Tính xã hội của nhà nước

tinh xa hoi cua nha nuoc

Nhà nước là tổ chức quyền lực đặc biệt của xã hội, bao gồm một lớp người được tách ra từ xã hội để chuyên thực thi quyền lực, nhằm tổ chức và quản lý xã hội, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích của lực lượng cầm quyền. Vậy tính xã hội của nhà nước được thể hiện như thế nào?

Lý do nhà nước có tính xã hội

– Nhà nước xuất hiện do nhu cầu điều hành và quản lý xã hội nhằm thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội.

– Nhà nước là sản phẩm có điều kiện của xã hội loài người, là một tổ chức trong xã hội, nó chỉ ra đời, tồn tại và phát triển trong lòng xã hội loài người ở những giai đoạn lịch sử nhất định và có sứ mệnh điều hành, quản lý xã hội.

– Nhà nước là một hình thức tổ chức của xã hội nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Biểu hiện tính xã hội của nhà nước

Tính xã hội của nhà nước thể hiện ở chỗ: Nhà nước là bộ máy để tổ chức và quản lý xã hội, nhằm thiết lập, giữ gìn trật tự và sự on định của xã hội, bảo vệ lợi ích chung của cả cộng đồng, vì sự phát triển của xã hội.

– Bất cứ xã hội nào muốn tồn tại và phát triển được cũng phải có trật tự và sự ổn định tương đối, tức là phải được tổ chức và quản lý chặt chẽ. Xã hội nào cũng có hàng loạt các vấn đề mang tính chất chung như: Sản xuất, thiên tai, địch họa, trật tự, an toàn xã hội… Để giải quyết các vấn đề chung đó cần có một tổ chức thay mặt xã hội, nhân danh xã hội để tổ chức, tập hợp, quản lý toàn xã hội, tổ chức đó phải thiết lập quyền lực chung (quyền lực công) của toàn xã hội. Tổ chức đó chính là nhà nước.

– Trước khi có nhà nước, các công việc chung của xã hội do thị tộc, bộ lạc giải quyết. Khi nhà nước xuất hiện thì trách nhiệm đó thuộc về nhà nước. Nhà nước phải thay mặt xã hội, đứng ra tổ chức dân cư, giải quyết các vấn đề chung vì sự ổn định, sống còn của cả xã hội chứ không phải của riêng giai cấp, lực lượng xã hội hay cá nhân nào.

– Nhà nước là đại diện chính thức của toàn xã hội nên ở mức độ này hay mức độ khác phải có trách nhiệm xác lập, thực hiện và bảo vệ các lợi ích cơ bản, lâu dài của quốc gia, dân tộc và công dân của mình; phải tập hợp và huy động mọi tầng lớp trong xã hội vào việc thực hiện các nhiệm vụ chung để bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; duy trì trật tự xã hội và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho các lĩnh vực hoạt động của xã hội được tiến hành bình thường, có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhà nước nhân danh và đại diện cho cả xã hội để quản lý xã hội, giải quyết các công việc chung của cả cộng đồng xã hội.

– Nhà nước có nhiều hoạt động vì lợi ích của các giai cấp, lực lượng khác nhau trong xã hội, của cả cộng đồng như: Xây dựng và phát triển giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội (đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện…); tổ chức, điều hành và quản lý các dịch vụ công…

– Nhà nước là bộ máy cưỡng chế để bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ trật tự chung trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thông tin liên lạc, bảo vệ môi trường sống…

– Nhà nước thay mặt xã hội thực thi chủ quyền quốc gia, phòng, chống ngoại xâm, bảo vệ Tố quốc… Không những thế, nhà nước còn là công cụ để giữ gìn và phát triển những tài sản văn hoá tinh thần chung của xã hội, những giá trị đạo đức, truyền thống và phong tục, tập quán phù hợp với ý chí của nhà nước.

– Mặc dù tính xã hội là thuộc tính chung của tất cả các nhà nước, song các nhà nước khác nhau sẽ khác nhau ở mức độ biểu hiện cụ thể của thuộc tính đó, tuỳ thuộc vào các điều kiện kinh tế – xã hội, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

+ Ở các nhà nước chủ nô và phong kiến, do cơ sở kinh tế – xã hội và trình độ phát triển của xã hội lúc đó nên tính xã hội của các nhà nước đó thể hiện khá mờ nhạt và hạn chế. Nhà nước chủ nô đã thực hiện một số hoạt động vì lợi ích chung của xã hội như xây dựng và bảo vệ các công trình thuỷ nông, xây dựng đường sá, cầu cống, thúc đẩy một số ngành nghề sản xuất phát triển.

+ Hoạt động tham gia giải quyết các vấn đề chung của xã hội của nhà nước phong kiến cũng chưa nhiều nên tính xã hội của nó thể hiện còn mờ nhạt và hạn chế. Mọi quyền lực đều thuộc về các vua, chúa phong kiến, do đó nền chính trị tốt hay xấu trong nhiều trường hợp phụ thuộc vào nhân cách, phấm hạnh của vua, chúa và tầng lớp quan lại trong nước. Việc đưa đất nước đến hưng thịnh hay suy vong, nhân dân ấm no hay đói khổ, lầm than trong nhiều trường hợp phụ thuộc rất nhiều vào vai trò, sự sáng suốt, nhân từ hay sự ngu muội, bạo ngược của vua, chúa trong đất nước.

+ Khi nhà nước tư sản ra đời, do yêu cầu và sự phát triển của xã hội, của nền dân chủ nên tính xã hội của nhà nước tư sản thể hiện rõ rệt và rộng rãi hơn nhiều so với các nhà nước chủ nô và phong kiến, đặc biệt là ở giai đoạn hiện tại. Nhà nước tư sản đã thực hiện khá nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, của nền văn minh nhân loại, nhưng tất nhiên là không phương hại nhiều đến lợi ích của giai cấp tư sản, của lực lượng cầm quyền.

+ Ở các nhà nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay, tính xã hội đã thể hiện khá rộng rãi và rõ rệt, phần lớn các hoạt động của nhà nước là vì lợi ích chung của xã hội, của cả cộng đồng.

+ Nhà nước xã hội chủ nghĩa sau này sẽ là kiểu nhà nước thể hiện tính xã hội rộng rãi, rõ rệt và sâu sắc nhất. Bởi lẽ, cơ sở kinh tế của kiểu nhà nước này là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bằng chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội và quan hệ hữu nghị, bình đẳng và hợp tác giữa những người lao động. Cơ sở xã hội của nhà nước này là những người lao động mà chủ yếu là công nhân, nông dân và trí thức, những người có lợi ích và địa vị xã hội tương đối thống nhất. Vì thế, nhà nước sẽ dần dần trở thành nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là công cụ để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội và là công cụ chủ yếu để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội – xã hội đủ khả năng mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân.

tinh xa hoi cua nha nuoc
tính xã hội của nhà nước

Phân tích chức năng nhà nước thông qua tính xã hội của nhà nước

Chức năng đối nội của nhà nước

Chức năng đối nội là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước trong nội bộ đất nước.

Ví dụ: Đảm bảo trật tự xã hội, trấn áp những phần tử chống đối chế độ, bảo vệ chế độ kinh tế … là những chức năng đối nội của các nhà nước.

(i) Chức năng bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đây là một trong những chức năng căn bản nhất của nhà nước ta. Muốn tiến hành sự nghiệp đổi mới thuận lợi, Nhà nước ta phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn bộ đất nước. Nhà nước phải có đủ sức mạnh và kịp thời đập tan mọi âm mưu chống đối của các thế lực thù địch, đảm bảo điều kiện ổn định cho Nhân dân sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, Nhà nước phải quan tâm xây dựng các lực lượng an ninh, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời phải “phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tính tích cực cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân, phối hợp lực lượng quốc phòng và an ninh trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.ST, H1991, tr.87).

(ii) Chức năng bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân.

Đây là một trong những chức năng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam quan trọng; bởi vì, việc thực hiện chức năng này thể hiện trực tiếp bản chất của nhà nước kiểu mới, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, việc thực hiện chức năng này sẽ đảm bảo sức mạnh của Nhà nước trong việc thực hiện tất cả các chức năng khác của Nhà nước, quan hệ đến sự tồn tại, phát triển của bản thân Nhà nước và chế độ. Đảng ta nhấn mạnh “Nhà nước có mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân”(Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.ST, H.1991, tr19).

(iii) Chức năng bảo vệ trật tự pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đây là chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện tất cả các chức năng khác của Nhà nước. Pháp luật là phương tiện quan trọng để Nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả tất cả các chức năng của mình, do đó, bảo vệ trật tự pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Mục đích của chức năng này là nhằm bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, thực hiện quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng pháp luật.

(iv) Chức năng tổ chức và quản lý kinh tế.

Tổ chức và quản lý nền kinh tế đất nước, xét đến cùng là chức năng hàng đầu và là cơ bản nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng mọi xã hội dựa trên cơ sở vật chất và kỹ thuật phát triển cao.

Nhà nước ta là người đại diện cho ý chí, quyền lực của Nhân dân lao động, là người chủ sở hữu đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu; là người nắm trong tay các công cụ, phương tiện quản lý (chính sách, kế hoạch, pháp luật, tài chính, ngân hàng…) và quản lý việc sử dụng tài sản quốc gia. Trên cơ sở đó, Nhà nước có đủ điều kiện để tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trong nước cũng như hợp tác quốc tế.

(v) Chức năng tổ chức và quản lý văn hóa, khoa học, giáo dục.

Xã hội mới mà Nhân dân ta đang xây dựng là xã hội do Nhân dân lao động làm chủ; có nền kinh tế phát triển trên cơ sở một nền khoa học và công nghệ tiên tiến; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Muốn xây dựng xã hội đó, Nhà nước ta phải tổ chức, quản lý sự nghiệp giáo dục đào tạo, văn hóa, phát triển khoa học và công nghệ. Đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ. Đó là những động lực trực tiếp của sự phát triển, tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các chức năng khác của Nhà nước vừa nhằm tổ chức quản lý văn hóa, khoa học, giáo dục vừa nhằm thực hiện những nhiệm vụ kinh tế xã hội. Trước mắt, cần chuẩn bị cho đất nước bước vào những giai đoạn phát triển tiếp theo trong tương lai, hòa nhập với sự phát triển của nền văn minh thế giới.

Chức năng đối ngoại của nhà nước thông qua tính xã hội của nhà nước

Chức năng đối ngoại thể hiện vai trò của nhà nước trong quan hệ với các nhà nước và dân tộc khác.

Ví dụ: Phòng thủ đất nước, chống xâm lược từ bên ngoài, thiết lập các mối bang giao với các quốc gia khác …

Nhà nước ta thực hiện chức năng đối ngoại nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với phong trào cách mạng thế giới. Đảng ta nhấn mạnh: “Mục tiêu của chính sách đối ngoại là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân loại thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”

Trên đây là tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về vấn đề tính xã hội của nhà nước. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139