Kế toán thuế tncn

kế toán thuế tncn

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người lao động phải trích một phần từ tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước. Khoản thuế này sẽ được doanh nghiệp khấu trừ luôn trước khi chi trả lương cho người lao động. Dưới đây là quy định về kế toán thuế tncn.

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước.

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập của người chịu thuế, tuy nhiên không phải khoản thu nhập nào cũng sẽ chịu loại thuế này. Cụ thể, theo Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và khoản 3 điều 2 luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi bổ sung năm 2012 thì những khoản thu nhập sau được miễn thuế thu nhập cá nhân:

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

-Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.

– Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.

– Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

– Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.

– Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.

– Thu nhập từ tiền lãi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

– Thu nhập từ kiều hối

– Thu nhập từ tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định.

– Thu nhập từ lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả.

– Thu nhập từ học bổng, bao gồm:

+ Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước;

+ Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

– Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định.

– Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận.

– Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

– Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.

Nguyên tắc kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Để kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân, kế toán cần lưu ý một số nguyên tắc dưới đây:

– Doanh nghiệp chi trả thu nhập hoặc ủy quyền chi trả thu nhập phải thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo nguyên tắc khấu trừ thuế tại nguồn. Tức là: Doanh nghiệp chi trả thu nhập có nghĩa vụ khấu trừ khoản thuế trước khi trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế để thay người lao động nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước.

– Doanh nghiệp chi trả thu nhập phải có trách nhiệm tính tiền thù lao được hưởng, tính thuế thu nhập cá nhân và thực hiện khấu trừ thuế, nộp thuế vào Ngân sách nhà nước. Khi khấu trừ thuế TNCN, doanh nghiệp phải cấp “Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập” cho cá nhân có thu nhập cao phải nộp thuế, quản lý sử dụng và quyết toán biên lai thuế theo chế độ quy định.

Tài khoản sử dụng để hạch toán thuế thu nhập cá nhân

Tài khoản 3335 – Thuế thu nhập cá nhân: Phản ánh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, đã nộp và phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể:

Kết cấu

Giảm

Tăng

Bên nợ

Bên có

Số thuế thu nhập cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp vào Ngân sách nhà nước

Số dư bên Nợ:
Thể hiện số thuế thu nhập cá nhân đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp cho Nhà nước

Số dư bên có:
Thể hiện số thuế thu nhập cá nhân còn phải nộp vào Ngân sách nhà nước.

Cách hạch toán thuế thu nhập cá nhân

Trong từng trường hợp cụ thể, cách hạch toán thuế thu nhập cá nhân có sự khác biệt.
Cụ thể như sau:

Khi tính và khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trừ vào lương cho người lao động, hạch toán:

Nợ TK 334 – Phải trả cho người lao động.

Có TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân (Số thuế TNCN phải khấu trừ).

kế toán thuế tncn
kế toán thuế tncn

Nếu doanh nghiệp trả lương chưa bao gồm thuế (lương Net): Doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người lao động thì số thuế thu nhập cá nhân này sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp ( Trên hợp đồng lao động phải giải thích rõ: Doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người lao động)

Nợ 641/642/154/62…

Có TK 3335 – Thuế TNCN (số thuế TNCN phải nộp thay).

Khi trả lợi nhuận hoặc cổ tức cho chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả nộp khác (3388).

Có các TK 111, 112 (số tiền trả cổ tức, hoặc lợi nhuận cho chủ sở hữu).

Có TK 3335 – Thuế TNCN (nếu khấu trừ tại nguồn số thuế thu nhập cá nhân của chủ sở hữu).

Khi nộp tiền thuế thu nhập cá nhân về ngân sách nhà nước:

Nợ TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân.

Có các Tk 111, 112,…: Số tiền đã nộp.

Hạch toán thuế thu nhập cá nhân sau quyết toán:
Dựa trên kết quả của tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (Mẫu 05/QTT-TNCN), kế toán xác định:

– Trường hợp nộp thiếu số thuế TNCN: Phải nộp thêm tức là có số tiền phát sinh tại chỉ tiêu số 45 – Tổng số thuế thu nhập cá nhân còn phải nộp NSNN.
Hạch toán:

+ Bút toán 1: Khấu trừ lấu thêm tiền từ các cá nhân nộp thiếu

Nợ 111/112/334/138…

Có 3335: Tổng số thuế thu nhập cá nhân còn phải nộp NSNN.

+ Bút toán 2: Nộp nốt số tiền còn thiếu về ngân sách nhà nước:

Nợ TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân.

Có các TK 111, 112,…: Số tiền đã nộp.

– Trường hợp nộp thừa số thuế TNCN: Tức là có số tiền phát sinh tại chỉ tiêu số 46

– Tổng số thuế thu nhập cá nhân đã nộp thừa. Đối với số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, kế toán có thể xử lý theo 2 cách: Bù trừ vào kỳ sau hoặc làm thủ tục để hoàn thuế.
+ Hạch toán:

Nợ 3335: Tổng số thuế thu nhập cá nhân đã nộp thừa

Có 138: Nếu để bù trừ sang kỳ sau

Có 338: Nếu làm thủ tục hoàn thuế.

+ Nếu để bù trừ vào kỳ sau:

Xét về số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp tự động bù trừ. Nếu xét trên từng cá nhân đã nộp thừa: Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết cho từng người thông qua tài khoản 138.

+ Nếu làm thủ tục hoàn thuế:

Khi kế toán nhận được tiền hoàn từ cơ quan thuế hạch toán.

Nợ 112: số tiền hoàn

Có 3335

Khai trả lại số tiền hoàn thuế đó cho người nộp thuế:

Nợ 338 (chi tiết cho từng người thừa).

Có 111/112.

Lưu ý về thuế TNCN từ năm 2022

Điều kiện ủy quyền quyết toán: Các bạn xem trong năm họ chỉ làm công ty bạn hoặc nếu có làm vãng lai nhưng nơi khác đã khấu trừ 10% và tổng thu nhập vãng lai bình quân tháng từ 10 triệu đồng trở xuống thì được ủy quyền quyết toán.

Lưu ý: đối với người lao động ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân bắt buộc phải có mã số thuế TNCN. Các bạn mở mẫu ủy quyền ra xem sẽ rõ hơn => xem thêm mẫu ủy quyền quyết toán thuế TNCN.

Đã ủy quyền quyết toán thì lưu ý phải tick vào chổ ủy quyền trong phụ lục mẫu 05-1BK.

Lưu ý đối với người lao động ủy quyền bạn phải in giấy ủy quyền để họ ký. In sau cũng được miễn thuế về kiểm tra có cho họ. Nhưng tốt nhất, cứ chuẩn bị và cho NLĐ ký luôn vào cuối năm, trước khi làm ủy quyền quyết toán, để lâu bạn sẽ quên.

Ủy quyền quyết toán thuế thì giảm trừ bản thân trọn 12 tháng (Mức giảm trừ bản thân là 11 triệu đồng/1 tháng)

Nếu người lao động làm 2 nơi cùng 1 một thời điểm thì giảm trừ cá nhân được 1 nơi : nên chọn nơi có thu nhập cao hơn để giảm trừ. Như vậy, sẽ có lợi hơn cho người lao động trong việc tạm tính thuế TNCN

Người phụ thuộc thì giảm trừ theo số tháng kể từ phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Mức giảm từ 4,4 triệu/tháng

 Kế toán tiền lương phải đăng ký hồ sơ người phụ thuộc đầy đủ và đúng hạn. Lưu ý đặc biệt trong năm có người lao động mới vào làm tại công ty, nếu họ có người phụ thuộc thì phải đăng ký lại như lần đầu

Nếu cá nhân tự đi quyết toán thì yêu cầu các doanh nghiệp đã khấu trừ thuế mình cung cấp chứng từ khấu trừ thuế, để có căn cứ được bù trừ số phải nộp hoặc hoàn

Doanh nghiệp phải cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động khi đã khấu trừ thuế TNCN tại nguồn và NLĐ có yêu cầu

Nếu khi quyết toán thuế theo diện ủy quyền mà số thuế tính ra khi quyết toán nhỏ hơn số đã khấu trừ thì được giảm trừ lần nộp sau hoặc được hoàn nếu có yêu cầu

Mẫu biểu kê khai phụ lục khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân:- Nếu làm từ 3 tháng trờ lên thì kê vào 05-1/PBT-KK-TNCN (giả sử ký hợp đồng dưới 3 tháng nhưng ký nhiều lần dẫn tới làm trên 3 tháng —> kê vào mẫu 01, tham khảo CV 9611/CT-TTHT của TP.HCM.

– Nếu cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký nhưng dưới 3 tháng thì kê vào mẫu 02/CK-TNCN kể cả mức thu nhập thấp hơn 2 triệu

Nếu cá nhân có một khoản thu nhập vãng lai nơi khác mà chưa khấu trừ 10% (dù thu nhập dưới 2 triêu) thì cũng ko thuộc diện được ủy quyền quyết toán

Quyết toán thuế theo số tiền thực nhận chứ không phải theo số hạch toán chi phí (ví dụ lương tháng 12/2020 mà chi trong tháng 1/2021 thì phần đó quyết toán cho năm 2021).

Về vấn đề làm cam kết thu nhập thì nên lưu ý điều kiện làm cam kết là duy nhất thu nhập thuộc diện bị khấu trừ 10% đã nêu chứ không phải thu nhập duy nhất 1 nơi.

Tiền thưởng 2/9, 30/4, tết, tiền ăn ca vượt 730.000 đồng/ 1 tháng phải cộng vào thu nhập tính thuế TNCN.

Không phát sinh khấu trừ thuế TNCN vẫn phải làm tờ khai tạm tính.

Thuế TNCN kê khai tạm tính theo tháng hay theo quý nên căn cứ theo thuế GTGT. Nếu thuế GTGT kê khai theo tháng thì thuế TNCN kê khai theo tháng, nếu thuế GTGT kê khai theo quý thì thuế TNCN kê khai theo tháng hoặc quý

Nếu cho lương thực nhận (lương net) thì kế toán cần phải xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi và tính ngược lên để xác định thu nhập tính thuế. Từ đó xác định số thuế TNCN

Không phải trường hơp nào không thuộc diện ủy quyền quyết toán cũng phải tự đi quyết toán.

Nếu cá nhân không cư trú thì cứ khấu trừ 20% trên tổng thu nhập mà công ty chi cho họ. Các bạn cân nhắc vấn đề này nếu trong công ty có người lao động nước ngoài thì xem họ đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú  hay không nhé.

Nếu cá nhân cư trú thì xác định thuế TNCN từ tiền công phạm vi toàn cầu, cá nhân không cư trú chỉ xác định đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Thời hạn nộp quyết toán thuế TNCN năm 2022

Căn cứ vào điều 44 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, có quy định”

“Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.

– Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.”

Kết luận:

Cá nhân thực hiện việc quyết toán thuế TNCN từ thu nhập trong năm 2021, sẽ phải nộp quyết toán trong khoản thời gian sau;

Nếu cá nhân ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập, thì thời hạn quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày 31/03/2022

Nếu cá nhân trực tiếp thực hiện việc quyết toán thuế TNCN, thì thời hạn quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày 30/04/2022.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về kế toán thuế tncn Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139