Theo quy định của pháp luật về thuế thì việc nộp thuế thu nhập của cá nhân, tổ chức là một nghĩa vụ bắt buộc nộp cho cơ quan quản lý thuế.
Theo đó, luật quy định về hạn mức tiền lương, tiền của người lao động nhận được từ quá trình lao động phải nộp thuế và doanh nghiệp sử dụng lao động cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân và khai quyết toán thuế. Vậy thời hạn làm quyết toán thuế tncn hiện nay được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Khái niệm thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân (gọi tắt là thuế TNCN) là thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ theo quy định của pháp luật.
Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, thuế TNCN là thuế trực thu, theo đó nhà nước sẽ trực tiếp thu một phần thu nhập của người nộp thuế và đưa vào ngân sách. Vì vậy, người nộp thuế không thể chuyển giao các khoản thuế của mình sang cho người khác.
Thứ hai, việc đánh thuế TNCN thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần, có nghĩa là áp dụng các thuế suất tăng dần đối với các nhóm đối tượng chịu thuế hoặc toàn bộ đối tượng chịu thuế. Điều này nghĩa là thu nhập càng cao thì thuế suất sẽ càng cao.
Thứ ba, thuế TNCN luôn gắn với chính sách xã hội. Việc nộp thuế là để phục vụ cho ngân sách nhà nước, đóng góp vào các chính sách an sinh xã hội cũng như vì các mục đích công cộng.
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2012 (gọi tắt là Luật thuế TNCN) quy định:
“1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này”.
Căn cứ theo Điều 3 Luật thuế TNCN, thu nhập chịu thuế tóm tắt lại gồm: Thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhận thừa kế, thu nhập từ nhận quà tặng.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, thuế TNCN là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai, thuế TNCN giúp thực hiện công bằng xã hội, theo đó thuế TNCN chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp này, những người có thu nhập càng cao thì mức thuế TNCN áp dụng với họ càng cao.
Ngược lại, với những người có thu nhập thấp, chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết thì sẽ không phải chịu thuế TNCN.
Thứ ba, thuế TNCN góp phần phát hiện thu nhập bất hợp pháp. Thực tế đã chứng minh nhiều khoản thu nhập của một số cá nhân nhận được từ việc thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc bằng cách lợi dụng kẽ hở pháp luật như tham ô, buôn bán quốc cấm, trốn tránh nghĩa vụ thuế, nhân hối lộ…
Những hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế – xã hội. Vì vậy, thuế TNCN là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và chống lại hành vi trên.
Công thức và các bước tính thuế thu nhập cá nhân
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân
Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức sau:
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
+ Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
– Thu nhập chịu thuế được tính như sau:
+ Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn
Các bước tính thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào công thức tính thuế trên, để tính được số thuế phải nộp hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Xác định tổng thu nhập chịu thuế
Bước 2. Tính các khoản được miễn
Bước 3. Tính thu nhập chịu thuế theo công thức (3)
Bước 4. Tính các khoản được giảm trừ
Bước 5. Tính thu nhập tính thuế theo công thức (2)
Bước 6. Tính số thuế phải nộp theo công thức (1).
Theo đó, người nộp thuế áp dụng phương pháp tính thuế sau theo đúng đối tượng.
Hiện nay có 03 cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công áp dụng cho 03 đối tượng khác nhau, cụ thể:
– Tính theo biểu lũy tiến từng phần: Áp dụng đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên
– Khấu trừ 10%: Áp dụng đối với cá nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.
– Khấu trừ 20%: Áp dụng đối với cá nhân không cư trú, thường là người nước ngoài.
Như vậy, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.
Thời hạn khai thuế TNCN năm 2022
– Khai thuế theo từng lần phát sinh: Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế
Đối tượng: Cá nhân trực tiếp khai thuế hoặc tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.
– Khai thuế và nộp theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đối tượng: Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng (trừ trường hợp khai thuế theo từng lần, quý, năm)
– Khai thuế và nộp theo quý: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đối tượng:
+ Tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm.
+ Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý;
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
– Khai thuế theo năm: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính
Đối tượng: Thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp mà trong năm chưa khấu trừ do chưa đến mức phải nộp thuế nhưng đến cuối năm cá nhân xác định thuộc diện phải nộp thuế.
(Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
Thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2022
Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế như sau:
– Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.
– Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
Như vậy , đối với thu nhập của năm 2021 thì đầu năm 2022 thực hiện quyết toán theo thời hạn sau:
– Nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì thời hạn phải quyết toán thuế chậm nhất là ngày 31/3/2022.
– Nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế thì thời hạn quyết toán chậm nhất là ngày 30/4/2022.
Đối tượng được ủy quyền quyết toán thuế TNCN
Đối tượng được ủy quyền quyết toán thuế TNCN được quy định tại điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn 636/TCT-DNNCN ngày 12/03/2021.
Theo đó, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch.
Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
– Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định về quyết toán thuế đối với cá nhân.
Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thời hạn làm quyết toán thuế tncn Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.