Phân tích báo cáo tài chính giúp nhà phân tích, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ nợ nắm bắt được tình hình tài chính của DN.
Chỉ số tài chính giúp nhà phân tích chỉ cần nhìn lướt qua các báo cáo cũng có thể tìm ra được xu hướng phát triển của doanh nghiệp. Cũng như giúp nhà đầu tư, các chủ nợ kiểm tra được tình hình sức khỏe tài chính của DN. Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tham khảo bài viết về công thức phân tích báo cáo tài chính dưới đây nhé!
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính (BCTC) là báo cáo chính thức và toàn diện miêu tả các hđ tài chính của một tổ chức kinh doanh. BCTC cung cấp các thông tin quan trọng cho nhiều quyết định khác nhau. Bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo lãi lỗ và báo cáo luân chuyển tiền tệ.
Các nhà đầu tư dựa chủ yếu vào mức độ tin cậy tín nhiệm của BCTC đã được kiểm toán hay các chuyên gia tài chính công bố. Họ có thể phân tích, đọc và giải thích các báo cáo này.
Phân tích báo cáo tài chính là gì?
Phân tích báo cáo tài chính là quá trình sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp để phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp để có sơ sở đưa ra những quyết định hợp lý.
Việc phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp có thể do bản thân doanh nghiệp hoặc các tổ chức bên ngoài doanh nghiệp thực hiện bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, nhà đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư…
Tùy thuộc vào mục đích, các bên liên quan có thể phân tích những khía cạnh khác nhau của báo cáo tài chính, ví dụ:
Nhà cung cấp hàng hóa & dịch vụ chú trọng đến tính thanh khoản và khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư chú trọng đến khả năng trả nợ dài hạn và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Nội bộ doanh nghiệp phân tích báo cáo tài chính để có thể hoạch định và kiểm soát hiệu quả hơn tình hình tài chính doanh nghiệp….
Trong các kỹ thuật phân tích báo cáo tài chính, ở Việt Nam hiện tại kỹ thuật phân tích tỉ số tài chính được sử dụng nhiều nhất. Những tỉ số này giúp chúng ta so sánh và tìm hiểu mối quan hệ giữa nhũng thông tin tài chính khác nhau.
Có nhiều loại tỉ số tài chính khác nhau, dựa vào cách sử dụng số liệu và mục tiêu phân tích có thể phân thành các nhóm sau:
Tỉ số thanh toán ngắn hạn
Tỉ số thanh toán dài hạn
Tỉ số quản trị tài sản
Tỉ số khả năng sinh lời
Tỉ số giá trị thị trường
Các chỉ số quan trọng khi phân tích báo cáo tài chính
Chỉ số phản ánh khả năng sinh lời
Có 4 chỉ số giúp phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp 1 cách chuẩn xác bao gồm:
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS):
Giúp phản ánh 1 đồng doanh thu thuần đem lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Giúp thể hiện năng lực tạo ra sản phẩm bán được giá cao hoặc có chi phí thấp của DN.
Tỷ suất lợi nhuận (ROS) = Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE):
Giúp phản ánh một đồng đầu tư của vốn chủ sở hữu đem tới bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập. Và giúp đánh giá khả năng đảm bảo mọi đối tác góp vốn của DN.
(ROE) = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu bình quân
Tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA):
Giúp phản ánh một đồng đầu tư vào tài sản đem tới bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế và lãi vay.
Tỷ suất (ROA) = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân
Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn đầu tư (ROI):
Giúp phản ánh một đồng vốn đầu tư đem tới bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất này giúp đánh giá khả năng sinh lời của vốn đầu tư.
ROI = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn kinh doanh bình quân
Chỉ số phản ánh hệ số thanh toán
Có 5 chỉ số giúp thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp, bao gồm:
Hệ số khả năng thanh toán hiện hành:
Phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ nần của doanh nghiệp một cách tổng quát nhất.
Hệ số thanh toán hiện hành = Tổng giá trị tài sản/ Tổng nợ phải thanh toán
Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn:
Phản ánh khả năng thanh toán tạm thời các khoản nợ ngắn hạn dưới 1 năm. Dựa trên tài sản có khả năng chuyển đổi trong thời gian ngắn (thường dưới 1 năm).
Hệ số thanh toán ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/ Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán nhanh:
Phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Dựa trên tài sản ngắn hạn đã trừ đi hàng tồn kho.
Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/ Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán tức thời:
Phản ánh khả năng thanh toán nợ ngắn hạn dựa trên tài sản có thể chuyển đổi nhanh thành tiền. Và khoản tiền hiện có của doanh nghiệp.
Hệ số thanh toán tức thời = Tiền và tương đương tiền/ Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay:
Phản ánh khả năng chi trả các khoản lãi vay trong kỳ thông qua khoản lợi nhuận kế toán trước lãi vay và thuế.
Hệ số thanh toán lãi vay = (Lãi vay phải trả + Lợi nhuận trước thuế)/ Lãi vay phải trả.
Chỉ số phản ánh khả năng hoạt động
Khi phân tích đánh giá doanh nghiệp qua báo cáo tài chính, có 3 chỉ số quan trọng thường dùng, bao gồm:
Vòng quay hàng tồn kho:
Phản ánh được trong 1 kỳ báo cáo, hàng tồn kho quay được mấy vòng. Và giúp đo lường hiệu quả của hoạt động quản trị hàng tồn kho của DN.
Vòng quay khoản phải thu:
Phản ánh được tốc độ luân chuyển của các khoản phải thu. Thể hiện được khả năng thu hồi các khoản nợ của doanh nghiệp.
Vòng quay vốn lưu động:
Phản ánh bình quân 1 đồng vốn lưu động sẽ đem lại bao nhiêu đồng doanh thu thuần. Từ đây giúp đánh giá, đo lường hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Chỉ số phản ánh cơ cấu tài chính và cơ cấu tài sản
Khi phân tích báo cáo tài chính, có 4 chỉ số phản ánh cần chú ý. Bao gồm:
Hệ số nợ:
Phản ánh 1 đồng tài sản đang có bao nhiêu đồng vay nợ. Giúp thể hiện mức độ phụ thuộc tài chính với chủ nợ của doanh nghiệp.
Hệ số nợ = Tổng nợ phải trả/ Tổng tài sản
Hệ số vốn chủ sở hữu:
Phản ánh mức độ phụ thuộc hoặc độc lập tài chính với chủ nợ. Và khả năng tự tài trợ cho hoạt động kinh doanh của 1 doanh nghiệp đó.
Hệ số vốn chủ sở hữu = Tổng vốn chủ sở hữu/ Tổng nguồn vốn
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu:
Phản ánh 1 đồng vốn chủ sở hữu gồm bao nhiêu đồng vay nợ, thể hiện quy mô DN.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu = Tổng nợ phải trả/ Tổng vốn chủ sở hữu
Cơ cấu tài sản:
Phản ánh tỷ lệ của tài sản ngắn hạn trên tài sản dài hạn của 1 doanh nghiệp.
Mục đích và vai trò của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính có vai trò quan trọng, phản ánh tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục đích của báo cáo tài chính
Điều 97, Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về mục đích của báo cáo tài chính như sau:
– Cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhu cầu của người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
– BCTC cung cấp thông tin về: Tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập và các chi phí kinh doanh khác; lãi lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước; các tài sản khác có liên quan đến đơn vị; luồng tiền ra vào luân chuyển như thế nào trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Ngoài ra, trong bản “Thuyết minh BCTC”, doanh nghiệp phải giải trình về các chỉ tiêu đã phản ánh trên BCTC tổng hợp, chính sách áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh: Chế độ kế toán áp dụng; hình thức kế toán; nguyên tắc ghi nhận; phương pháp tính giá và hạch toán hàng tồn kho; phương pháp trích khấu hao tài sản cố định…
Vai trò của báo cáo tài chính
– Cung cấp chỉ tiêu về kinh tế, tài chính cần thiết để nhận biết, kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Cung cấp số liệu, tài liệu cần thiết cho việc phân tích hoạt động kinh tế, tài chính để nhận biết và đánh giá tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
– Dựa trên số liệu thể hiện trên BCTC để phân tích, phát hiện tiềm năng về kinh tế, dự đoán tình hình, xu hướng hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định đúng đắn, có hiệu quả.
– Cung cấp số liệu phục vụ cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho phù hợp.
Thông tin thể hiện trên bản BCTC không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành của các nhà quản lý doanh nghiệp mà còn đáp ứng thông tin của nhiều đối tượng khác. Cụ thể:
– Đối với chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc: BCTC cung cấp thông tin để doanh nghiệp phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng tài chính, khả năng thanh toán, tình hình và kết quả kinh doanh; từ đó hoạch định chính sách quản lý, sử dụng tài sản và huy động vốn, dòng tiền cho hợp lý.
– Đối với các nhà đầu tư, chủ nợ, ngân hàng: Thông tin trên BCTC giúp đánh giá thực trạng và tiềm năng tài chính và các hoạt động kinh doanh, khả năng sinh lời, khả năng thanh toán và đánh giá rủi ro để có quyết định phù hợp.
– Đối với người lao động: Thông tin trên BCTC giúp NLĐ hiểu được tình hình hoạt động, khả năng tiếp tục duy trì và phát triển trong tương lai, cũng như khả năng chi trả, thanh toán của doanh nghiệp để có quyết định việc làm phù hợp.
– Đối với cơ quản quản lý nhà nước: Thông tin trên BCTC để thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ luật pháp, từ đó đề ra các quyết định quản lý phù hợp.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về công thức phân tích báo cáo tài chính Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.