Các điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2022

các điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2022

Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được ban hành ngày 11/01/2022 và có hiệu lực thi hành ngày 01/03/2022. Những nội dung liên quan đến Luật Doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung đã có tác động đến nhiều khía cạnh hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhằm thích nghi điều kiện khách quan và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong thực tiễn thi hành.

Những điểm mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 bao gồm:

Quy định về thành viên công ty (Điều 49 và Điều 50).

Những sửa đổi này liên quan đến tên gọi các Điều 49, 50 Luật Doanh nghiệp 2020 (Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên (‘HĐTV’)) được sửa đổi như sau:

Sửa đổi, bổ sung tên điều và đoạn mở đầu khoản 1 Điều 49 như sau:

“Điều 49. Quyền của thành viên công ty

Thành viên công ty có các quyền sau đây:”.

Sửa đổi, bổ sung tên Điều 50 như sau:

“Điều 50. Nghĩa vụ của thành viên công ty”.

Có thể thấy, trong chế định về Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo LDN 2020 trước khi sửa đổi, khái niệm về HĐTV được quy định tại Điều 55, tức là sau quy định tại Điều 49, 50 về quyền và nghĩa vụ của “thành viên HĐTV”. Ngoài ra, trong điều khoản giải thích từ ngữ tại khoản 29 Điều 4 lại sử dụng thuật ngữ “thành viên công ty”. Việc quy định như vậy là chưa hợp lý về: (i) mặt kỹ thuật lập pháp: các thuật ngữ pháp lý cần được quy định theo trình tự và thống nhất, (ii) mặt nội dung: HĐTV tại khoản 1 Điều 55 bao gồm cả “người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức” nhưng đây không phải đối tượng được nhắc đến ở Điều 49, 50, mà tổ chức là thành viên của công ty mới là đối tượng điều chỉnh của điều luật.

Do vậy việc sửa đổi cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành cụm từ “thành viên công ty” nhằm đảm bảo tính thống nhất của Điều 49, 50 LDN 2020 với các quy định liên quan của Luật này.

Quy định về việc ký biên bản họp HĐTV/ Hội đồng quản trị (‘HĐQT’) (Điều 60, Điều 158)

Nội dung sửa đổi tại khoản 2, 3 Điều 60 (Biên bản họp HĐTV) và khoản 2 Điều 158 (Biên bản họp HĐQT) bao gồm:

Bỏ yêu cầu về chữ ký của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp HĐTV trong quy định về nội dung biên bản;

Quy định trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được đã tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họpký.

Bổ sung trách nhiệm liên đới của người ký biên bản họp Hội đồng quản trị (‘HĐQT’) và của cá nhân Chủ tọa, người ghi biên bản họp HĐTV/HĐQT đối với thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

Theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, để biên bản có hiệu lực trong trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký, thì phải có chữ ký của cả những thành viên không đồng ý thông qua biên bản họp. Tuy nhiên thực tế những thành viên này thường không hợp tác, không chịu ký tên vào biên bản họp dẫn đến biên bản không đảm bảo đủ nội dung chủ yếu theo quy định của Luật và không có hiệu lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền quyết định của HĐTV/Hội đồng quản trị trong điều hành, quản trị doanh nghiệp.

Do vậy, việc bổ sung và thống nhất các Điều 60, 168 về việc ký biên bản họp HĐTV/HĐQT theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc của hiệu lực biên bản vào chữ ký của người dự họp không đồng ý thông qua sẽ khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành ở trên.

Quy định về việc công bố thông tin báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp nhà nước (Điều 109)

Nội dung sửa đổi liên quan đến điểm d khoản 1 Điều 109 (Công bố thông tin định kỳ) như sau:

“d) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có); việc công bố phải thực hiện trước ngày 31 tháng 7 hằng năm”.

Trước đó, quy định trên của LDN 2020 được hướng dẫn tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ thì nghĩa vụ định kỳ công bố báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Quy nhiên, các quy định hiện hành về chế độ kiểm toán độc lập chỉ bắt buộc đối với báo cáo tài chính hằng năm (khoản 2 Điều 60 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; khoản 1 Điều 33 Luật Kế toán năm 2015 và Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011).

các điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2022
các điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2022

Do vậy, việc quy định bắt buộc kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm đã làm phát sinh thêm những chi phí vô lý, tốn kém thời gian cho doanh nghiệp, gián tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trên thực tế, đồng thời không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp. Vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh từ khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn thuộc mô hình công ty mẹ – công ty con và các công ty độc lập quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận.

Do vậy, việc bỏ quy định về bắt buộc kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp sẽ góp phần khắc phục những bất cập trên, tạo điều kiện cho số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo luật định.

Quy định về việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (‘ĐHĐCĐ’) (Điều 148)

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 148 (Điều kiện để nghị quyết ĐHĐCĐ được thông qua) được quy định theo hướng chủ thể có quyền quyết định việc thông qua một Nghị quyết ĐHĐCĐ bằng phương thức tán thành chuyển từ “cổ đông dự họp” thành “cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành”.

Thực tế, số lượng cổ đông đăng ký dự họp và số lượng cổ đông dự họp tham gia biểu quyết có thể không giống nhau, như trường hợp cổ đông đã đăng ký bỏ về giữa chừng. Thêm vào đó, theo Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khái niệm “cổ đông dự họp” chưa được quy định rõ dẫn đến thực tế các cổ đông không tham gia biểu quyết tại cuộc họp cũng được tính vào tổng số cổ đông để làm căn cứ xét tỷ lệ số phiếu biểu quyết biểu quyết. Bất cập này ảnh hưởng đến tính chính xác của việc thông qua nghị quyết ĐHĐCĐ.

Do vậy, việc quy định chỉ tính kết quả bỏ phiếu của “cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành” là hợp lý để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Quy định về điều khoản thi hành (Điều 217)

Khoản 5 Điều 217 (Điều khoản thi hành) được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 của Luật này nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Quy định trên của Luật Doanh nghiệp 2020 trước khi sửa đổi chưa xác định rõ hình thức của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, khoản 1 Điều 13 Nghị định định số 47/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiêu một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định hình thức này phải là “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp”. Thuật ngữ “quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước” ở đây có thể hiểu bao gồm cả hình thức công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ mà công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (theo khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020). Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang thực hiện sắp xếp doanh nghiệp thuộc Bộ theo hướng tổ chức lại các doanh nghiệp để hình thành mô hình công ty mẹ – công ty con. Trong đó, công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; các công ty con hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn do Công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ cũng được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, cách hiểu này có thể bị mâu thuẫn với các hình thức doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.

Để khắc phục những điểm chưa rõ ràng trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và phù hợp với thực tiễn, khoản 5 Điều 217 sửa đổi đã trực tiếp quy định hình thức của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là “doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”, thống nhất với văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ về tổ chức quản lý, hoạt động của nhóm doanh nghiệp này.

Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng

Theo đó, Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:

– Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về các điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2022. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139