Hiện tại, ngoài những qui định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 19/TTLN/BNN-BTP-BCA – VKSNDTC-TANDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 về một số tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sau đây gọi tắc là Thông tư liên ngành số 19/TTLN), thì những bổ sung của Nghị định 159/2007/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2007 so với Nghị định 139/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nhanh và hiệu quả các hành vi phạm tội liên quan
Về việc xác định nội dung “Gây hậu quả nghiêm trọng”
Khoản 1 qui định: “Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Hướng dẫn nội dung này, tại điểm 3.4 của Thông tư liên ngành số 19/TTLN qui định: “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 189 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính.
b) Gây thiệt hại về lâm sản có giá trị từ trên ba mươi triệu đồng đến sáu mươi triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên năm mươitriệu đồng đến một trăm triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu.
Quy định là như vậy, nhưng trong thực tiễn cho thấy, có trường hợp diện tích rừng bị thiệt hại được xác định ở mức độ xử lý hành chính(chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), trong khi định giá thiệt hại rừng thì đủ số tiền để xử lý về hình sự.
Ví dụ như bị cáo A phá rừng làm nương rẫy tổng diện tích là 5.000m2(mức xử lý hành chính cao nhất trường hợp này là 15.000m2) nhưng thiệt hại gỗ, giá trị rừng là 60.000.000đồng. Hiện nay, vấn đề này đã phát sinh hai cách hiểu không thống nhất nhau:
– Một là, theo hướng dẫn tại mục 3.4 của Thông tư liên ngành số 19/TTLN đã viện dẫn, chỉ khi nào không xác định được diện tích rừng bị xâm phạm thì mới căn cứ vào giá trị thiệt hại rừng được định giá. Do vậy, mặc dù thiệt hại gây ra là 60.000.000 đồng như trường hợp ví dụ trên thì bị cáo A chỉ bị xử lý hành chính chứ không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Hai là, tại điểm b của mục 3.4 Thông tư liên ngành có qui định tách bạch hai vấn đề khác nhau. Ở vấn đề thứ nhất được chấm dứt bằng dấu ; (chấm phẩy): “Gây thiệt hại về lâm sản có giá trị từ trên ba mươi triệu đồng đến sáu mươi triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên” thì không phụ thuộc vào diện tích rừng có được xác định hay không, chỉ căn cứ vào giá trị rừng bị thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự.
Chỉ ở vấn đề thứ hai (sau dấu chấm phẩy: từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu) thì mới áp dụng qui định “khi không xác định được diện tích, căn cứ vào giá trị thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự”.
Chúng tôi đồng ý với cách suy luận của quan điểm thứ nhất, đồng thời có chính kiến trao đổi thêm như sau: Mặc dù điểm 3.4 của Thông tư liên ngành số 19/TTLN có ghi rõ là “ thuộc một trong các trường hợp”… nhưng bản chất của câu kèm ở điểm b mục 3.4 “trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích đốt rừng, phá rừng” đã triệt tiêu tính hiệu lực của nội dung toàn bộ của điểm b trong trường hợp đã xác định được các tiêu chí do điểm a đưa ra (xác định được diện tích rừng), dấu chấm phẩy mà quan điểm thứ hai bàn tới chỉ có ý nghĩa tách bạch hai mức thiệt hại đối với các loại rừng khác nhau, (loại thứ nhất là loại rừng sản xuất là rừng tự nhiên; loại thứ hai là rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh) chứ không làm mất giá trị phụ thuộc của vế đầu câu với nội dung “trong trường hợp rừng bị thiệt hại không xác định được diện tích….”.
Lập luận này phù hợp với những qui định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 159/2007/NĐ – CP là : “Những hành vi vi phạm sau đây không xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự:…b) Hậu quả hành vi vi phạm vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 11; 12; 18; 19 của Nghị định này”. T
ại điều 11 của Nghị định này không hề có qui định gì về hậu quả định lượng theo giá trị thiệt hại (như hướng dẫn ở Thông tư liên ngành 19/TTLN) mà chỉ qui định mức cao nhất xử lý hành chính đối với phá rừng sản xuất là 15.000m2.
Điều này đồng nghĩa với việc, khi có hành vi gây hậu quả thiệt hại diện tích rừng từ 15.000m2 trở xuống thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý hành chính là hoàn toàn đúng pháp luật. Bởi vì Thông tư liên ngành số 19/TTLN hướng dẫn các tội về BLHS chứ không phải là căn cứ bắt buộc cơ quan thẩm quyền phải xem xét khi xử lý hành vi vi phạm hành chính khi hành vi đó đã đảm bảo điều kiện qui định tại Nghị định 159/2007/NĐ-CP. Tóm lại, chỉ khi nào không thể xác định được diện tích rừng bị khai thác (điểm a mục 3.4 Thông tư liên ngành số 19/TTLN) thì cơ quan tiến hành tố tụng mới căn cứ vào thiệt hại giá trị của rừng (theo điểm b mục 3.4 Thông tư liên ngành số 19/TTLN) để xác định trách nhiệm hình sự của người có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, để qui định pháp luật đươc rõ ràng hơn, các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất hơn, theo chúng tôi, điểm b mục 3.4 của Thông tư 19/TTLN cần sửa lại là “…b. Trong trường hợp không xác định được diện tích rừng bị thiệt hại theo qui định tại điểm a mục này thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khi gây thiệt hại về lâm sản có giá trị từ trên ba mươi triệu đồng đến sáu mươi triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu.”
Khi thiệt hại được xác định vượt trên mức tiền qui định tại điểm b mục 3.4 Thông tư liên ngành số 19/TTLN ngày 08 tháng 3 năm 2007.
Cũng từ vấn đề trên, nghiên cứu kỹ điểm b mục 3.4 của Thông tư liên ngành số 19/TTLN chúng ta thấy rằng, việc Thông tư chỉ ấn định giá trị về lâm sản bị thiệt hại từ trên ba mươi triệu đồng đến sáu mươi triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh ….để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây thiệt hại theo khoản 1 .
Nhưng phần qui định các yếu tố định lượng để xác định thế nào là Gây hậu quả rất nghiêm trọng, Gây hậu quả đặt biệt nghiêm trọng nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm theo khoản 2 hay khoản 3 Điều 189 BLTTHS được hướng dẫn tại điểm c mục 3.5 và điểm c mục 3.6 Thông tư số 19/TTLN thì hoàn toàn không có qui định nào liên quan đến việc thiệt hại giá trị rừng vượt mức đã được định tại điểm b nói trên.
Nói rõ ràng rằng, khi thiệt hại từ 30 triệu đến 60 triệu đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, từ 50 đến 100 triệu đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh thì được xác định là Gây hậu quả nghiêm trọng và bị truy cứu theo khoản 1 Điều 189 BLHS, nhưng đối với thiệt hại trên 60 triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trên 100 triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh thì vẫn chỉ phải gọi là Gây hậu quả nghiêm trọng và truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 189 nếu không vi phạm những vấn đề qui định tại mục 3.5 và 3.6 của Thông tư liên ngành số 19/TTLN. Điều này dẫn đến thiếu tính công bằng và giảm hiệu quả giáo dục phòng ngừa tội phạm liên quan này.
Bởi lẽ, điều thứ nhất là việc giới hạn các mức 60 triệu và 100 triệu tại điểm b mục 3.4 của Thông tư liên ngành số 19/TTL là hoàn toàn không có giá trị thực tiễn, điều thứ hai là không cảnh tĩnh và tác động tích cực đến ý thức của người phạm tội trong việc ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả thiệt hại xảy ra.
Do vậy, trên cơ sở tính cấp thiết của vấn đề ngăn chặn các hành vi huỷ hoại rừng, bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại, theo chúng tôi, điểm c mục 3. 5 và điểm c mục 3.6 của Thông tư liên ngành số 19/TTLN cần sửa lại theo hướng xác định mức thiệt hại giá trị rừng từ trên 60 triệu đồng đến 300 triệu đồng(chẳng hạn) đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, từ trên 100 triệu đồng đến 500triệu đồng (chẳng hạn) đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh thì được coi là “Thiệt hại rất nghiêm trọng”, còn lại thiệt hại vượt mức số tiền ấn định trên thì được coi là “Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” để có thể xử lý người vi phạm theo khoản 2 hay khoản 3 Điều 189 BLHS thì mới đáp ứng được tính cấp thiết của xã hội đang cần, đảm bảo được tính công bằng trong áp dụng pháp luật nói chung.
Về việc áp dụng tình tiết tăng nặng: Xâm phạm tài sản của Nhà nước theo điểm i khoản 1 Điều 48 BLHS.
Khi xét xử các tội phạm liên quan đến việc khai thác và bảo vệ rừng nói chung, tội Huỷ hoại rừng theo Điều 189 BLHS nói riêng, hiện nay vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng thuộc điểm i khoản 1 Điều 48 BLHS.
Có quan điểm cho rằng, đặc thù của các tội phạm xâm hại đến việc quản lý và bảo vệ rừng là làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý chung của xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và các vấn đề khác mang tính vỹ mô đối với cuộc sống con người nên đương nhiên loại tội phạm này đã xâm phạm đến tài sản của nhà nước. Do vậy, khi xét xử loại tội phạm này không áp dụng tình tiết tăng nặng là Xâm phạm tài sản của nhà nước.
Tuy nhiên có quan điểm khác cho rằng, trong thời gian gần đây, việc nhà nước giao đất, giao rừng cho dân theo các chương trình của Chính phủ như chương trình 327 cũng như càng ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức phát triển kinh tế rừng.
Do vậy, các hành vi xâm hại đến quản lý, khai thác rừng thời gian gần đây và sau này sẽ trực tiếp xâm hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác mà không chỉ có nhà nước mới bị xâm hại. Do vậy, nếu rừng bị thiệt hại là thuộc quản lý của nhà nước thì đương nhiên khi xét xử vẫn phải ap dụng tình tiết tăng nặng là Xâm phạm tài sản của Nhà nước còn nếu rừng bị thiệt hại là của các nhân, tổ chức khác thì không áp dụng tình tiết tăng nặng này.
Theo chúng tôi, hành vi xâm phạm xác qui định của BLHS về các tội phạm thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng là xâm phạm hai quan hệ được luật hình sự bảo vệ, đó là sự quản lý của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ tính hiệu quả cao trong việc phòng ngừa thiên tai, hiểm hoạ từ thiên nhiên do diện tích rừng bị co hẹp, thứ hai là xâm hại đến quyền sở hữu của các chủ thể có rừng. Hơn nữa, bản chất của điểm i khoản 1 Điều 48 BLHS là đặt vấn đề tăng nặng trách nhiệm hình sự cho những ai xâm hại đến tài sản của nhà nước, nếu tình tiết đó không được xem là yếu tố để định tội như tội Tham ô tài sản….
Do vậy, chúng tôi mạnh dạng cho rằng cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm i Điều 48 BLHS đối với các tội phạm thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng nói chung, tội Huỷ hoại tài sản nói riêng đối với trường hợp rừng bị xâm phạm đang thuộc sở hữu của Nhà nước.