Dịch vụ xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài.
Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật và phải có Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Luật Trần và Liên Danh xin tư vấn thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài năm 2006;
Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài;
Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết Luật người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài;
Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH về mẫu hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài;
Đối tượng nào được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động?
Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động là gì?
Doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động:
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định là 5 tỷ đồng;
Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
Có tiền ký quỹ 1 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trình tự, thủ tục thực hiện xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động
Thành lập doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
– Doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp và hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam;
– Doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định là 05 tỷ đồng;
– Doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Xây dựng và hoàn thiện bộ máy hoạt động xuất khẩu lao động
Để được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, Doanh nghiệp phải xây dựng phương án tổ chức Bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, cụ thể:
– Bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Trung tâm xuất khẩu lao động hoặc các Phòng nghiệp vụ xuất khẩu lao động; Trường hoặc trung tâm đào tạo; Bộ phận theo dõi, quản lý lao động ngoài nước; Các chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có).
– Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi làm việc ở nước ngoài được tổ chức thành trường hoặc trung tâm đào tạo và phải có ít nhất hai bộ phận sau: Bộ phận đào tạo và Bộ phận quản lý học viên.
– Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế.
– Doanh nghiệp phải xây dựng đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện hoạt động ký quỹ tại Ngân hàng
Doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Mức tiền ký quỹ theo quy định hiện nay là 01 tỷ đồng. Số tiền ký quỹ được phong tỏa tại Ngân hàng trong suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động và chỉ được rút trong một số trường hợp pháp luật quy định.
Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động tại Cục quản lý lao động ngoài nước. Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động theo mẫu;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn pháp định;
– Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ;
– Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó bao gồm các nội dung sau đây:
+ Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo uỷ quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).
+ Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.
+ Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
+ Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở thành người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (bao gồm: Bằng cấp từ trình độ đại học trở lên; Giấy tờ chứng minh có đủ 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế);
– Phương án tổ chức (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
– Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao;
– Giấy tờ chứng chứng minh trụ sở làm việc;
– Hợp đồng liên kết đào tạo (nếu có);
– Các giấy tờ; tài liệu khác có liên quan.
Sau đó, Cục quản lý lao động ngoài nước tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ; trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, Cục quản lý lao động ngoài nước lập Đoàn xác minh đến doanh nghiệp để xác minh các điều kiện thực tế sau đó trình hồ sơ lên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Bộ trưởng Bộ lao động – thương binh và Xã hội lấy ý kiến của UBND tỉnh/thành phố; Sở lao động thương binh và xã hội. Sau khi lấy ý kiến của cấp có thẩm quyền sẽ quyết định cấp hoặc không cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
Địa chỉ: 41B Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Người có thẩm quyền cấp Giấy phép xuất khẩu lao động
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền sau đây:
– Đối với doanh nghiệp nhà nước: Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tưởng Chính phủ thành lập;
– Đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp: Người ra quyết định thành lập doanh nghiệp;
– Đối với doanh nghiệp khác: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trường hợp không cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Thời hạn cấp Giấy phép xuất khẩu lao động
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu lao động được pháp luật Việt Nam điều chỉnh nghiêm ngặt và tính chất phức tạp của hồ sơ nên thời gian thực tế để doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu lao động thường dao động từ 120 – 150 ngày làm việc.
Lệ phí cấp giấy phép xuất khẩu lao động
Doanh nghiệp phải nộp lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động là 5 triệu đồng tại thời điểm nhận Giấy phép xuất khẩu lao động.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà các doanh nghiệp cần nắm được trước khi quyết định tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Với đội ngũ luật sư nhiệt huyết, tận tình và giàu kinh nghiệm, Luật Trần và Liên Danh luôn sẵn sàng tư vấn, giải đáp các vướng mắc có liên quan và trở thành người đồng hành của Quý doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện các thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về giấy phép xuất khẩu lao động. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.