Điều 164 Bộ luật hình sự quy định Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người khác

Điều 164 Bộ luật hình sự quy định Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác

Căn cứ pháp lý

Điều 164 Bộ luật hình sự quy định Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Dẫn đến biểu tình;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Dấu hiệu pháp lý Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người khác

Khách thể của tội phạm

Trong các quyền tự do, dân chủ thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 24 như sau:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”

Và được quy định cụ thể trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2016.

Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.

Như vậy khách thể của tội phạm là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người và các quy phạm pháp luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người.

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Trong đó,

Dùng vũ lực

Hành vi dùng vũ lực trong tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác cũng tương tự với hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác mà người phạm tội có dùng vũ lực, nhưng ở tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, hành vi dùng vũ lực là nhằm ngăn cản, ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Hành vi này, thông thường là làm thế nào để buộc nạn nhân phải thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo theo ý muốn của người phạm tội như: đánh, đấm, trói,…Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội thực hiện được việc ngăn cản hoặc ép buộc nạn nhân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Đe doạ dùng vũ lực

Đe doạ dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe dọa sợ hãi như: doạ giết, dọa đánh, dọa bắn… làm cho người bị hại sợ dẫn đến không thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào theo ý muốn của nạn nhân.

Người phạm tội có thể đe dọa dùng vũ lực trực tiếp với nạn nhân như dọa giết nạn nhân,… nhưng cũng có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực với người thân thích, người mà nạn nhân quan tâm như đe dọa sẽ giết con gái của nạn nhân nếu nạn nhân ko làm theo ý muốn của người phạm tội,…

Thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì con người có quyền hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia các lễ hội tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; sinh hoạt tôn giáo tại các tổ chức hoặc cơ sở tôn giáo.

Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.

Lễ hội tín ngưỡng là hoạt động tín ngưỡng tập thể được tổ chức theo lễ nghi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng.

Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.

Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức tôn giáo và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.

Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác cũng phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự.

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, có thể là cá nhân phạm tội nhưng cũng có thể là vụ án đồng phạm. Trong trường hợp là vụ án đồng phạm, các chủ thể có thể cùng là người thực hành, cùng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng cũng có thể có sự phân chia nhiệm vụ đối với từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên là chủ thể của tội phạm này. Điều luật cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên cả 02 Khoản của Điều 163 quy định tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác đều thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Chủ thể của tội phạm còn phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Nếu người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

Điều 164 Bộ luật hình sự quy định Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác
Điều 164 Bộ luật hình sự quy định Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác

Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý gián tiếp hoặc cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xẩy ra.

Người phạm tội có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác bị xâm phạm.

Hình phạt Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác

Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định 03 khung hình phạt như sau:

– Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm.

– Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có tổ chức;

Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau,vạch kế hoạch để thực hiện hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm từ 02 lần trở lên, chưa được xóa án tích

d) Dẫn đến biểu tình;

Đây là trường hợp người phạm tội xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một hoặc một vài cá nhân nhưng gây bức xúc trong cộng đồng người trong tổ chức tôn giáo hoặc người theo tín ngưỡng đó gây nên tình trạng biểu tình.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trường hợp này vì hành vi xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác khiến cho dư luận lên án, người dân cảm thấy bất công, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ổn định an toàn xã hội.

– Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo Điều 164 Bộ luật hình sự 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

 

 

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139