Các chức vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm những chức vụ nào? Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với từng chức vụ được quy định ra sao?
Các chức vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam
Theo Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014), chức vụ cơ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam gồm có:
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
– Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
– Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục;
– Tư lệnh Quân khu, Chính ủy Quân khu; Tư lệnh Quân chủng, Chính ủy Quân chủng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng;
– Tư lệnh Quân đoàn, Chính ủy Quân đoàn; Tư lệnh Binh chủng, Chính ủy Binh chủng; Tư lệnh Vùng Hải quân, Chính ủy Vùng Hải quân;
– Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh), Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
– Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn;
– Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện), Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
– Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn;
– Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội;
– Trung đội trưởng.
Trong đó:
– Chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014) do Chính phủ quy định.
– Chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại các điểm e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam
Cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014), cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam được quy định như sau:
Các chức vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam đối với cấp tướng
* Đại tướng
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đương nhiệm hiện nay là Đại tướng Phan Văn Giang)
– Tổng Tham mưu trưởng (đương nhiệm hiện nay là Thượng tướng Nguyễn Tân Cương)
– Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (đương nhiệm hiện nay là Đại tướng Lương Cường)
* Thượng tướng, Đô đốc Hải quân
– Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá sáu người;
Các Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đương nhiệm hiện nay bao gồm:
+ Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến
+ Thượng tướng Lê Huy Vịnh
+ Thượng tướng Võ Minh Lương
+ Thượng tướng Vũ Hải Sản
+ Thượng tướng Phạm Hoài Nam
+ Thượng tướng Nguyễn Tân Cương
– Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng không quá ba người;
– Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng;
* Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân
– Tư lệnh, Chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng; Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục; Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ;
– Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cảnh sát biển Việt Nam;
– Giám đốc, Chính ủy các học viện: Lục quân, Chính trị, Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Quân y;
– Hiệu trưởng, Chính ủy các trường sĩ quan: Lục quân I, Lục quân II, Chính trị;
– Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng không quá ba người; Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng là một người;
– Cục trưởng các cục: Tác chiến, Quân huấn, Quân lực, Dân quân tự vệ, Tổ chức, Cán bộ, Tuyên huấn, Nhà trường, Tác chiến điện tử, Công nghệ thông tin, Cứu hộ – Cứu nạn, Đối ngoại;
– Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng; Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương – Văn phòng Bộ Quốc phòng;
– Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng;
– Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108;
* Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân
-Tư lệnh, Chính ủy: Quân đoàn, Binh chủng, Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển;
– Cục trưởng các cục: Bảo vệ an ninh Quân đội, Khoa học quân sự, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quân y, Điều tra hình sự, Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Dân vận, Chính sách, Kinh tế, Cơ yếu,…
– Viện trưởng: Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện 26, Viện 70;
– Giám đốc, Chính ủy các học viện: Phòng không – Không quân, Hải quân, Biên phòng, Khoa học quân sự;
– Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã;
– Tư lệnh các Binh đoàn Quốc phòng – Kinh tế: 11, 12, 15, 16 và 18;
– Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
– Chủ nhiệm Chính trị: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Học viện Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II; Cục trưởng Cục Chính trị thuộc Tổng cục Chính trị;
– Một Phó Tham mưu trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng;
– Một Phó Chủ nhiệm Chính trị là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng;
– Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân;
– Giám đốc Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội;
– Tổng Giám đốc, một Phó Tổng Giám đốc là Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Viễn thông Quân đội;
– Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga;
– Giám đốc: Bệnh viện 175, Bệnh viện 103, Viện Y học cổ truyền Quân đội, Viện Bỏng quốc gia;
– Chủ nhiệm các khoa thuộc Học viện Quốc phòng: Lý luận Mác – Lênin; Công tác Đảng, công tác chính trị; Chiến lược; Chiến dịch;
– Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị;
– Chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014) có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng
Các chức vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam đối với cấp tá
* Đại tá
– Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
– Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn;
* Thượng tá: Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
* Trung tá: Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn
* Thiếu tá: Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội
Ngoài ra, đối với chức vụ Trung đội trưởng thì cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ này là Đại úy.
Làm sao để nhận biết được các cấp bậc trong quân đội?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định cấp hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
Cấp hiệu của sĩ quan, học viên là sĩ quan
– Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc.
– Nền cấp hiệu mầu vàng, riêng Bộ đội Biên phòng mầu xanh lá cây. Nền cấp hiệu của sĩ quan cấp tướng có in chìm hoa văn mặt trống đồng, tâm mặt trống đồng ở vị trí gắn cúc cấp hiệu.
– Đường viền cấp hiệu: Lục quân, Bộ đội Biên phòng mầu đỏ tươi, Phòng không – Không quân mầu xanh hòa bình, Hải quân mầu tím than.
– Trên nền cấp hiệu gắn: Cúc cấp hiệu, gạch, sao mầu vàng. Cúc cấp hiệu hình tròn, dập nổi hoa văn (cấp tướng hình Quốc huy; cấp tá, cấp úy hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh ở giữa). Cấp hiệu của cấp tướng không có gạch ngang, cấp tá có 02 gạch ngang, cấp úy có 01 gạch ngang, số lượng sao:
+ Thiếu úy, Thiếu tá, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân: 01 sao;
+ Trung úy, Trung tá, Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân: 02 sao;
+ Thượng úy, Thượng tá, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân: 03 sao;
+ Đại úy, Đại tá, Đại tướng: 04 sao.
Cấp hiệu của quân nhân chuyên nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng trên nền cấp hiệu có 01 đường mầu hồng rộng 5 mm ở chính giữa theo chiều dọc.
Cấp hiệu của hạ sĩ quan – binh sĩ
– Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc.
– Nền cấp hiệu mầu be, riêng Bộ đội Biên phòng mầu xanh lá cây.
– Đường viền cấp hiệu: Lục quân, Bộ đội Biên phòng mầu đỏ tươi, Phòng không – Không quân mầu xanh hòa bình, Hải quân mầu tím than.
– Trên nền cấp hiệu gắn: Cúc cấp hiệu, vạch ngang hoặc vạch hình chữ V mầu đỏ. Cúc cấp hiệu dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh ở giữa. Số vạch ngang hoặc vạch hình chữ V:
+ Binh nhì: 01 vạch hình chữ V;
+ Binh nhất: 02 vạch hình chữ V;
+ Hạ sĩ: 01 vạch ngang;
+ Trung sĩ: 02 vạch ngang;
+ Thượng sĩ: 03 vạch ngang.
Cấp hiệu của hạ sĩ quan – binh sĩ Hải quân, khi mặc áo kiểu có yếm
– Hình dáng: Hình chữ nhật.
– Nền cấp hiệu mầu tím than, có hình phù hiệu Hải quân.
– Đường viền cấp hiệu: Không có đường viền.
– Trên nền cấp hiệu gắn: Vạch ngang mầu vàng. Số lượng vạch:
+ Binh nhì: 01 vạch ở đầu dưới cấp hiệu;
+ Binh nhất: 02 vạch cân đối ở hai đầu cấp hiệu;
+ Hạ sĩ: 01 vạch cân đối ở giữa cấp hiệu;
+ Trung sĩ: 02 vạch cân đối ở giữa cấp hiệu;
+ Thượng sĩ: 03 vạch cân đối ở giữa cấp hiệu.
Cấp hiệu của học viên đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật
– Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc.
– Nền cấp hiệu: Lục quân mầu đỏ tươi; Phòng không – Không quân mầu xanh hòa bình; Hải quân mầu tím than; Bộ đội Biên phòng mầu xanh lá cây.
– Đường viền cấp hiệu: Mầu vàng. Học viên đào tạo sĩ quan đường viền rộng 5 mm; học viên đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đường viền rộng 3 mm.
– Trên nền cấp hiệu gắn cúc cấp hiệu. Cúc cấp hiệu dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh ở giữa.
Dựa vào hình dáng của các cấp hiệu nêu trên, có thể nhận biết được các cấp bậc trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về quy định các chức vụ trong quân đội. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.