KHÁI NIỆM
Tội cố ý truyền HIV cho người khác, được hiểu là hành vi của người tuy không bị lây nhiễm HIV nhưng đã đưa HIV vào cơ thể người khác một cách cố ý.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Theo quy định tại Điều 149 BLHS năm 2015 về tội cố ý truyền HIV cho người khác như sau:
“1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI CỐ Ý LÂY TRUYỀN HIV CHO NGƯỜI KHÁC
Mặt khách quan
– Về hành vi. Có hành vi sử dụng những vật dụng trung gian để truyền HIV vào cơ thể người khác như: sử dụng ống tiêm của người bị nhiễm HIV để tiêm cho người khác, truyền máu của người bị nhiễm HIV cho người khác…
Lưu ý:
Hành vi nêu trên phải không thuộc trường hợp chính bản thân người bị nhiễm HIV và biết rõ mình bị nhiễm mà vẫn truyền HIV từ chính cơ thể mình sang người khác.
Theo chúng tôi trường hợp người bị nhiễm HIV mặc dù biết rõ mình bị nhiễm HIV nhưng không truyền HIV từ chính cơ thể mình mà sử dụng nguồn HIV khác (không phải từ chính cơ thể mình) để truyền cho người khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Tội phạm này hoàn thành khi người phạm tội có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác. Nói theo cách khác, bị hại đã bị truyền HIV thì hành vi truyền HIV cho họ đã cấu thành tội phạm, không cần biết người bị hại có bị nhiễm HIV hay không. Trường hợp người bị hại không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội được xác định là hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả. Do vậy, kết quả giám định pháp y để xác định bị hại có bị nhiễm HIV hay không, chỉ có ý nghĩa khi lượng hình chứ không phải là yếu tố định tội như tội lây truyền HIV cho người khác.
– Về hậu quả: Hậu quả của hành vi trên là làm nhiễm HIV cho người khác. Tuy nhiên theo chúng tôi đối với tội náy nếu người phạm tội cố ý truyền HIV cho người khác nhưng hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ vì các lý do như họ lầm tưởng vật trung gian là có HIV nhưng thực tế lại không có nhiễm HIV (chẳng hạn tưởng bịch máu có HIV và đã truyền cho người khác…) thì người có hành vi nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến sức khoẻ của người khác.
Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Chủ thể
Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
VỀ HÌNH PHẠT CỦA TỘI CỐ Ý LÂY TRUYỀN HIV CHO NGƯỜI KHÁC
Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
– Khung một (khoản 1)
Có mức phạt tù từ ba năm đến mười năm. Được áp dụng đối với trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
Có mức phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Có tổ chức được hiểu là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người (đồng phạm) cùng thực hiện tội phạm này.
+ Đối với nhiều người (từ hai người bị hại trở lên)
+ Đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi)
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (xem giải thích tương tự ở tội giết người).
+ Lợi dụng nghề nghiệp (xem giải thích tương tự ở tội giết người).
– Hình phạt bổ sung (khoản 3)
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
LƯU Ý
So sánh dấu hiệu pháp lý của tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 2015 ?
* Giống nhau:
+ Khách thể:
Đều xâm phạm vào quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.
Đối tượng tác động là con người đang sống không bị nhiễm HIV.
+ Mặt khách quan:
Hành vi khách quan: Được thể hiện bằng các cách thức phương thức hoặc thủ đoạn khác nhau làm người khác bị nhiễm HIV. *
Hậu quả: Nạn nhân sau khi được xét nghiêm có kết luận bị nhiễm vi rút HIV là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu có hành vi cố ý lây truyền nhưng hậu quả chưa xảy ra thì không cấu thành tội phạm.
+ Mặt chủ quan:
Đều là lỗi cố ý.
Động cơ không là yếu tốbắt buộc.
Mục đích đều nhằm làm cho người khác bị nhiễm HIV.
+ Chủ thể:
Đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
– Khác nhau:
+ Mặt khách quan:
Điều 148 Bộ luật hình sự năm 2015: Hành vi lây truyền HIV cho người khác có thể thực hiện thông qua việc tiếp xúc cơ thể trực tiếp giữa người phạm tội và nạn nhân hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện trung gian nhưng vật chất truyền vào nạn nhân phải lấy từ cơ thể của người phạm tội.
Điều 149 Bộ luật hình sự năm 2015: Hành vi truyền HIV cho người khác thông qua các phương tiện trung gian và vật chất truyền vào nạn nhân không phải lấy từ cơ thể của người phạm tội.
+ Chủ thể:
Điều 148 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định và phải là người đang bị nhiễm HIV.
Điều 149 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội phạm được thực hiện do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định.
Trên đây là nội dung tại Điều 149 BLHS năm 2015 về Tội cố ý truyền HIV cho người khác. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.