An tử là gì? An tử là việc chủ ý chấm dứt cuộc sống của một người mà thường là những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa theo cách ít hoặc không đau đớn vì những lợi ích của người đó. Cùng tìm hiểu yếu tố xác định an tử, quyền an tử và luật quốc tế về an tử trong nội dung bài viết dưới đây:
An tử là gì?
Về mặt khái niệm, thuật ngữ “an tử” (trong tiếng Trung) hay “euthanasia” (trong tiếng Anh) hay “euthanasie” (trong tiếng Pháp) được cho là bắt nguồn từ thuật ngữ “euthanatos” trong tiếng Hy Lạp (trong đó: “eu” là “tốt” và “thanatos” là “chết”. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho thuật ngữ này.
Theo Từ điển Merriam-Webster Online, an tử là “hành động hoặc thực hành giết chết hoặc cho phép cái chết của những cá nhân (như con người hoặc động vật nuôi) bị ốm hoặc chấn thương không còn hy vọng (cứu chữa) theo cách ít đau đớn nhất vì lý do nhân từ/nhân đạo”. Một tài liệu khác định nghĩa: “an tử là sự giết chết có chủ ý một người lệ thuộc (“a dependent human being”) bởi hành động hoặc không hành động vì lợi ích được viện ra của người đó”.
Như vậy, có thể hiểu “an tử” là việc chủ ý chấm dứt cuộc sống của một người mà thường là những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa theo cách ít hoặc không đau đớn vì những lợi ích của người đó.
Các yếu tố xác định an tử là gì?
Theo cách hiểu này, có bốn yếu tố để xác định “an tử” đó là:
– Tính chủ ý (chấm dứt cuộc sông);
– Đối tượng là những người không còn khả năng cứu chữa;
– Cách thức thực hiện ít hoặc không gây đau đớn; và
– Vì lợi ích của người được an tử.
Trong các yếu tố này, “tính chủ ý” được xem là quan trọng nhất mà thiếu nó (một hành động) sẽ không được coi là an tử; lợi ích của người được an tử thường là để chấm dứt những nỗi đau không thể chịu đựng được (mục đích nhân đạo) và để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và người thân.
Quyền an tử là gì?
Đi kèm với an tử là vấn đề “quyền an tử” (hay “quyền được chết” – “right to die”). Thực tế đây là vấn đề chỉ đặt ra ở các quốc gia hợp pháp hóa an tử, theo đó “quyền an tử” là một quyền nhân thân và được pháp luật ghi nhận một cách chính thức. Đối với những quốc gia chưa hợp pháp hóa an tử, thì quyền an tử được xem là một quyền thực tế, nghĩa là, nó thể hiện mong muốn của một người muốn được phép quyết định kết thúc cuộc sống của mình (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp); hoặc cũng có thể nó được các nhà lập pháp và các nhà khoa học “ngầm thừa nhận” là một quyền nhân thân.
Tiêu chí phân loại các hình thức an tử
Về phân loại, có hai tiêu chí chủ yếu được sử dụng để phân biệt (các hình thức) an tử đó là:
Một là, theo tính chất ý chí của người được an tử, gồm có: an tử tự nguyện (“voluntary euthanasia”), an tử không tự nguyện (“non-voluntary euthanasia”), và an tử không chủ ý (“involuntary euthanasia”);
Hai là, theo cách thức thực hiện an tử, gồm có:
+ An tử chủ động (“active euthanasia/euthanasia by action”),
+ An tử thụ động (“passive euthanasia/euthanasia by omission”)
+ Trợ tử (hay trợ giúp tự sát – “assisted suicide”)
Lịch sử ghi nhận về an tử
Về lịch sử hình thành và phát triển, từ thời cổ đại (thế kỷ V đến thế kỷ I trước Công nguyên), những người La Mã và Hy Lạp đã có xu hướng ủng hộ an tử và không tuân theo “lời thề Hippocrates” một cách trung thành. Các bác sĩ có thể thực hiện việc giết người vì mục đích nhân đạo (“mercy killings”), cả tự nguyện và không chủ ý. Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó cho đến gần cuối thế kỷ XIX, an tử bị phản đối bởi quan điểm của các tôn giáo lớn (Đạo Thiên chúa, Đạo Do Thái, Đạo Phật) và bị pháp luật của nhiều quốc gia cấm (đặc biệt là các quốc gia theo thông luật). Sang thế kỷ XX, với sự phát triển của ngành y khoa, an tử đã có được những bước tiến lớn. Về mặt pháp lý, năm 1976, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật cho phép người bị bệnh nan y quyền quyết định hủy bỏ các điều trị y tế duy trì sự sống khi cái chết được tin rằng sắp xảy ra. Tính đến năm 1977, đã có 8 bang của Mỹ gồm California, Niu Mêhicô, Accansót, Nevada, Idaho, Oregon, Bắc California và Texas đã thông qua các điều luật về quyền an tử.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, năm 2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa an tử; tiếp sau đó là Bỉ (năm 2002), Lúcxămbua (năm 2008) và ba bang của Mỹ gồm Oasinhtơn (năm 2008), Montana (năm 2008), Vơmơn (năm 2013). Tháng 3-2014, Bỉ đã hợp pháp hóa an tử đối với trẻ em bị bệnh nan y và không thể cứu chữa. Tháng 2-2015, Tòa án Tối cao Canada đã bãi bỏ lệnh cấm tự sát có trợ giúp của bác sĩ. Tháng 4-2015, Tòa án Nam Phi đã cho phép tự sát có trợ giúp đối với những người bị bệnh nan y.
Thực tế nêu trên cho thấy, an tử đã có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài và là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên, nó cũng đang dần được thừa nhận (dù còn hạn chế).
Dưới đây là một số tranh luận chủ yếu được sử dụng để ủng hộ cũng như phản đối an tử:
Những tranh luận ủng hộ an tử cho rằng đây là một cách thức để:
– Giải phóng nỗi đau khổ cùng cực của con người;
– Trợ giúp giải thoát khi chất lượng cuộc sống của con người quá thấp;
– Dành nguồn lực của các quỹ y tế để giúp những người khác;
– Tự do lựa chọn cuộc sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Ngược lại, những tranh luận phản đối an tử cho rằng việc này:
– Làm giảm giá trị cuộc sống của con người;
– Có thể trỏ thành một phương tiện dẫn đến hạn chế chi phí chăm sóc sức khỏe cho người bị bệnh nan y;
– Xung đột với quy tắc chỉ cứu người chứ không tước bỏ tính mạng con người của bác sĩ và nhân viên y tế;
– Có thể xảy ra hệ quả/xu hướng “trượt dốc” (“slippery slope”) – tức an tử ban đầu chỉ được coi là hợp pháp cho người bị bệnh nan y, sau đó luật được thay đổi cho phép (an tử) cả trong những trường hợp khác, kể cả khi không có sự tự nguyện.
Nhìn chung, mỗi luồng quan điểm nêu trên đều có những yếu tố hợp lý, và cũng như nhiều vấn đề nhân quyền khác, để đạt được sự đồng thuận (tuyệt đối) với vấn đề an tử gần như là điều không thể ở mọi xã hội.
Quyết định cấm hay hợp pháp hóa an tử là một quá trình cần nhiều thời gian và chịu tác động của nhiều yếu tố như trình độ nhận thức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, truyền thốhg văn hóa,… Tuy nhiên, xu hưóng đang diễn ra trên thế giới là an tử ngày càng được nhiều quốc gia thừa nhận hơn.
Vấn đề quyền an tử theo luật nhân quyền quốc tế
Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền an tử là một chủ đề còn mới, chưa được thảo luận nhiều, Ủy ban Nhân quyền (HRC), cơ quan giám sát thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) cũng chỉ mới đề cập quyền này một lần trong Nhận xét kết luận về báo cáo của Hà Lan năm 2001 – thời điểm quốc gia này thông qua đạo luật về an tử. Trong nhận xét này, HRC cho rằng an tử tự nguyện chỉ nên được phép trong những tình huống hãn hữu nhất mà mọi điều kiện về thủ tục và nội dung được bảo đảm, trong đó bao gồm cần phải thể hiện được ý chí rõ ràng của bệnh nhân. Tuy nhiên, HRC không đồng tình với các quy định về việc chấp thuận chấm dứt cuộc sống của trẻ em, bởi cho rằng trẻ em chưa đủ trưởng thành để bày tỏ ý chí về một vấn đề quan trọng như vậy với cuộc sống của mình.
Xét mối quan hệ với luật nhân quyền quốc tế, quyền an tử có sự gần gũi với hai quyền đã được ghi nhận trong ICCPR đó là: quyền sống và quyền không bị tra tấn. Đối với quyền sống (“right to life”), Điều 6(1) ICCPR nêu rõ: Mọi người đều có quyền cố hữu (“inherent”) là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Ở nội dung của quy định này có một khía cạnh cần được thảo luận, đó là “tính cố hữu” của quyển sống thuộc về mọi người, tuy nhiên, nó (được coi) mang tính “tùy nghi” (“optional”) hay mang tính “bắt buộc” (“mandatory”)? Nếu được coi là mang tính tùy nghi, chủ thể của quyển sống sẽ có quyền lựa chọn hưởng thụ hoặc từ bỏ quyền. Trong trường hợp này, quyền an tử sẽ có thể được chấp nhận và không đi ngược với luật nhân quyền quốc tế. Còn nếu quyền sống được coi là mang tính bắt buộc, chủ thể của quyền sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hưởng thụ quyền. Như vậy, ở trường hợp này quyền an tử sẽ đi ngược lại với quyền sống.
Nhìn chung, cũng giống như tranh luận về nguồn gốc “tự nhiên” hay “do pháp luật quy định” của quyền con người, sự phân định đúng, sai, hợp lý hay không hợp lý về tính “tùy nghi” và tính “bắt buộc” của quyền sống là không dễ dàng và sẽ còn tiếp tục được tranh luận, ở đây, sự sống nói chung và quyền sống nói riêng phụ thuộc nhiều vào yếu tố (ý chí) cá nhân, và thực tế cho thấy là rất khó ngăn cản những hành vi muốn từ bỏ sự sống (ví dụ như tự sát). Do đó, quyền sống nên được coi là một quyền tùy nghi và nó không mâu thuẫn mà song hành với quyền an tử. Đây có lẽ cũng là nền tảng quan điểm của HRC, bởi như trong trường hợp đã trình bày ở trên, ủy ban này đã không hoàn toàn phản đối quyền an tử.
Cần phân biệt an tử với việc tước đi tính mạng của cá nhân mà không vi phạm luật nhân quyền quốc tế (không tùy tiện). Nhìn chung, theo pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia, có 3 trường hợp mà tính mạng của cá nhân có thể bị tước đi “hợp pháp”, đó là: + Hình phạt tử hình;
+ Trong xung đột vũ trang; và
+ Phòng vệ chính đáng.
Trong các trưòng hợp này, mục đích của việc tước đi mạng sống của nạn nhân được coi là “cần thiết” để bảo vệ cá nhân khác, cộng đồng và xã hội; và thuật ngữ “bị tước” cho thấy nó không phụ thuộc vào “ý chí” của nạn nhân. Do đó, quyền an tử (thể hiện ý chí của bệnh nhân, vì mục đích nhân đạo đối với bệnh nhân) hoàn toàn khác biệt với khía cạnh “không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện” của quyền sống.
Đối với quyền không bị tra tấn (“freedom from torture”), Điều 7 ICCPR quy định: Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó.
Theo luật nhân quyền quốc tế, một trong những yếu tố để xác định tra tấn và những hành vi đôì xử tồi tệ khác đó là những “đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần” (gây ra cho một người). Trong an tử, có ít nhất hai đối tượng có liên quan đó là bác sĩ (người chấp nhận và thực hiện an tử) và bệnh nhân (người đưa ra yêu cầu và được an tử); và sự liên quan đến quyền không bị tra tấn được thể hiện qua hai câu hỏi:
+ Liệu việc duy trì sự sống của những bệnh nhân không có khả năng cứu chữa và phải chịu những nỗi đau cùng cực có là một sự đôì xử tồi tệ với họ không?
+ Liệu các bác sĩ có thể bị coi là làm trái với đạo đức ngành y và sẽ phải chịu những ảnh hưởng tâm lý (nghiêm trọng) bởi chính họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp lấy đi mạng sống của người khác hay không?
Ở câu hỏi thứ nhất, câu trả lời sẽ còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể (ví dụ: bệnh nhân chết não hoặc sống thực vật thì khó có thể cho rằng họ đang chịu những đau đốn cùng cực). Tuy nhiên, một trong những tranh luận ủng hộ an tử đó là để giải phóng nỗi đau cùng cực của bệnh nhân, do đó, xét theo khía cạnh này thì an tử lại là một cách đối xử nhân đạo hơn với bệnh nhân.
Còn ở câu hỏi thứ hai, câu trả lời có thể rõ ràng hơn là “không”, bỏi bác sĩ với năng lực chuyên môn sẽ biết điểu gì là tốt hơn với bệnh nhân và cũng có thể từ chối yêu cầu an tử nếu không muốn (vì trái đạo đức y học);
Từ những phân tích như vậy cho thấy, an tử góp phần bảo đảm hơn là vi phạm quyền không bị tra tấn.
Như vậy, nhìn chung an tử không đi ngược lại với luật nhân quyền quốc tế, tuy nhiên, để quyền an tử được thừa nhận một cách rộng rãi ở các quốc gia là điều tương đối khó. Hiện nay, những tranh luận về an tử có xu hướng diễn ra chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Ôxtrâylia hơn là ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, và Trung Đông, mặc dù vẫn có những ngoại lệ trong xu hướng này.
Ở châu Âu, nơi mà luôn đi đầu trong lĩnh vực nhân quyền, trong Khuyến nghị số 1418 của Nghị viện Hội đồng châu Âu năm 1999 tại đoạn 9(a)(viii) nêu rõ: các qụốc gia thành viên “cần bảo đảm rằng, trừ khi người bệnh lựa chọn cách khác, một người bị bệnh nan y hoặc sắp chết sẽ được nhận đầy đủ các biện pháp chăm sóc để làm giảm sự đau đớn, ngay cả khi các biện pháp này có thể gây ra tác dụng phụ làm rút ngắn cuộc sống của họ’. Nội dung khuyến nghị này cho thấy ý chí của bệnh nhân là rất quan trọng, và nó cũng hàm ý rằng an tử có thể được phép. Tuy nhiên, hiện nay ỏ châu Âu cũng mới chỉ có một số quốc gia hợp pháp hóa an tử.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về thắc mắc an tử là gì? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.