Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật lao động Số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, quy định về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Bộ luật Lao động 2020 có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.
Sau đây, Công ty Luật Trần và Liên Danh xin tổng hợp những điểm mới đáng chú ý nhất của Bộ luật lao động 2020 như sau:
Bộ Luật Lao Động 2020 không còn hợp đồng lao động thời vụ:
Bộ luật lao động mới cắt bỏ nội dung liên quan đến hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng:
Bộ Luật lao động 2012 |
Bộ Luật lao động 2020 |
Điều 22. Loại hợp đồng lao động 1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn; c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. |
Điều 20. Loại hợp đồng lao động 1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. |
Chỉ được giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói khi hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng
Theo Bộ Luật lao động 2012 |
Giao kết HĐLĐ bằng lời nói áp dụng đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng. |
Theo Bộ Luật lao động 2020 |
Áp dụng đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ 1 số trường hợp bắt buộc ký hợp đồng bằng văn bản tại Khoản 2 Điều 18, Điểm a Khoản 1 Điều 145, Khoản 1 Điều 162 Bộ Luật lao động 2019. |
Bộ Luật Lao Động 2020 tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ
Theo Bộ luật Lao động 2020, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ như sau:
– Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi);
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
Bộ Luật lao động 2012 |
Bộ Luật lao động 2020 |
Điều 187. Tuổi nghỉ hưu\ 1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. 2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này. |
Điều 169. Tuổi nghỉ hưu 1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. 2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. 4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. |
Bộ Luật Lao Động 2020 tăng ngày nghĩ lễ Quốc Khánh lên thành 2 ngày
Theo Bộ luật Lao động 2020, người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh:
Theo Bộ Luật lao động 2012 |
Theo Bộ Luật lao động 2020 |
Điều 115. Nghỉ lễ, tết 1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); b) Tết Âm lịch 05 ngày; c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch); e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). |
Điều 112. Nghỉ lễ, tết 1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); b) Tết Âm lịch: 05 ngày; c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). |
Tổng 10 ngày |
Tổng 11 ngày |
Bộ Luật Lao Động 2020 thêm quy định Người lao động nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương
Theo Bộ Luật lao động 2012 |
Theo Bộ Luật lao động 2020 |
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây: a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày; c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày. |
Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày; |
Người lao động nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp người đó là có cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết. Trong trường hợp này, người lao động được nghỉ 03 ngày.
Đồng thời, Bộ luật Lao động 2020 quy định rõ hơn trường hợp con đẻ, con nuôi kết hôn thì được nghỉ 01 ngày; “con đẻ”, “con nuôi” chết thì được nghỉ 03 ngày (thay vì chỉ quy định là “con” như quy định cũ).
Bộ Luật Lao Động 2020 quy định trường hợp người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước
Điều 35 Bộ luật Lao động 2020 quy định người lao động được phép quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do nếu đã báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.
Bên cạnh đó, người lao động còn được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước trong một số trường hợp như:
– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
– Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cũng có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động; các chi phí của việc cung cấp do người sử dụng lao động chi trả…
Bộ Luật Lao Động 2020 quy định người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương
Điều 94 Bộ luật Lao động 2020 đưa ra một quy định mới về nguyên tắc trả lương như sau:
“Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Đây được đánh giá là một quy định rất hợp lý và có lợi cho những người lao động bị ốm, tai nạn… mà không thể nhận lương trực tiếp.
Bộ Luật Lao Động 2020 Nghiêm cấm hành vi ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty
Theo khoản 2 Điều 94 về Nguyên tắc trả lương của Bộ luật Lao động 2020: “Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.”
Người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản nếu trả lương qua ngân hàng
Bộ luật Lao động 2012 |
Bộ luật Lao động 2020 |
Điều 94. Hình thức trả lương Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản. |
Điều 96. Hình thức trả lương 2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. |
Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp
Theo Điều 93 Bộ luật Lao động 2020, doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với người lao động.
Tiền lương trả cho người lao động là số tiền để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Người lao động có thể được thưởng bằng tài sản thay vì bằng tiền.
Bộ luật Lao động 2012 |
Bộ luật Lao động 2020 |
Điều 103. Tiền thưởng 1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. |
Điều 104. Thưởng 1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. |
Theo như quy định trên, các hình thức thưởng cho người lao động không chỉ là bằng tiền mà còn có thể dưới các loại tài sản khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Doanh nghiệp phải gửi bảng kê chi tiết cho người lao động khi trả lương
Theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động 2020: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Quy định trả lương như trên đã tạo nên sự minh bạch, rõ ràng về tiền lương của người lao động.
Bộ Luật Lao Động 2020 tăng thời lượng mà người lao động có thể làm thêm trong một tháng là 40 giờ
Theo điểm b khoản 2 Điều 107, Bộ luật Lao động 2020: Thời gian tối đa một tháng mà người lao động có thể làm thêm đã tăng lên là 40 giờ thay vì 30 giờ như Bộ luật Lao động 2012.
Theo khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2020: Các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; …
Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc giảm xuống còn 1 năm/lần
Thay vì tổ chức định kỳ 03 tháng/lần như Bộ luật Lao động 2012, khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2020 đã nâng thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc lên 1 năm/lần;
Bên cạnh đó, điều khoản này còn bổ sung thêm một số trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại như nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc; xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động…
Người sử dụng lao động được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi
Điều 149 Bộ luật Lao động 2020 quy định: “Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.”
Theo đó, quy định trên đã cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây.
Đây là một quy định rất hợp lý bởi thực tế, người cao tuổi thường là những người có nhiều năm kinh nghiệm, trình độ cao.
Hợp đồng lao động có thể dưới dạng điện tử
Theo khoản 1 Điều 14 Bộ luật Lao động 2020: “Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.”
Quy định trên đã ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử. Theo đó, Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng lao động bằng văn bản.
Bộ Luật Lao Động 2020 quy định chặt chẽ hơn về thử việc:
Bộ luật Lao động 2012 |
Bộ luật Lao động 2020 |
Điều 26. Thử việc 1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này. 2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc. Điều 27. Thời gian thử việc Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây: 1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; 2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. 3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. |
Điều 24. Thử việc 1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. 2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này. 3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Điều 25. Thời gian thử việc Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây: 1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; 2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; 3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; 4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác. |
Theo đó, Bộ luật Lao động 2020 cho phép thỏa thuận trong hợp đồng lao động về nội dung thử việc.
Bên cạnh đó, quy định trên đã bổ sung thời gian thử việc đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Trên đây là một số tổng hợp các điểm mới của Công ty Luật Trần và Liên Danh liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2020. Mọi khó khăn, vướng mắc liên quan về tư vấn pháp luật lao động Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn!