Căn cứ pháp lý tại Điều 199 BLHS năm 2015
Điều 199 BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về cung ứng điện như sau:
“ 1. Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Dấu hiệu pháp lý tại Điều 199 BLHS năm 2015
Khách thể của tội phạm
“Cung ứng điện” là quá trình đáp ứng các nhu cầu về điện theo những điều kiện nhất định cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu sử dụng điện.
Vi phạm các quy định về cung ứng điện là hành vi của người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện mà cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định; từ chối cung cấp điện không có căn cứ; trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực cung ứng điện.
Đối tượng tác động của tội phạm này là nguồn điện (điện dùng cho sản xuất, sinh hoạt, trang trí, thắp sáng nơi công cộng…)
Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội vi phạm quy định về cung ứng điện gồm 04 hành vi: đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
Đóng điện, cắt điện trái pháp luật là trường hợp theo quy định phải thông báo về việc cắt điện trước khi cắt điện, nhưng chưa có thông báo hoặc không thông báo mà vẫn cắt điện. Việc thông báo cắt điện phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo đến tận người sử dụng điện.
Từ chối cung cấp điện không có căn cứ là trường hợp người sử dụng điện đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định nhưng không được cung cấp điện, lý do mà bên cung cấp đưa ra để từ chối việc cung cấp điện là không có căn cứ.
Trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng là trường hợp điện bị sự cố (mất điện), đã nhận được thông báo bị mất điện, có điều kiện để khắc phục sự cố nhưng không xử lý sự cố mà trì hoãn gây khó khăn cho người sử dụng điện.
Đối với tội vi phạm các quy định về cung ứng điện, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, thì người có hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện phải là người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hậu quả nghiêm trọng được quy định như sau:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm liên quan đến việc cung ứng điện mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm cung ứng điện không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn, mà họ còn có thể là những người khác được phân công làm nhiệm vụ cung ứng điện. Đối với người khác cũng có thể là chủ thể nhưng họ chỉ là đồng phạm trong vụ án có đồng phạm.
Đồng thời chủ thể của tội phạm phải đáp ứng điều kiện tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội vi phạm quy định về cung ứng điện phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội vi phạm quy định về cung ứng điện thực hiện hành vi của mình là do lỗi cố ý, có thể do lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của Nhà nước về cung ứng điện gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Hình phạt tại Điều 199 BLHS năm 2015
Điều 199 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
– Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 199 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.