Mã ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đăng ký theo hệ thống ngành kinh tế việt nam ghi nhận tại phụ lục I quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. Đây là văn bản có giá trị độc lập không chịu tác động của việc luật doanh nghiệp năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2021 nên đồng thời là mã ngành kinh doanh năm 2023.
Đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành
Chủ doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thông báo sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh phải thực hiện việc đăng ký ngành nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam hiện hành, trong đó:
Đối với công ty thành lập trước 10/2018 có ngành nghề kinh doanh ghi nhận theo hệ thống mã ngành cũ phải đăng ký cập nhật lại mã ngành mới – Khi chưa cập nhật doanh nghiệp vào cổng thông tin quốc gia sẽ thấy hệ thống note đỏ các ngành nghề kinh doanh có mã ngành cũ.
Đối với doanh nghiệp hiện nay đang dự kiến thành lập thì phải đăng ký mã ngành nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam đã nêu. Đây cũng là lý do người soạn hồ sơ thành lập công ty phải thực hiện tra cứu mã ngành nghề kinh doanh trong hệ thống.
Khi soạn thảo ngành nghề kinh doanh các bạn có thể gặp một số vướng mắc như:
Một số ngành nghề chưa được quy định chi tiết trong mã ngành như: Buôn bán thiết bị phòng cháy chữa cháy, buôn bán thiết bị ngành dầu khí, .
Một số ngành nghề phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải liệt kê chi tiết nội dung kinh doanh do mã ngành cấp 4 khá chung chung.
Một số ngành nghề kinh doanh ghi theo chứng chỉ hành nghề, giấy phép con nên không đúng với nội dung mã ngành ghi nhận.
Công ty vốn nước ngoài có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khó áp ngành nghề vì mục tiêu dự án được cấp theo mã CPC quy định tại biểu cam kết WTO.
Ngày 06/07/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 27/2018/QĐ-Ttg chính thức ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8 năm 2018 thay thế hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cũ được ban hành theo quyết định 10/2007/QĐ-TTg. Ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam là tập hợp các hoạt động kinh tế giống nhau dựa trên 3 tiêu chí xếp theo thứ tự ưu tiên dưới đây:
Qui trình và công nghệ sản xuất của hoạt động kinh tế;
Nguyên liệu đầu vào mà hoạt động kinh tế sử dụng để tạo ra sản phẩm;
Đặc điểm của sản phẩm sản xuất ra của hoạt động kinh tế.
Các cấp ngành nghề theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Theo quyết định số 27/2018/QĐ-Ttg, danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp mã ngành:
Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 (bốn) trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Một số lưu ý khi đăng ký ngành nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm và phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
Doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tiếp tục hoạt động theo nội dung ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và không bắt buộc phải thực hiện thủ tục cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới. Việc cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới được thực hiện khi doanh nghiệp có nhu cầu hoặc khi doanh nghiệp thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một số ngành nghề đặc thù trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Ngành xuất nhập khẩu: trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam không có mã ngành xuất nhập khẩu bởi vì:
Doanh nghiệp Việt Nam được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Tuy không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh nhưng khi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động xuất nhập khẩu được ghi nhận thành ngành nghề theo hướng dẫn của văn bản quy định đến hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ tài chính: Hoạt động ngân hàng và hoạt động dịch vụ tài chính khác. Doanh nghiệp phải liên hệ Ngân hàng nhà nước để được cấp giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh trước khi đăng ký ngành nghề kinh doanh theo hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam.
Ngành độc quyền nhà nước: Đối với các ngành nghề thuộc hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam không thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nhưng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (20 ngành nghề) thì doanh nghiệp không được đăng ký các ngành nghề thuộc danh mục.
Cách ghi ngành nghề kinh doanh công ty sao cho chuyên nghiệp?
Ngành nghề luôn giúp đối tác xác định lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp do đó ghi ngành nghề kinh doanh khoa học sẽ giúp đối tác đánh giá doanh nghiệp tốt hơn. Một số lưu ý khi soạn thảo ngành nghề kinh doanh bao gồm
Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực nào thì ngoài việc thể hiện lĩnh vực đó trên tên công ty bạn cần đẩy các ngành nghề liên quan lên đầu danh sách để đối tác dễ nhận biết.
Doanh nghiệp nên xác định rõ các loại giấy phép con cần xin như về website, an ninh trật tự,… để đăng ký đủ các ngành nghề cần có khi xin giấy phép con.
Doanh nghiệp không nên đăng ký quá nhiều ngành nghề nhìn sẽ rối mắt bởi theo thủ tục đăng ký kinh doanh online bạn có thể ngồi nhà mà vẫn thực hiện được thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Danh sách ngành nghề kinh doanh công ty sẽ được hiển thị đúng theo nội dung khai báo trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nên người lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần tính toán và sắp xếp trước khi khai nộp hồ sơ. Thông thường do ngành nghề kinh doanh không còn hiển thị trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nữa nên ít doanh nghiệp quá quan tâm đến nội dung này.
Mã ngành kinh doanh xuất nhập khẩu là bao nhiêu?
Tra cứu hệ thống ngành kinh tế Việt Nam quý vị có thể nhận thấy không có cụm từ xuất nhập khẩu. Lý do như sau:
Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì hoạt động xuất nhập khẩu được coi là quyền của doanh nghiệp, doanh nghiệp được thực hiện hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu mà không phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp vốn nước ngoài thì hoạt động xuất nhập khẩu được ghi nhận thành ngành nghề theo hướng dẫn của nghị định 09/2018/NĐ-CP và sử dụng mã ngành 8299 để áp.
Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp Việt Nam nếu vẫn muốn ghi nhận cụm từ xuất nhập khẩu trong ngành nghề thì có thể sử dụng luôn mã 8299 để đăng ký hoạt động kinh doanh này. Ngành nghề chuẩn của doanh nghiệp sẽ như sau:
Ngành nghề xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp Việt Nam
Mã ngành 8299: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu
Chi tiết: Xuất nhập khẩu các mặt hàng công ty kinh doanh.
Ngành nghề xuất nhập khẩu đối với công ty có vốn nước ngoài
Mã ngành 8299: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu
Chi tiết: Thực hiện quyền xuất nhập khẩu hàng hóa theo quy định pháp luật.
Lưu ý khi chuyển đổi từ công ty Việt Nam sang công ty vốn nước ngoài doanh nghiệp cũng phải đăng ký lại ngành nghề kinh doanh phù hợp với quy định của công ty nước ngoài.
Một số câu hỏi khi áp mã ngành nghề theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Áp ngành nghề trong hồ sơ thành lập công ty theo mã ngành cấp mấy?
Doanh nghiệp áp mã ngành nghề kinh doanh theo mã ngành cấp 4 trong hồ sơ thành lập công ty, hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Có bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh chính hay không?
Khi doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty bắt buộc phải lựa chọn, kê khai trong hồ sơ nội dung ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Ngành nghề không có trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam có đăng ký được không?
Công ty được quyền đăng ký các ngành nghề không có trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc những ngành, nghề kinh doanh này đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó, trường hợp các ngành nghề chưa có trong quy định văn bản pháp luật mà không thuộc ngành nghề cấm cũng được xem xét ghi nhận đăng ký.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về hệ thống ngành kinh tế việt nam. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.