Trong cuộc sống không thể thiếu được yếu tố lao động để tạo ra của cải vật chất, duy trì cuộc sống bình thường, ổn định. Vậy lao động là gì? nguồn lao động là gì? có những đặc điểm này, ý nghĩa chi tiết ra sao? Trong nội dung hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này.
Khái niệm về nguồn lao động và lực lượng lao động
Lao động là hoạt động có mục đích của con người, trong quá trình lao động, con người vận dụng sức lực của bản thân, sử dụng công cụ lao động để tác động vào các yếu tố tự nhiên, biến đổi chúng và làm cho chúng trở nên có ích cho đời sống của con người.
Trong phát triển kinh tế, quá trình lao động đồng thời là quá trình sử dụng sức lao động để đưa các tư liệu lao động vào sản xuất để tạo ra sản phẩm, của cải vật chất cho xã hội. Nguồn lao động và lực lượng lao động lànhững khái niệm có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở cho việc xác định và tính toán cân đổi lao động – việc làm trong xã hội.
Nguồn lao động là bộ phận dân số trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.
Việc quy định cụ thể về độ tuổi lao động là khác nhau giữa các quốc gia, thậm chí khác nhau qua các thời kỳ trong cùng một quốc gia, tùy thuộc trình độ phát triển của nền kinh tế. Đa số các nước quy định cận dưới (tuổi tối thiểu) của độ tuổi lao động là 15 tuổi, còn cận trên (tuổi tối đa) có sự khác nhau (60 tuổi, hoặc 65 tuổi…). Ở nước ta, theo quy định của Luật Lao động (1994), độ tuổi lao động đối với nam từ 15 tuổi đến 60 tuổi và nữ là từ 15 tuổi đến 55 tuổi.
Nguồn lao động luôn được xem xét trên 2 mặt biểu hiện là số lượng và chất lượng.
Xét về mặt số lượng, nguồn lao động bao gồm:
– Bộ phân dân số đủ 15 tuổi trở lên có việc làm.
– Và dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động nhưng đang thất nghiệp, đang đi học, đang làm công việc nội trợ trong gia đình, không có nhu cầu làm việc và những người thuộc tình trạng khác (bao gồm cả những người nghỉ hưu trước tuổi quy định).
Chất lượng của nguồn lao động về cơ bản được đánh giá ở trình độ chuyên môn, tay nghề (trí lực) và sức khoẻ (thể lực) của người lao động.
Lực lượng lao động theo quan niệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là bộ phận dân số trong độ tuổi lao động theo quy định, thực tế đang có việc làm và những người thất nghiệp song đang có nhu cầu tìm việc làm.
Ở nước ta hiện nay, lực lượng lao động được xác định là bộ phận dân số đủ 15 tuổi trở lên có việc làm và những người thất nghiệp. Lực lượng lao động theo quan niệm như trên là đồng nghĩa với dân số hoạt động kinh tế và nó phản ánh khả năng thực tế về cung ứng lao động của xã hội.
Đặc điểm của lao động
Lao động có những đặc điểm riêng biệt của nó và trong quá trình thực hiện sẽ có chiều hướng tốt lên hoặc đi xuống còn tùy vào nhiều yếu tố khác nhau. Nguồn lao động dồi dào, chất lượng, năng lực tốt chính là đích đến của nhiều doanh nghiệp nói riêng và của đất nước nói chung. Các đặc điểm của lao động như sau:
Lao động chính là những hành động có ý thức, mục đích của con người để tác động làm ra của cải vật chất, giá trị tinh thần cho xã hội.
Lao động chính là yếu tố quan trọng cũng ảnh hưởng tới các chi phí đầu tư khác cho sản xuất. Chẳng hạn như chi phí vận hành, quản lý, chi phí cho trang thiết bị hiện đại thay thế cần thiết,…
Lao động cũng chính là bộ phận được hưởng lợi ích từ việc sản xuất – kinh doanh tạo ra lợi nhuận, giá trị. Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, người lao động được tăng lương, chất lượng cuộc sống nâng cao.
Nguồn lao động thường được đo bằng chính lực lượng hoặc nhóm lao động. Quy mô của lực lượng lao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng người lao động, khả năng làm việc, chất lượng công việc đạt được.
Lao động sẽ sử dụng thời gian để làm việc, tùy vào từng loại sẽ tiêu hao số thời gian khác nhau. Cụ thể như có công việc làm 6 tiếng, 8 tiếng, 10 tiếng, 12 tiếng,… Thời gian làm việc càng nhiều càng tạo ra nhiều giá trị kinh tế cho xã hội.
Hoạt động lao động có ý nghĩa như thế nào?
Nguồn lao động chính là một yếu tố quan trọng trong sản xuất và có nhiều ý nghĩa quan trọng. Lao động góp phần chủ đạo và không thể thiếu trong việc tạo ra các loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng hiện nay. Lao động không được lưu trữ cần được thực hiện liên tục nếu muốn tạo ra các giá trị về vật chất và tinh thần.
Sức lao động là yếu tố của con người tạo ra, không thể tách rời được và nếu được chăm sóc đúng, chất lượng ngày càng tăng thêm. Một người có sức lao động tốt sẽ làm việc hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị hơn và mức lương nhận được cũng cao hơn.
Ngoài người lao động làm việc chân tay, làm bàn giấy còn có nguồn lao động làm quản lý, lãnh đạo mang tính chất cao cấp sẽ có mức lương cao hơn nhiều. Những người lao động ở cấp cao cũng luôn quan trọng bởi họ có năng lực, tầm nhìn, trí tuệ để quản lý nhân công, vận hành sản xuất – kinh doanh, đưa định hướng cho doanh nghiệp phát triển và vươn xa.
Lao động chính là cách thức con người làm việc để tạo ra nguồn thu nhập chính đáng cho mình, sử dụng chi tiêu, mua sắm, phục vụ cho bản thân và gia đình. Nguồn lao động chất lượng sẽ có lương cao và có cuộc sống tốt hơn.
Cần thiết nâng cao sức lao động
Lao động được phân ra nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào chất lượng, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm. Cụ thể như lao động phổ thông không qua đào tạo, lao động có tay nghề, lao động cao cấp, lao động có kỹ năng tốt,…
Là nguồn lực sản xuất chủ đạo không thể thiếu được trong các hoạt động kinh tế hiện nay. Nguồn lực này được đào tạo, cải thiện và chú trọng, chất lượng sẽ ngày càng tốt lên. Trong doanh nghiệp, nguồn lao động chất lượng cao chắc chắn giúp ích cho sự phát triển không ngừng.
Lao động được nâng cấp hơn giúp con người dần đổi mới suy nghĩ tiến bộ, tư duy tốt, biết cách làm việc năng suất cao, cống hiến cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Nước Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào nhưng chất lượng vẫn ở tầm trung, cho nên định hướng sau này luôn là nâng cao chất lượng, trí tuệ, kỹ năng của lao động. Như vậy giá trị tạo ra nhiều hơn và cũng giảm bớt thời gian làm việc không hiệu quả.
Nguồn lao động ở nông thôn
Khái niệm về nguồn lao động nông thôn.
Nguồn lao động nông thôn là một bộ phận dân số sinh sống và làm việc ở nông thôn trong độ tuổi lao động theo qui định của pháp luật (nam từ 16 đến 60 tuổi, nữ từ 16 đến 55 tuổi) có khả năng lao động.
Lực lượng lao động ở nông thôn là bộ phận của nguồn lao động ở nông thôn bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, đang có việc làm và những người thất nghiệp nhưng có nhu cầu tìm việc làm.
Tuy nhiên do đặc điểm, tính chất, mùa vụ của công việc ở nông thôn mà lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp không chỉ có những người trong độ tuổi lao động mà còn có những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động tham gia sản xuất với những công việc phù hợp với mình.Từ khái niệm nguồn lao động ở nông thôn mà ta thấy lao động ở nông thôn rất dồi dào, nhưng đây cũng chính là thách thức trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn.
Khái niệm về việc làm.
Trước đây trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung người lao động được coi là có việc làm và được xã hội thừa nhận là ngưới làm việc trong thành phần kinh tế quốc doanh, khu vực nhà nước và khu vực kinh tế tập thể. Trong cơ chế đó nhà nước bố trí việc làm cho người lao động.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, quan niệm về việc làm đã thay đổi một cách căn bản. Theo điều 13 chương 3 Bộ luật lao động nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1994 đã ban hành: “Mọi hoạt động lao động tạo ra thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”. Với quan niệm về việc làm như trên sẽ làm cho nội dung của việc làm được mở rộng và tạo ra khả năng to lớn để giải phóng tiềm năng lao động, giải quyết việc làm cho nhiều người. Điều này được thể hiện trên hai góc độ:
Thị trường việc làm được mở rộng bao gồm tất cả các thành phần kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và cũng không hạn chế về mặt không gian (trong nước, ngoài nước….).
Người lao động được tự do hành nghề được tự do liên doanh, liên kết tự do thuê mướn lao động theo pháp luật và sự hướng dẫn của Nhà nước để tự tạo việc làm cho mình và thu hút thêm lao động. Để hiểu thêm về khái niệm việc làm ta cần hiểu thêm hai khái niệm sau:
Thứ nhất: việc làm đầy đủ : theo định nghĩa việc làm đầy đủ trong cuốn sử dụng lao động và giải quyết việc làm ở Việt Nam (trang 23- Nhà xuất bản sự thật), thì việc làm đầy đủ là sự thoả mãn nhu cầu việc làm của bất cứ ai có khả năng lao động trong nền kinh tế quốc dân. Hay nói cách khác việc làm đầy đủ là trạng thái mà mỗi người có khả năng lao động, muốn làm việc thì đều có thể tìm được việc làm trong thời gian ngắn.
Thứ hai: thiếu việc làm: được hiểu là không tạo được điều kiện cho người lao động sử dụng hết thời gian lao động của mình.
Khái niệm tạo việc làm.
Tạo việc làm cho người lao động là phát huy sử dụng tiềm năng sẳn có của từng đơn vị, từng địa phương và của từng người lao động nhằm tạo ra những công việc hợp lý ổn định và đầy đủ xong việc làm đó phải đem lại thu nhập đảm bảo thoả mãn nhu cầu đời sống hàng ngày cho người lao động.
Khái niệm sử dụng nguồn lao động.
Là hình thức phân công người lao động vào công việc mỗi công việc có đặc tính khác nhau về chuyên môn, hình thái. Sử dụng có hiệu quả nguồn lao động thực chất là việc phân bố nguồn lao động một cách hợp lý sao cho việc sử dụng lao động này đạt được mục đích là tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.
Phân bố nguồn lao động chính là việc phân phối, bố trí hình thành nguồn lao động theo quy luật, xu hướng tiến bộ vào các lĩnh vực hoạt động, các ngành kinh tế, các vùng lãnh thỗ.
Xét về bản chất thì đó là sự đổi mới tình trạng phân công lao động ngày càng tiến bộ hơn và đạt trình độ ngày càng cao hơn.
Phân bố nguồn lao động hợp lý phải phối hợp kết hợp hài hoà nhiều biện pháp phân bổ theo từng lĩnh vực sản xuất, từng ngành, từng nội bộ ngành kinh tế, từng vùng lãnh thổ trong phạm vi quốc gia. Một xu hướng có tính quy luật là lực lượng lao động được phân bổ và lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng giảm và khi nền kinh tế phát triển thì nhu cầu về hưởng thụ văn hoá tinh thần ngày càng cao và đây là nhu cầu vô hạn.
Đào tạo lao động, nâng cao trình độ lành nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo và tổ chức sản xuât. Trong lĩnh vực không sản xuất vật chất phân bổ tỷ trọng lớn lao động vào các ngành nghiên cứu khoa học, y tế giáo dục, văn hoá thể thao, giảm lao động trong quản lý hành chính, lao động quản lý.Trong lĩnh vực sản xuất vật chất tăng tỷ trọng lao động, giảm tỷ trong lao động trong ngành nông nghiệp, bởi vì tăng năng suất lao động trong các ngành trên là thuận lợi hơn nó tác động trở lại ngành nông nghiệp.
Với những thông tin nguồn lao động là được cung cấp từ Luật Trần và Liên Danh, mọi người đã hiểu được rõ về lao động là gì và nguồn lao động là gì?. Lao động có các đặc điểm cụ thể và không thể thiếu trong một xã hội hiện đại dù đã có nhiều phát minh, công nghệ, máy móc tân tiến. Hy vọng bài viết này giúp bạn có đủ thông tin về lao động để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.