Những điều cần lưu ý khi đăng ký Hộ kinh doanh cá thể

Thành lập hộ kinh doanh cá thể

ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH CÁ THỂ – NHỮNG NỘI DUNG CẦN BIẾT

Chúng tôi xin chia sẻ một số câu hỏi thường gặp đối với các cá nhân đang có ý định đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Hy vọng, sau khi đăng ký xong những điều cần lưu ý khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể, bạn sẽ không còn thắc mắc gì trước khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể.

Ai có thể đăng ký Hộ kinh doanh?

Trả lời: Việc đăng ký hộ kinh doanh có thể do một hoặc một nhóm cá nhân công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hoặc một hộ gia đình.

Cá nhân, hộ kinh doanh có được đăng ký nhiều hộ kinh doanh hay không?

Trả lời: Không. Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký 01 hộ kinh doanh trên phạm vi toàn quốc và chỉ được hoạt động kinh doanh tại 01 điểm;

Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.

Hộ kinh doanh được sử dụng tối đa bao nhiêu lao động?

Trả lời: Sử dụng tối đa 09 lao động. Hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.

Trách nhiệm tài sản của hộ kinh doanh cá thể như thế nào?

Trả lời: Cá nhân, Hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Có hạn chế gì với cá nhân đăng ký hộ kinh doanh hay không?

Trả lời: Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại;

Cá nhân tham gia thành lập hộ có được tham gia góp vốn, mua cổ phần trong công ty không?

Trả lời: Có. Cá nhân đủ điều kiện tham gia thành lập hộ kinh doanh được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

Quy định về đặt tên hộ kinh doanh như thế nào?

Trả lời: Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây: Loại hình “Hộ kinh doanh” + Tên riêng của hộ kinh doanh;

Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh;

Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện;

Có phải đăng ký ngành nghề cho hộ kinh doanh không?

Trả lời: Có. Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hộ kinh doanh có được đăng ký và sử dụng con dấu không?

Không. Hộ kinh doanh không được đăng ký và sử dụng con dấu.

Trường hợp nào không phải đăng ký hộ kinh doanh?

Trả lời:  Đối với Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký (trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện);

Lệ phí môn bài của hộ kinh doanh phải nộp là bao nhiêu?

Trả lời: Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.

Trường hợp nào được miễn lệ phí môn bài?

Trả lời: Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài gồm:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.

– Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Khi có điều chưa rõ, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139