Sự phát triển của xã hội và sự phát triển của kinh tế luôn đi kèm với sự chặt chẽ của các quy định pháp luật. Nếu như trước đây, người lao động nhất là lao động phổ thông thường chỉ làm việc, nhận lương theo mức của người sử dụng lao động, không có bất kỳ thỏa thuận miệng hay giao kết, hợp đồng nào thì hiện nay, hợp đồng lao động là một phần không thể thiếu trước khi bắt đầu công việc.
Pháp luật đã có quy định rất chi tiết, cụ thể về hình thức, nội dung, chủ thể…giao kết hợp đồng lao động. Vậy hợp đồng làm việc là gì?
Hợp đồng làm việc là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật viên chức năm 2010, Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Như vậy, đối tượng ký kết hợp đồng làm việc bao gồm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người được tuyển dụng làm viên chức.
Các loại hợp đồng làm việc
Theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, hợp đồng làm việc gồm 02 loại như sau:
– Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
– Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;
+ Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện;
+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nội dung hợp đồng làm việc
Theo khoản 1 Điều 26 Luật viên chức, hợp đồng làm việc có những nội dung chủ yếu sau:
– Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
– Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.
Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng;
– Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
– Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
– Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
– Chế độ tập sự (nếu có);
– Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;
– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
– Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
– Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc
Hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn nhất. Dưới đây là chi tiết cách phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc.
STT |
Tiêu chí |
Hợp đồng lao động |
Hợp đồng làm việc |
1 |
Căn cứ pháp lý |
Bộ luật Lao động |
Luật Viên chức |
2 |
Định nghĩa |
Là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động |
Là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên |
3 |
Đối tượng ký kết |
Người lao động và người sử dụng lao động |
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người được tuyển dụng làm viên chức |
4 |
Hình thức |
– Bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản – Bằng lời nói với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng |
Bằng văn bản và được lập thành 03 bản, trong đó 01 bản giao cho viên chức |
5 |
Loại hợp đồng |
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn – Hợp đồng lao động xác định thời hạn – Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng |
– Hợp đồng làm việc xác định thời hạn – Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn |
6 |
Nội dung hợp đồng |
Việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động |
Vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên |
7 |
Nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng |
– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; – Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; – Công việc và địa điểm làm việc; – Thời hạn của hợp đồng lao động; – Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; – Chế độ nâng bậc, nâng lương; – Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; – Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; – Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; – Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
|
– Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; – Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng. – Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc; – Quyền và nghĩa vụ của các bên; – Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc; – Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có); – Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; – Chế độ tập sự (nếu có); – Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động; – Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; – Hiệu lực của hợp đồng làm việc; – Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định |
8 |
Mẫu hợp đồng |
Có tính chất tham khảo, không bắt buộc |
Được ban hành kèm theo Thông tư 03/2019/TT-BNV |
5 điểm mới về hợp đồng làm việc của viên chức
Bỏ “biên chế” với người trúng tuyển mới từ 01/7/2020
Điểm nổi bật nhất của Luật sửa đổi lần này chính là chính thức bỏ “chế độ biên chế suốt đời” với các đối tượng được tuyển dụng mới từ ngày 01/7/2020.
Cụ thể, hiện nay, theo Luật Viên chức hiện đang còn hiệu lực, khi trúng tuyển viên chức, người trúng tuyển sẽ được ký kết hai loại hợp đồng làm việc:
– Hợp đồng làm việc có thời hạn: Hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 – 36 tháng trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập…
– Hợp đồng làm việc không có thời hạn: Hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và cán bộ, công chức chuyển thành viên chức…
Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung 2019 chính thức có hiệu lực, các đối tượng được áp dụng 02 loại hợp đồng này có sự thay đổi đáng kể.
Với những người được tuyển dụng mới từ 01/7/2020, sau khi hợp đồng xác định thời hạn hết hạn, nếu đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhu cầu sử dụng viên chức sẽ phải ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn mà không được chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn như hiện nay.
Như vậy, người được tuyển dụng mới từ ngày 01/7/2020 sẽ không còn được hưởng chế độ “biên chế suốt đời” nữa.
Trúng tuyển trước ngày 01/7/2020 vẫn được biên chế
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật hiện hành, hợp đồng không xác định thời hạn chỉ áp dụng với 02 đối tượng là:
– Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
– Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.
Nhưng khi Luật này được sửa đổi, bổ sung, từ 01/7/2020, sẽ chỉ còn 03 trường hợp được hưởng “biên chế suốt đời” là:
– Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;
– Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
– Người được tuyển dụng viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020, Luật sửa đổi có quy định:
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020
Đồng thời, tại khoản 10 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về hướng giải quyết với những viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng chưa ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Theo đó, những đối tượng này sẽ được tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Sau khi hết thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký hợp đồng không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định.
Như vậy, những đối tượng được tuyển dụng trước 01/7/2020 nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thì vẫn được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay thường gọi là “biên chế suốt đời”.
Kéo dài thời hạn hợp đồng viên chức lên 60 tháng
Không chỉ tác động đến các đối tượng được áp dụng các loại hợp đồng mà Luật sửa đổi còn nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn từ tối đa 36 tháng lên đến 60 tháng.
Nếu trước đây, thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc là từ 12 tháng đến 36 tháng thì nay, từ ngày 01/7/2020, hợp đồng này sẽ có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Việc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc tạo nhiều thuận lợi cho viên chức trong việc làm quen với công việc của vị trí được tuyển dụng.
Cách xử lý hợp đồng làm việc xác định thời hạn hết hạn
Một trong những điểm mới nổi bật về các loại hợp đồng làm việc của viên chức được nêu tại Luật sửa đổi là cách xử lý hợp đồng làm việc xác định thời hạn hết hạn.
Theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 28 Luật Viên chức, trước khi hết hạn hợp đồng 60 ngày, người đứng đầu đơn vị đơn vị sự nghiệp căn cứ vào nhu cầu, đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ của viên chức mà quyết định ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với đối tượng này.
Tuy nhiên, quy định này chưa nêu cụ thể cách xử lý với từng trường hợp. Do đó, để khắc phục, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định:
– Nếu đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ điều kiện thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hợp đồng làm việc;
– Nếu không ký tiếp thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Thêm trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
Điều 29 Luật hiện hành quy định có 05 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức:
– Có 02 năm liên tiếp bị đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
– Bị buộc thôi việc;
– Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn); Bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn);
– Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng buộc đơn vị sự nghiệp công lập phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm của viên chức không còn;
– Đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thì nay, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm 01 trường hợp nữa là khi viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Khi được tuyển dụng, viên chức sẽ có thời gian tập sự để làm quen với vị trí việc làm được tuyển dụng trong thời gian từ 03 tháng – 12 tháng. Và nếu sau thời gian này, viên chức không đạt yêu cầu thì đơn vị sự nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về hợp đồng làm việc và các vấn đề pháp lý liên quan. Nếu bạn đọc còn thắc mắc xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và tốt nhất.