Quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn

quy dinh cua phap luat ve phan chia tai san khi ly hon

Khi đăng ký kết hôn, giữa vợ và chồng không chỉ phát sinh quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật mà còn phát sinh các quan hệ khác như: tài sản, con chung…Vậy quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn như thế nào?

Thời điểm được yêu cầu chia tài sản chung

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ), tài sản chung vợ chồng được quy định như sau:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy tài sản chung vợ chồng gồm:

– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ khi phát sinh từ tài sản riêng sau khi đã chia;

– Quyền sử dụng đất sau khi kết hôn trừ trường hợp được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong đó, tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Ngoài ra, theo quy định của Luật HN&GĐ, về chế độ tài sản chung vợ chồng, pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các cặp vợ chồng. Do đó, việc phân chia tài sản vợ chồng có thể được thực hiện trong thời kỳ hôn nhân, ngay tại thời điểm ly hôn hoặc sau khi ly hôn tùy thỏa thuận.

Ly hôn, tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi?

Khi ly hôn, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề trong đó có cả việc phân chia tài sản (Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Bởi vậy, tài sản chung khi ly hôn có thể được chia theo thỏa thuận.

Nếu không thỏa thuận được và một trong hai bên hoặc cả hai người có yêu cầu thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ bằng cách chia đôi nhưng tính đến các yếu tố:

– Hoàn cảnh của gia đình và vợ, chồng như tình trạng sức khỏe, khả năng lao động… Căn cứ vào tình hình thực tế, bên nào khó khăn hơn sau khi ly hôn sẽ được chia nhiều hơn…

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung này. Bên có công sức nhiều hơn thì được chia nhiều hơn. Tuy nhiên, vợ, chồng ở nhà nội trợ vẫn được tính là lao động có thu nhập tương đương với người đi làm;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Dù vậy, việc bảo vệ này không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của người còn lại;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: Lỗi của một bên dẫn đến việc ly hôn của vợ chồng: Một trong hai người có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy…

Đặc biệt, khi phân chia tài sản chung vợ chồng, Tòa án phải xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, tài sản để tự nuôi mình.

Ngoài việc chia đôi, Tòa án còn căn cứ vào các yếu tố nêu trên. Do đó, nếu trường hợp của bạn muốn được tư vấn kỹ càng, chuyên sâu hơn, bạn có thể gọi điện đến tổng đài tư vấn của chúng tôi.

Có được đòi chia tài sản khi đã ly hôn nhiều năm?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 năm 2016, vợ, chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có phân chia tài sản chung vợ, chồng.

Nếu không thỏa thuận được và có yêu cầu gửi Tòa án thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hay theo luật định.

Do đó, việc phân chia tài sản chung vợ chồng là quyền của hai người. Hai người có thể thực hiện theo thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, nếu có yêu cầu, dù là khi đã ly hôn nhiều năm thì vẫn có quyền yêu cầu Tòa án ly hôn.

Sống chung với gia đình chồng, chia tài sản vợ, chồng thế nào?

Hiện nay, không hiếm trường hợp vợ, chồng sống cùng gia đình nhà chồng hoặc gia đình nhà vợ. Khi đó, nếu muốn ly hôn và phân chia tài sản chung vợ chồng thì tài sản sẽ phải thực hiện thế nào?

Biết được thực tế đó, Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã hướng dẫn cách chia tài sản trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình. Cụ thể:

– Không xác định được tài sản vợ chồng và tài sản chung của gia đình: Căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình để chia một phần tài sản cho vợ, chồng.

Việc chia tài sản này sẽ do vợ, chồng thỏa thuận với gia đình. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Xác định tài sản vợ chồng trong tài sản chung gia đình: Căn cứ vào phần tài sản đã xác định của vợ, chồng trong tài sản chung để chia đôi có căn cứ vào các yếu tố: Công sức đóng góp, lỗi của các bên…

Con có được chia từ tài sản chung của cha, mẹ không?

Việc phân chia tài sản khi ly hôn chỉ thực hiện với phần tài sản của hai vợ, chồng và theo thỏa thuận của hai vợ chồng (nếu có). Do đó, khi ly hôn, vợ, chồng chia tài sản chung không liên quan đến tài sản của con cũng như người con sẽ không tham gia vào quá trình chia tài sản của cha, mẹ.

Tuy nhiên, sau khi vợ, chồng thực hiện xong thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn, một trong hai hoặc cả hai có thể tặng cho con phần tài sản mà mình được hưởng hoặc để lại di chúc cho con sau khi cha, mẹ chết.

Những tài sản không bị chia đôi

Mặc dù có tài sản riêng và tài sản chung nhưng trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể nhập tài sản riêng vào tài sản chung, cũng có thể phân chia tài sản chung vợ chồng. Trong đó sau khi ly hôn, những tài sản không bị chia đôi gồm:

1/ Những tài sản theo thỏa thuận 

Bởi việc phân chia tài sản sau khi ly hôn căn cứ trên nguyên tắc tự nguyện và thỏa thuận của hai bên được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Khi đó, Tòa án căn cứ vào thỏa thuận của các bên để phân định tài sản cho mỗi bên.’

Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được tài sản nào không phải chia đôi thì Tòa sẽ công nhận việc không chia đôi tài sản trong bản án. Ngược lại, với những tài sản chung khác, Tòa sẽ chia đôi sau khi tính đến các yếu tố:

– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

– Công sức đóng góp của vợ, chồng.

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên để có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

2/ Tài sản riêng của vợ chồng

Ngoài những tài sản không bị chia đôi do thỏa thuận thì tài sản riêng của vợ chồng sẽ không bị chia đôi. Theo Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, các tài sản sau đây được coi là tài sản riêng và không bị chia đôi khi ly hôn:

– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ

– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Ngoài ra, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định các loại tài sản sau đây được coi là tài sản riêng của vợ, chồng:

– Tài sản có trước khi kết hôn;

– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản theo thỏa thuận là tài sản riêng.

quy dinh cua phap luat ve phan chia tai san khi ly hon
quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn

Quy trình giải quyết ly hôn cần những gì

Hồ sơ yêu cầu

  • Đơn xin ly hôn đơn phương (mẫu đơn số 23-DS theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017) hoặc Đơn xin ly hôn thuận tình (mẫu đơn số 01-VDS theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 09/08/2018).
  • Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện;
  • Giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực) của hai bên;
  • Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con);
  • Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản);
  • Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài).

Thủ tục giải quyết

Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án

  • Trường hợp thuận tình ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau chọn nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ chồng cư trú.
  • Trường hợp đơn phương ly hôn, nguyên đơn nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (người không đồng ý ly hôn) cư trú.
  • Trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, đương sự nộp hồ sơ xin ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

CSPL: điểm c khoản 1 Điều 37, điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Bước 2: Tòa án thụ lý vụ việc ly hôn

  • Căn cứ khoản 2 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ, Chánh án Tòa án có trách nhiệm phân công một Thẩm phán xem xét hồ sơ khởi kiện.
  • Trong 05 ngày làm việc, kể từ khi được phân công, Thẩm phán có trách nhiệm xem xét, đánh giá hồ sơ khởi kiện và ra một trong các quyết định theo quy định khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Bước 3: Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải

  • Đối với ly hôn đơn phương: sau khi Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án ly hôn, trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ tiến hành công việc kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, thực hiện thủ tục hòa giải giữa các đương sự, trừ những vụ án không được hòa giải, vụ án không hòa giải được hay vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. (khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
  • Đối với ly hôn thuận tình: Thẩm phán tiến hành hòa giải cho vợ chồng đoàn tụ, nếu hòa giải thành thì Thẩm phán đình chỉ giải quyết yêu cầu, nếu hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán công nhận yêu cầu thuận tình ly hôn và các thỏa thuận của đương sự. (khoản 2, 3, 4 Điều 397 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Bước 4: Tòa án mở phiên tòa giải quyết vụ việc ly hôn

Đối với ly hôn đơn phương:

  • Sau khi hòa giải, nếu các bên không có thay đổi ý kiến trong 07 ngày sau đó, Thẩm phán sẽ ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. (khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
  • Trường hợp, hòa giải không thành và trong thời hạn 07 ngày các bên có sự thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ tiếp tục xử lý theo thủ tục chung và đưa vụ việc ra giải quyết.

Đối với ly hôn thuận tình:

Khi hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản và nghĩa vụ con chung thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.

Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung. (khoản 5 Điều 397 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Như vậy, theo quy định về phân chia tài sản khi ly hôn không phải trong mọi trường hợp chia tài sản khi ly hôn đều phải chia đôi. Có thể căn cứ vào thỏa thuận của hai vợ chồng và nhiều yếu tố như trên để phân chia.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139