Khi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân thì một bên có thể làm hồ sơ ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, nếu ly hôn đơn phương không có giấy tờ thì có thể tiến hành ly hôn được không? Cách giải quyết trong trường hợp ly hôn đơn phương không có giấy tờ phải làm sao? Bài viết sau đây của Luật Trần và Liên Danh sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi này.
Không đủ giấy tờ có ly hôn đơn phương được không?
Căn cứ theo Điều 106 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khi ly hôn đơn phương thì vợ hoặc chồng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn xin ly hôn đơn phương theo Mẫu số 23-DS được ban hành tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao sổ hộ khẩu của vợ, chồng (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao giấy khai sinh của con (có chứng thực, công chứng);
- Bản sao các giấy tờ chứng nhận tài sản cần chia như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ; đăng ký xe; sổ tiết kiệm;…
- Các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; chứng cứ chứng minh vợ chồng mất tích trong trường hợp yêu cầu ly hôn khi vợ chồng bị tuyên bố mất tích.
Như vậy, trường hợp ly hôn đơn phương không có giấy tờ thì không thể ly hôn được. Theo đó, bạn phải tiến hành một số thủ tục như chúng tôi trình bày ở những nội dung tiếp theo để bổ sung đầy đủ hồ sơ ly hôn đơn phương.
Ly hôn đơn phương không có giấy tờ phải làm thế nào?
Trong trường hợp đơn phương ly hôn không có đầy đủ giấy tờ, người yêu cầu ly hôn sẽ phải đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xin cấp lại các giấy tờ tùy thân để bổ sung đầy đủ hồ sơ.
Căn cứ theo Điều 106 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người nộp đơn ly hôn cần làm văn bản yêu cầu ghi rõ tài liệu cần cung cấp, lý do cung cấp; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu cần cung cấp.
Trong trường hợp đương sự dù đã đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.
Cụ thể:
- Trường hợp bị mất/không có giấy chứng nhận kết hôn thì lên Ủy ban nhân dân nơi trước đây vợ chồng tiến hành đăng ký kết hôn để xin trích lục Giấy chứng nhận kết hôn.
- Trường hợp các giấy tờ tùy thân trên của nguyên đơn, bị đơn nếu không có thì phải lên Công an Ủy ban nhân dân cấp xã xin xác nhận nhân thân là nhân khẩu hoặc sinh sống tại địa phương đó.
- Trường hợp sổ hộ khẩu của nguyên đơn, bị đơn không có thì phải lên Công an Ủy ban nhân dân cấp xã xin xác nhận nhân thân là nhân khẩu hoặc sinh sống tại địa phương đó.
- Trường hợp giấy khai sinh của con nếu không có phải lên Ủy ban nhân dân nơi trước đây đăng ký khai sinh cho con để xin trích lục.
Như vậy, trong trường hợp đơn phương ly hôn không có đầy đủ giấy tờ thì người yêu cầu ly hôn sẽ phải xin cấp lại các giấy tờ để bổ sung đầy đủ hồ sơ. Cụ thể thủ tục xin cấp lại như thế nào sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.
Thủ tục ly hôn đơn phương khi không có giấy tờ?
Sau khi bổ sung đầy đủ những giấy tờ còn thiếu thì bạn có thể tiến hành việc ly hôn đơn phương bằng cách nộp hồ sơ đến cơ quan tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn của mình. Thủ tục ly hôn đơn phương được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ ly hôn đơn phương mà chúng tôi đã nêu ở trên.
Trong trường hợp bạn không thể xin đủ các giấy tờ bạn có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu hoặc ủy quyền cho Luật Trần và Liên Danh xin cấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương tại cơ quan có thẩm quyền
Nếu không có yếu tố nước ngoài:
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người bị ly hôn đơn phương trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Nếu có yếu tố nước ngoài:
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Lưu ý: Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Bước 3: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ và thụ lý vụ án
Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí theo Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 4: Tham gia phiên giao nộp, tiếp cận tài liệu, chứng cứ
Để làm sáng tỏ nội dung của vụ án ly hôn, trong giai đoạn xét xử, thẩm phán tiến hành mở phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Tại phiên họp này, người khởi kiện ly hôn đơn phương phải có mặt theo yêu cầu của tòa án. Trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 5: Tiến hành hòa giải
Thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
- Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.
- Nếu hòa giải không thành: Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 6: Mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương
Trong thời hạn 01 tháng kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa xét xử ly hôn đơn phương.
Bước 7: Ra bản án ly hôn đơn phương
Nếu không hòa giải thành và xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì khi kết thúc phiên tòa, Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.
Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương
Thông thườn khoảng từ 02-04 tháng. Việc giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thái độ thiện chí của các bên, có tranh chấp quyền nuôi con hay số lượng và độ phức tạp của các tài sản tranh chấp. Trên thực tế, việc ly hôn đơn phương có thể diễn ra nhanh hơn thông thường nếu 2 bên đạt được các thỏa thuận tại tòa hoặc kéo dài hơn đối với các trường hợp có tranh chấp về con chung, tài sản chung, đặc biệt là những tài sản có tính chất phức tạp.
Khi ly hôn, vì việc mâu thuẫn đã trở nên trầm trọng và kéo dài nên có rất nhiều trường hợp hai vợ chồng không thể nói chuyện với nhau để giải quyết các mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi có bên tư vấn trung gian thì quan điểm của 2 bên có thể sẽ thay đổi sau khi được phân tích pháp lý giải đáp các thắc mắc của nhau. Vì vậy, nếu bạn thuộc trường hợp này hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn phương án.
Ly hôn, ai là người phải nộp tiền án phí?
Theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong các vụ án ly hôn, người nộp đơn ly hôn (nguyên đơn) phải chịu án phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc đơn yêu cầu có được chấp thuận hay không.
Trong trường hợp cả hai cùng yêu cầu thuận tình ly hôn thì mỗi người phải chịu ½ mức án phí sơ thẩm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, nghĩa vụ chịu án phí được quy định như sau:
– Vợ chồng trong vụ án ly hôn ngoài việc phải chịu 300.000 đồng tiền án phí không có giá ngạch thì phải chịu thêm án phí của phần tài sản tương ứng với giá trị mà mình được chia;
– Vợ chồng đã tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi tiến hành hòa giải thì không phải chịu án phí phần tài sản này;
– Vợ chồng phải chịu 50% mức án phí tương đương với giá trị tài sản họ được chia nếu họ không thỏa thuận được tại phiên hòa giải nhưng trước khi mở phiên tòa thì lại tự thỏa thuận được và yêu cầu công nhận trong bản án, quyết định của Tòa.
– Vợ chồng phải chịu án phí với toàn bộ tài sản phân chia nếu chỉ thống nhất được một phần trong phiên hòa giải…
Trong trường hợp nào ly hôn được giảm án phí?
Cũng theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Tòa án có thể giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí mà người đó phải nộp nếu gặp sự kiện bất khả kháng khiến bản thân không còn đủ tài sản để nộp và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Trong đó, sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, để được giảm án phí thì vợ hoặc chồng – người có nghĩa vụ nộp phải gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giảm án phí kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh bản thân đủ điều kiện được giảm án phí.
Đơn đề nghị bắt buộc phải có các nội dung:
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
– Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Ly hôn đơn phương không có giấy tờ. Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.