Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe nhiều đến năng lực, về sự đánh giá năng lực giữa người này, người kia trong các lĩnh vực như công việc, học tập, lãnh đạo… Đặc biệt, chắc hẳn ai cũng từng nghe đến khẩu hiệu: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Vậy năng lực là gì?
Năng lực là gì?
Theo từ điển tiếng Việt: Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hành động nào đó. Năng lực là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao.
Từ điển năng lực của Đại học Harvard cho rằng, năng lực là những thứ mà một người phải chứng minh có hiệu quả trong:
– Việc làm
– Vai trò
– Chức năng
– Công việc
– Nhiệm vụ.
Còn theo từ điển tâm lý học, năng lực là tập hợp các tính chất hay phẩm chất của tâm lý cá nhân, đóng vai trò là điều kiện bên trong tạo thuận lợi cho việc thực hiện tốt một dạng hoạt động nhất định.
Theo từ điền này, năng lực thì không phải là một thuộc tính tâm lý duy nhất nào đó (ví dụ như khả năng tri giác, trí nhớ…) mà là sự tổng hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân. Đó là sự thống nhất hữu cơ đáp ứng được những yêu cầu hoạt động và đảm bảo hoạt động đó đạt được kết quả mong muốn.
Như vậy có thể hiểu năng lực là một đặc tính có thể đo lường được của một người về kiến thức, kỹ năng, thái độ… cũng như các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ. Năng lực là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác, cũng là một trong những thước đo để đánh giá các cá nhân với nhau.
Năng lực bao gồm: Các hành vi phù hợp với việc làm, động cơ, kiến thức/kỹ năng và được xác định thông qua kết quả về việc làm và vai trò công việc.
Cần phân biệt rõ năng lực và tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Nếu như năng lực là một tổ hợp phẩm chất tương đối ổn định, tương đối cơ bản của cá nhân, cho phép nó thực hiện có kết quả một hoạt động thì tri thức chỉ là những hiểu biết thu nhân được từ sách vở, từ học hỏi và từ kinh nghiệm cuộc sống của mình. Còn kỹ năng là sự vận dụng bước đầu những kiến thức thu lượm vào thực tế để tiến hành một hoạt động nào đó. Kỹ xảo là những kỹ năng được lắp đi lặp lại nhiều lần đến mức thuần thục cho phép con người không phải tập trung nhiều ý thức và việc mình đang làm.
Đăc đặc điểm của năng lực là gì?
Năng lực có thể được hình thành do tư chất tự nhiên của cá nhân. Tuy nhiên, năng lực phần lớn được hình thành‚ bồi đắp và có được qua quá trình học tập‚ rèn luyện tại cơ sở giáo dục, công sở; qua những trải nghiệm thực tế, nỗ lực học hỏi, luyện tập, trau dồi kiến thức trong cuộc sống thường ngày.
Mức độ năng lực là hoàn toàn khác nhau giữa mỗi người và phụ thuộc vào vốn sống‚ sự tiếp thu kiến thức, sự hiểu biết trong từng lĩnh vực của từng cá nhân.
Năng lực gắn liền với từng hoạt động cụ thể, được biểu hiện qua cách giải quyết công việc‚ học tập, thực hiện nhiệm vụ của mỗi người. Năng lực của một người khi trong các hoạt động là khả năng tự điều khiển, tự quản lý, tự điều chỉnh ở mỗi cá nhân, và nó được hình thành trong quá trình sống cũng như giáo dục của mỗi người.
Ngoài ra, năng lực cũng chịu sự chi phối‚ sự ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố như: con người‚ gia đình, môi trường làm việc‚ môi trường giáo dục…
Các yếu tố cấu thành năng lực gồm những gì?
Năng lực thường bao gồm các yếu tố: Thái độ, kỹ năng, khả năng, kiến thức.
Thái độ
Là cách nhìn nhận về công việc, về nhiệm vụ, về đồng nghiệp, về xã hội, cộng đồng của mỗi người. Từ thái độ sẽ chi phối đến cách ứng xử, hành vi và tinh thần trách nhiệm của cá nhân.
Kỹ năng
Là những hành động, thao tác được thực hiện thuần thục, mang tính ổn định qua quá trình tập luyện, vận dụng kiến thức nhằm thực hiện, hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể được giao.
Ví dụ như kỹ năng đánh máy vi tính; kỹ năng trình bày văn bản; kỹ năng sử dụng phần mềm nhân sự hoặc kế toán; kỹ năng viết kế hoạch và báo cáo…
Khả năng
Mô tả những khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc phát sinh trong thực tế.
Đây cũng là những phẩm chất và tố chất cá nhân mà công việc yêu cầu người thực hiện công việc cần có.
Ví dụ: khả năng chịu áp lực công việc; khả năng đàm phán và xử lý xung đột; khả năng hùng biện, khả năng sáng tạo…
Kiến thức
Là những thông tin, nội dung chuyên môn, phương pháp làm việc, quy định, quy trình, thủ tục… mỗi người cần hiểu và biết rõ để thực hiện tốt công việc được giao.
Ví dụ: kiến thức pháp luật về lao động, kiến thức về bảo hiểm xã hội, thủ tục hưởng chế độ ốm đau, quy trình tuyển dụng nhân sự…
Năng lực gồm những dạng nào?
Theo tâm lý học thì, năng lực có các dạng như năng lực chung và năng lực chuyên môn
– Năng lực chung: cần thiết cho nhiều ngành hoạt động khác nhau như năng lực phán xét tư duy lao động, khái quát hoá, tưởng tượng…
– Năng lực chuyên môn: là năng lực đặc trưng ở một trong những lĩnh vực nhất định của xã hội như năng lực tổ chức, năng lực kinh doanh, hội hoạ, âm nhạc, toán học…
Hai dạng năng lực chung và năng lực chuyên môn có mối quan hệ mật thiết. Năng lực chung chính là cơ sở là căn cứ của năng lực chuyên môn. Nếu năng lực chung phát triển thì càng dễ đạt tới năng lực chuyên môn.
Ngược lại, trong điều kiện nhất định, sự phát triển của năng lực chuyên môn sẽ tác động đến sự phát triển của năng lực chung.
Thực tế trong cuộc sống, đặc biệt là công việc, mỗi cá nhân đều có năng lực chung ở trình độ cần thiết, đồng thời có thêm năng lực chuyên môn tương ứng, phù hợp với công việc.
Vai trò của năng lực gồm những gì?
Người có năng lực thường được đánh giá rất cao trong các cơ quan, đoàn thể, trường lớp. Năng lực có vai trò rất quan trọng đối với một người gồm:
– Người nào có năng lực‚ có kiến thức‚ có kỹ năng cũng như trình độ chuyên môn trong công việc‚ trong một lĩnh vực nào đó thì sẽ giải quyết được những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện một cách nhanh chóng‚ dễ dàng và đạt hiệu quả cao.
– Người có năng lực thì sẽ được mọi người xung quanh kính trọng và dễ dàng được tuyển dụng, đánh giá cao.
Các yếu tố khi đánh giá bản chất của năng lực là gì?
Năng lực ở khía cạnh khác, còn được hiểu là việc tâm sinh lý của một người chi phối vào quá trình tiếp thu kiến thức, kỹ năng…người đó có thể dùng, vận dụng.
Việc tiếp thu nhanh hay chậm, nhiều hay ít trong bối cảnh như nhau giữa mỗi người là khác nhau.
Ví dụ, những loại hình nghệ thuật như thể thao, âm nhạc, hội họa…không phải ai cũng có năng lực giống nhau và chỉ những người có năng lực nhất định mới đạt được kết quả cao.
Như vậy, các yếu tố khi đánh giá bản chất năng lực như sau:
Có sự khác biệt giữa cá nhân mỗi người
Năng lực là sự khác biệt liên quan đến việc thực hiện cùng một hoạt động
Năng lực là cơ sở, nền tảng để việc tiếp thu các kỹ năng dễ dàng hơn
Năng lực được phát triển trong quá trình hoạt động, sinh sống, giao tiếp của con người
Năng lực trách nhiệm pháp lý là gì
Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng của cá nhân hay tổ chức gánh chịu hậu quả bất lợi, biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật.
Có thể hiểu Trách nhiệm pháp lí: là một loại quan hệ đặc biệt giữa nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm, trong đó nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật đối với chủ thể vị phạm pháp luật và chủ thể đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần do hành vi của mình gây ra.
Đối với tổ chức, năng lực trách nhiệm pháp lí xuất hiện từ khi có quyết định thành lập tổ chức và chấm dứt khi tổ chức đó giải thể. Đối với cá nhân, năng lực trách nhiệm pháp lí được pháp luật của Nhà nước ta quy định như sau: người từ đủ mười sáu tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, chịu trách nhiệm hành chính về mọi vì š phạm hành chính; người từ đủ mười bốn tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý, phải chịu trách nhiệm hành chính do cố ý thực hiện vi phạm hành chính. Ngoài điều kiện về độ tuổi, người có năng lực chịu trách nhiệm pháp lí phải là người có trạng thái thần kinh bình thường, không mắc bệnh tâm thần hay căn bệnh khác mà không điều chỉnh được hành vi của mình.
Trách nhiệm pháp lý còn là việc cá nhân, tổ chức cần phải thực hiện nghĩa vụ của mình trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ hành vi gây ra cá nhân, tổ chức phải gánh chịu trách nhiệm hình sự, hành chính và bồi thường dân sự.
Ví dụ: Sinh viên A sử dụng tài liệu làm bài thi khi Quy chế thi không cho phép nên bị Giám thị B lập biên bản vi phạm và ra Quyết định đình chỉ thi, như vậy có nghĩa là sinh viên A đã phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.
Ý nghĩa của trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý giúp ngăn ngừa, giáo dục và cải tạo những hành vi vi phạm pháp luật, chủ thể phải chịu hậu quả về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật trước pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý sẽ giáo dục mọi người có ý thức tôn trọng, chấp hành đúng theo quy định pháp luật.
Từ những quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý , mọi người dân có lòng tin và tin tưởng pháp luật.
Truy cứu trách nhiệm pháp lý
Truy cứu trách nhiệm pháp lý là một hoạt động thể hiện tính quyền lực của nhà nước do cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành nhằm cá biệt hoá bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.
Đây là hoạt động có trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ do pháp luật quy định để có thể bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật, tính chính xác của hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý, hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm có thể xảy ra, tránh hiện tượng oan sai, bỏ lọt vi phạm.
Do vậy khi thực hiện việc truy cứu trách nhiệm pháp lý thì các cơ quan nhà nước, các nhà chức trách có thẩm quyền phải tiến hành thu thập và xử lí thông tin một cách đầy đủ, chính xác, xem xét một cách toàn diện và kĩ lưỡng. Từ đó xác định sự thật khách quan của vụ việc, tiến hành so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng sao cho đúng chủ thể, đúng tính chất, mức độ vi phạm.
Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý sẽ dựa trên hành vi vi phạm, căn cứ vào hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi vi phạm gây ra, căn cứ vào lỗi của chủ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hội cho xã hội do hành vi đó gây ra,…
Trên đây là giải đáp về năng lực là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.