Kinh doanh thức ăn chăn nuôi

kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Kinh doanh thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi đang là một trong những ngành nghề đầy tiềm năng và thu hút rất nhiều sự quan tâm. Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi thế khi muốn đăng ký hoạt động trong ngành này, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu nhất định. Bài viết sau đây với chủ đề “Điều kiện đăng ký kinh doanh thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi” Luật Trần và Liên Danh hi vọng sẽ giúp quý khách hàng có thể nắm bắt được những thông tin pháp lý mới nhất cơ bản nhất về kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Thức ăn chăn nuôi thủy sản là gì?

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là các sản phẩm đã qua chế biến, bảo quản hoặc dưới dạng tươi sống nhằm mục đích tạo nguồn thức ăn tự nhiên, duy trì sự sống cho động vật.

Để đảm bảo kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị các công đoạn như: sản xuất, gia công, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào để kinh doanh ngành nghề thức ăn thủy sản

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần ( trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần) nhưng được phát hành trái phiếu

– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần (trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần) và được phát hành trái phiếu.

– Công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần,cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa.Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp,Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

– Công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty,Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Hồ sơ để thành lập công ty kinh doanh ngành nghề thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty theo Luật doanh nghiệp 2020.

– Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên , danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.

– Và một số giấy tờ khác kèm theo.

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn như giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật,giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư

+ Đối với công ty cổ phần như giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật.Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự,

Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

– Văn bản quy phạm pháp luật

+ Luật Chăn nuôi 2018

+ Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn về luật chăn nuôi

– Cá nhân, tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại.

+ Thiết kế khu sản xuất, bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, bảo đảm tách biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo.

+ Có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi; Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây nhiễm chéo, không thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi; khu vực chứa thức ăn chăn nuôi bảo đảm thông thoáng, có đủ ánh sáng để quan sát bằng mắt thường, có giải pháp chống ẩm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.

+ Có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp.

+ Có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn để không ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi.Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biện pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm; có biện pháp kiểm soát, phòng, chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ sản phẩm; có biện pháp phòng, chống mối mọt; có biện pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường; có biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất.

+ Có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định.

+ Có hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất.

+ Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch.

+ Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi có kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không có kháng sinh.

+ Có biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều kiện mua bán thức ăn chăn nuôi

Cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua bán thức ăn chăn nuôi thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp.

– Nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.

– Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.

kinh doanh thức ăn chăn nuôi
kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại.

– Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài.

– Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm.

+ Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp;

-+Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.

– Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất: Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.

– Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học:

Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học cho từng loại sản phẩm gồm các nội dung: nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải.

– Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139