Đối tượng chịu thuế

đối tượng chịu thuế

Chắc hẳn trong quá trình hoạt động doanh nghiệp và kê khai thuế cho công ty, các doanh nghiệp đã bắt gặp thuật ngữ Thuế Giá trị gia tăng (Thuế GTGT) hay còn gọi là thuế VAT. Vậy thuế VAT là gì? đối tượng chịu thuế bao gồm đối tượng nào? Quy định của pháp luật về thuế VAT ra sao? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Thuế giá trị gia tăng (Thuế VAT) là gì?

VAT, viết tắt của cụm từ Value Addex Tax, có nghĩa là thuế giá trị gia tăng (GTGT). 

Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định: “Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Thuế GTGT chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ. 

Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế gián thu được cộng vào hàng hóa dịch vụ và sẽ do người dùng trả khi mua hàng hóa dịch vụ đó.

Do đó, khách hàng chính là người phải trả thuế giá trị gia tăng, và đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ trực tiếp đóng thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  Vậy nên, khách hàng gần như không biết mình không những phải trả tiền cho giá trị của hàng hóa mà còn phải đóng thuế giá trị gia tăng phát sinh từ hàng hóa đó.

Đặc điểm của thuế GTGT 

Thuế giá trị gia tăng (VAT) có 4 đặc điểm đặc trưng: 

Thứ nhất, thuế GTGT là thuế gián thu

Thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, thuế GTGT là thuế gián thu. 

Thứ hai, thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp

Thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn luân chuyển từ sản xuất tới lưu thông, tiêu dùng. Ở từng giai đoạn, thuế chỉ tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó, không tính trùng phần GTGT đã tính thuế ở các giai đoạn luân chuyển trước. 

Xét trên một hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, thuế GTGT là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp. 

Thứ ba, thuế giá trị gia tăng được đánh thuế theo nguyên tắc điểm đến

Thuế GTGT được áp dụng theo nguyên tắc điểm đến. Thuế GTGT đánh vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, bất kể hàng hóa dịch vụ đó được tạo ra ở trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài. 

Thứ tư, thuế giá trí gia tăng có phạm vi điều tiết rộng

Thuộc loại thuế tiêu dùng thông thường, đánh vào hầu hết các hàng hóa, dịch vụ nên thuế GTGT có phạm vi điều tiết rộng. 

Những đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng thì đối tượng chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.”

Như vậy, để trở thành đối tượng chịu thuế GTGT thì hàng hóa đó phải bị tác động bởi một trong các hành vi sau: hoặc là sản xuất, hoặc là kinh doanh hoặc là tiêu dùng ở Việt Nam; dịch vụ đó phải bị tác động bởi một trong các hành vi hoặc là kinh doanh hoặc là sử dụng ở Việt Nam.

Lý giải cho vấn đề này cũng đơn giản, bởi vì thuế GTGT không quan tâm đến hành vi tác động vào đối tượng chịu thuế mà chỉ quan tâm đến giá trị tăng thêm của đối tượng chịu thuế. Vì vậy bất cứ khi nào, ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hàng hóa dịch vụ có phát sinh giá trị tăng thêm do hành vi tác động của đối tượng nộp thuế thì hàng hóa, dịch vụ đó là đối tượng chịu thuế GTGT.

Có thể nói, đối tượng chịu thuế GTGT quy định đối tượng chịu thuế gồm toàn bộ hàng hóa, dịch vụ được mua bán, tiêu dùng trên thị trường: hàng hóa, dịch vụ được sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, do tính chất của sản xuất và tiêu dùng ở nước ta hiện nay, mặt khác để nâng đỡ và khuyến khích phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực nên Điều 5 Luật thuế GTGT có quy định một số loại hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT. 

Các đối tượng không chịu thuế GTGT hiện nay

Căn cứ vào các văn bản pháp luật quy định về các đối tượng không chịu thuế GTGT đã được ban hành, bao gồm: Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC, Thông tư 130/2016/TT-BTC, dưới đây là danh sách tổng hợp các nhóm đối tượng không phải chịu GTGT:

Sản phẩm trồng trọt (kể cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Theo Khoản

1, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC, sửa đổi Khoản 1, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.

3. Dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

4. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là NaCl.

5. Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.

6. Chuyển quyền sử dụng đất.

7. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm.

8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung cho Khoản 8 vào Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế). Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Thông tư 130/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung cho Khoản 9, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

10. Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; Dịch vụ bưu chính, viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam (chỉ tính chiều đến).

11. Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ. Các dịch vụ nêu tại khoản này không phân biệt nguồn kinh phí chi trả.

12. Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.

14. Phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

đối tượng chịu thuế
đối tượng chịu thuế

15. Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học-kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.

16. Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông. Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 1, Thông tư 130/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung cho Khoản 16, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

17. Hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu.

18. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

19. Hàng nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ bán cho các tổ chức, cá nhân để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

22. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.

23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản. Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 1, Thông tư 130/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung cho Khoản 23, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

24. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật.

25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống.

26. Các hàng hóa quy định tại Khoản 26, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

27. Phân bón là các loại phân hữu cơ và phân vô cơ; thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác; tàu đánh bắt xa bờ; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Theo Khoản 2, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC, bổ sung Khoản 3a vào Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về đối tượng chịu thuế Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139