CƠ SỞ PHÁP LÝ
Lần đầu tiên, Điều 147 BLHS quy định Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm:
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Có mục đích thương mại;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc
nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
DẤU HIỆU PHÁP LÝ
Tội phạm này có các dấu hiệu pháp lý như sau:
Khách thể của tội phạm tại Điều 147 BLHS
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm phạm. Do đó, đối với việc dùng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì khách thể bị xâm hại là danh dự, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi là người chưa phát triển toàn diện về nhận thức, tâm sinh lý. Do đó, dễ bị lôi kéo cũng như sự tổn thương về tinh thần là rất trầm trọng nên cần được bảo vệ.
Việc sử dụng người dưới 16 tuổi vào các hành vi có tính chất khiêu dâm, đồi trụy tuy không trực tiếp xâm phạm tự do tình dục nhưng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và thậm chí cả sức khỏe của nạn nhân, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi và cổ xúy cho những hành vi khiêu dâm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và văn hóa dân tộc.
Đối tượng bị hành vi sử dụng người vào mục đích khiêu dâm mà điều luật quy định phải là người dưới 16 tuổi.
Chủ thể của tội phạm tại Điều 147 BLHS
Chủ thể thực hiện tội phạm đối với tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm được quy định rất rõ tại khoản 1 Điều 147 BLHS: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên”.
Ở đây điều luật đã thiết kế một cách rất rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội này phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và không phụ thuộc vào giới tính là nam hay nữ, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên, theo quy định của Pháp luật dân sự là người đã có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự và đặc biệt đối tượng bị hành vi sử dụng người vào mục đích khiêu dâm mà điều luật quy định phải là người dưới 16 tuổi.
Điều này cho thấy luôn có sự chênh lệch về độ tuổi giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân của hành vi phạm tội mà thực tế ghi nhận đó là ngưỡng của người chưa thành niên và người đã thành niên.
Mặt khách quan của tội phạm tại Điều 147 BLHS
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 01/10/2019 thì:
– Trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.
– Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
– Các hình thức biểu hiện trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự:
a) Trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt người dưới 16 tuổi hoặc dụ dỗ người dưới 16 tuổi trực tiếp trình diễn khiêu dâm;
b) Chiếu trực tiếp cảnh trình diễn khiêu dâm có sự tham gia của người dưới 16 tuổi;
c) Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán;
d) Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi khỏa thân và truyền tải trực tiếp âm thanh, hình ảnh qua internet (livestream);
đ) Trình chiếu các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng người dưới 16 tuổi hoặc hình ảnh mô phỏng người dưới 16 tuổi (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số);
e) Mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người, trừ trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế;
g) Các hình thức biểu hiện khác của trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm.
Hành vi khách quan của tội phạm này được biểu hiện dưới dạng 2 hành vi sau:
Một là, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm:
+ Hành vi lôi kéo: Người phạm tội sử dụng hành động, cử chỉ và lời nói khiến cho người bị hại tự nguyện làm theo. Ví dụ: A là đối tượng lười lao động, ham chơi. B biết và đến rủ A tham gia vào hoạt động khiêu dâm với những lời nói như công việc nhàn nhã mà lương lại cao.
Trong trường hợp này thì A là người bị hại tuy biết được tính chất công việc mình sắp làm là như nào nhưng vẫn chấp nhận và tham gia. Dù cho, người bị hại có thuận tình thực hiện hành vi khiêu dâm nhưng người lôi kéo vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi người dưới 16 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ thể lực cũng như suy nghĩ.
+ Hành vi dụ dỗ: Người phạm tội dùng những lời hứa hẹn để người bị hại thấy được những lợi ích mà mình nhận được để thực hiện các hành vi khiêu dâm nêu trên. VD: hứa sẽ mua cho người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi khiêu dâm những đồ hàng hiệu như điện thoại, túi xách…
+ Hành vi ép buộc: Ép buộc là việc một người dùng hành động, lời nói để một người không muốn thực hiện hành vi khiêu dâm phải thực hiện. Ví dụ: A vay tiền của B nhưng không thể trả được, B bảo A làm các động tác khiêu dâm thì xóa hết khoản nợ đó, A mặc dù không muốn nhưng miễn cưỡng chấp nhận để xóa nợ, trong trường hợp này là trái với ý muốn của A.
Hai là, chứng kiến trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Chứng kiến được hiểu là nhìn thấy tận mắt sự kiện xảy ra. Người chứng kiến trình diễn khiêu dâm là người xem, người nhìn thấy việc trình diễn khiêu dâm; họ không thực hiện hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi để trình diễn khiêu dâm mà họ xem, nhìn thấy là do có người khác sử dụng người dưới 16 tuổi để trình diễn khiêu dâm.
Theo quy định của điều luật thì những người trực tiếp nhìn thấy việc trình diễn khiêu dâm của người dưới 16 tuổi với mọi hình thức điều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào quy định nêu trên, có thể thấy đối với những người có hành vi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát có thể bị phạt tù lên đến 12 năm.
Đây là một hành vi mới được BLHS 2015 hình sự hóa.
Trên thực tế thì sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là hành vi đưa, sắp xếp, tổ chức và dùng người dưới 16 tuổi để thực hiện các hành động khiêu dâm. Khiêu dâm hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể bởi chưa có Nghị quyết hướng dẫn của hội đồng thẩm phán TANDTC nhưng dựa trên góc độ xã hội, đây có thể hiểu là việc dùng các động tác, cử chỉ, hành động cơ thể, lời nói khiêu gợi, kích dục trên cơ thể người. Sử dụng người dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi khiêu dâm tức là thực hiện các hành vi như vậy.
Việc sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi. Việc luật hóa quy định này là phù hợp, cần thiết, bảo vệ trẻ em dưới 16 tuổi đồng thời có hình phạt để xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật như trên.
Mục đích của người phạm tội có thể là 1 trong 2 mục đích là để cho người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc chứng kiến trình diễn khiêu dâm nhằm để kích dục, khiêu gợi ham muốn tình dục đối với người quan sát hành vi chứ không nhằm mục đích giao cấu hoặc thỏa mãn tình dục trực tiếp.
Hậu quả: Điều luật này không quy định về hậu quả. Hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm không bắt buộc phải gây ra hậu quả tác động vào sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người dưới 16 tuổi hoặc người quan sát hành động khiêu dâm đó.
Hậu quả ở đây là hậu quả tác động vào sự phát triển bình thường của nạn nhân thông qua việc thực hiện các hành động nhằm mục đích khiêu dâm do sự yêu cầu, sử dụng của người thực hiện tội phạm.
Tức là tội danh này cấu thành hình thức, chỉ cần người trên 18 tuổi, đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, hậu quả rất khó để xác định và không cần xác định đối với tội danh cấu thành hình thức.
Mặt chủ quan của tội phạm tại Điều 147 BLHS
Mặt chủ quan thể hiện lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì lỗi ở đây phải là lỗi cố ý. Tức là người phạm tội nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn mong muốn người bị hại (người dưới 16 tuổi) thực hiện các hành vi khiêu dâm, dưới mọi hình thức.
Đối với hành vi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm, trong thực tế có thể xảy ra nhiều trường hợp, có người cố ý mong muốn được chứng kiến kiến việc trình diễn khiêu dâm (mong muốn được thấy người trình diễn khiêu dâm thông qua việc yêu cầu người “có trách nhiệm” cho họ xem các màn trình diễn khiêu dâm để thỏa mãn về sắc dục) hoặc vì lý do nào đó có người trình diễn khiêu dâm tại nơi họ đang có mặt và tiếp tục xem màn trình diễn khiêu dâm đó vì tò mò…
VỀ HÌNH PHẠT TẠI ĐIỀU 147 BLHS
Cấu thành cơ bản của tội phạm này là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 1 điều 147.
Ngoài ra nếu xác định người phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng là Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Có mục đích thương mại; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm (khoản 2)
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm (khoản 3)
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. (khoản 4)
VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT ĐỊNH KHUNG TẠI ĐIỀU 147 BLHS
Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 147 BLHS năm 2015 sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù là một tội danh mới lần đầu được ghi nhận trong BLHS song các nhà làm luật cũng đã tham khảo và quy định khá chặt chẽ các nội dung về tội danh này. Luật Minh Khuê đã có bài viết về việc tiếp tục học hỏi kinh nghiệm một số nước trong việc quy định về tội danh sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm để hoàn thiện quy định của nước ta, nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn.
Trên đây là nội dung tại Điều 147 BLHS nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.