Điều 129 BLHS năm 2015 quy định Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Nghề nghiệp nhất định có một quy tắc hành nghề khác nhau. Quy tắc này giúp công việc trở nên đơn giản hơn, thời gian hoàn thành nhanh hơn.
Tuy nhiên đôi khi vì là công việc hàng ngày nên chủ thể thực hiện công việc chủ quan, thiếu coi trọng các quy tắc nghề nghiệp, hay chê các quy tắc hành chính quá rườm rà mà bỏ qua. Hậu quả của việc cẩu thả trên có thể ít hoặc nhiều và có thể dẫn đến hậu quả chết người. Do đó, pháp luật hình sự quy định điều luật riêng điều chỉnh hành vi này của con người.
ĐIỀU 129 BLHS NĂM 2015 QUY ĐỊNH THẾ NÀO
Điều 129 BLHS năm 2015 quy định Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau:
“1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
DẤU HIỆU PHÁP LÝ
Khách thể của tội phạm tại Điều 129 BLHS năm 2015
Thực chất Điều 129 BLHS năm 2015 quy định 02 tội phạm là vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp và vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính. Cả hai tội phạm này đều có hành vi của người coi thường các quy tắc được đặt ra, không tuân thủ theo những quy tắc đó, thực hiện một cách cẩu thả hoặc tin tưởng là hậu quả không xảy ra nhưng thực tế đã dẫn đến hậu quả chết người.
Tội phạm xâm phạm quyền sống của con người, đồng thời xâm phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính đã ban hành.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sống, quyền được Nhà nước bảo hộ về tính mạng của con người và quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính.
Mặt khách quan của tội phạm tại Điều 129 BLHS năm 2015
Hành vi khách quan của tội phạm tại Điều 129 BLHS năm 2015 hiện việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
– Những vi phạm quy tắc nghề nghiệp của người phạm tội là những vi phạm thuộc phạm vi một ngành, một nghề do Nhà nước quy định có tính chất nghiệp vụ để bảo đảm an toàn cho mọi người. Do làm một nghề mà nghề đó trực tiếp liên quan đến tính mạng của con người, nên phải tuân thủ những quy tắc an toàn, nếu vi phạm dễ dẫn đến chết người.
– Những quy tắc này có thể do các cơ quan hành chính Trung ương quy định như: Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, các ngành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị sản xuất quy định. Các quy phạm hành chính tương đối rộng, vì các quan hệ xã hội nếu không do các ngành luật khác điều chỉnh thì hầu hết do luật hành chính điều chỉnh. Ví dụ: một người chặt cây ở ven đường trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm đứt dây dẫn điện để người qua đường bị điện giật chết.
Tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người xảy ra. Người bị kết tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính khi hậu quả chết người với hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính có mối quan hệ nhân quả. Nguyên nhân của hậu quả chết người là do hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính tác động trực tiếp. Ví dụ vào mùa bão, anh A đang thực hiện tỉa bớt cành cây ở dải phân cách trục đường lớn theo chỉ thị của công ty cây xanh. Như bình thường, khi tỉa cây, người thực hiện phải đặt biển cảnh báo xung quanh cái cây đó để cảnh báo người điều khiến không đi vào khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên lần tỉa cây này, anh A cho rằng các cành cây cần tỉa khá nhỏ, không nguy hiểm và không đặt biển cảnh báo. Trong lúc anh A đang cắt tỉa, chị D điều khiển xe gắn máy đi ngay phía dưới, hậu quả là cành cây rơi đập trúng gáy của chị D khiến chị tử vong tại chỗ. Giữa hậu quả chị D chết và cành cây do anh A cắt tỉa có mối quan hệ nhân quả. Việc cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. Đây vừa là quy tắc nghề nghiệp đồng thời cũng là quy tắc hành chính được quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ năm 2010.
Chủ thể của tội phạm tại Điều 129 BLHS năm 2015
Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính tại Điều 129 BLHS năm 2015 được thực hiện bởi bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, chủ thể thực hiện tội phạm là bất kỳ người nào. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch.
Thứ hai, Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Khoản 2 Điều 12 quy định một số tội mà người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính tại Điều 129. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội vô ý làm chết người.
Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm tại Điều 129 BLHS năm 2015
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý. Theo Điều 11 Bộ luật hình sự, vô ý ở đây có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin.
Vô ý do cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Như vậy vô ý làm chết người do cẩu thả nên vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy tắc hành chính là trường hợp người phạm tội vì cẩu thả nên đã không nhìn thấy trước hậu quả chết người, bỏ qua việc áp dụng quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính mặc dù pháp luật yêu cầu họ phải tuân theo quy tắc đó và thấy trước hậu quả chết người nếu không tuân theo.
Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra. Từ đây, có thể hiểu vô ý làm chết người do quá tự tin nên vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy tắc hành chính là trường hợp người phạm tội hoàn toàn thấy trước được hậu quả chết người nhưng do chủ quan, quá tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra nên vẫn thực hiện hành vi đó mà ko áp dụng quy tắc, kết quả hậu quả chết người vẫn xảy ra.
HÌNH PHẠT ÁP DỤNG
Điều Điều 129 BLHS năm 2015 quy định 03 khung hình phạt đối với người phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau:
– Khoản 1 Điều 129 quy định khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung này áp dụng đối với trường hợp hành vi của người phạm tội vô ý làm chết 01 người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Theo phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật hình sự, người phạm tội theo Khoản 1 Điều 129 này thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.
– Khoản 2 Điều 129 quy định khung hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 12 năm áp dụng đối với trường hợp vô ý làm chết từ 02 người trở lên do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Theo phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật hình sự, người phạm tội theo Khoản 02 Điều 129 này thuộc loại tội rất nghiêm trọng.
– Khoản 3 Điều 129 quy định khung hình phạt bổ sung, người vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là một số nội dung Điều 129 BLHS năm 2015, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.