấy trước được hậu quả chết người nhưng do chủ quan, quá tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra nên vẫn thực hiện hành vi đó, kết quả hậu quả chết người vẫn xảy ra.

HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI 

Tội vô ý làm chết người
Tội vô ý làm chết người là gì?

Điều 128 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm như sau:

– Khoản 1 Điều 128 quy định khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung này áp dụng đối với trường hợp hành vi của người phạm tội vô ý làm chết 01 người. Theo phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự, người phạm tội theo Khoản 1 Điều 128 này thuộc loại tội nghiêm trọng.

– Khoản 2 Điều 128 quy định khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 10 năm áp dụng đối với trường hợp vô ý làm chết từ 02 người trở lên. Theo phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự, người phạm tội theo Khoản 02 Điều 128 này thuộc loại tội rất nghiêm trọng.

Trên đây là một số nội dung Điều 128 BLHS năm 2015, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

 

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139