Cạnh tranh là khái niệm xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cuộc sống sinh hoạt đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, thể thao… Có nhiều định nghĩa cũng như cách hiểu khác nhau về cạnh tranh. Vậy mục đích cuối cùng của cạnh tranh là gì, có vai trò thế nào trong đời sống kinh tế – xã hội?
Cạnh tranh là gì?
Cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế nhằm giành lấy những vị thế tạo nên lợi thế tương đối trong sản xuất, tiêu thụ hay tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.
Trong Từ điển tiếng Anh thì cạnh tranh là “competition” có nghĩa là một sự kiện hoặc một cuộc đua, trong đó có sự ganh đua giữa các đối thủ để giành phần hơn hay ưu thế về phía mình.
Từ điển tiếng Việt giải thích “cạnh tranh” là cố gắng giành phần thắng, phần hơn về mình giữa những tổ chức, cá nhân hoạt động nhằm những lợi ích như nhau.
Cạnh tranh theo nghĩa kinh tế trong Từ điển tiếng Việt Bách khoa tri thức phổ thông là hoạt động tranh đua trong nền kinh tế nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh…
Còn theo từ điển kinh doanh, xuất bản ở Anh năm 1992 thì “cạnh tranh” là “sự ganh đua, kình địch giữa nhằm tranh giành cùng 01 loại tài nguyên sản xuất hoặc 01 loại khách hàng giữa các nhà kinh doanh trên thị trường.
Cạnh tranh được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, cũng có nhiều định nghĩa về cạnh tranh tuy nhiên, trong khoa học kinh tế cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm mục đích lôi kéo ngày càng nhiều khách hàng về phía mình.
Ví dụ về cạnh tranh
Sự cạnh tranh dường như xuất hiện nhiều giữa những người bán hàng với nhau, tuy nhiên cũng có khi xuất hiện giữa các người mua. Dưới đây là một số ví dụ về cạnh tranh.
Cạnh tranh giữa người bán với nhau
Là sự cạnh tranh giữa những người bán để giành khách về phía mình.
Ví dụ 1: Cùng một dãy phố có nhiều người cùng bán một loại thức ăn, để thu hút được khách, các chủ cửa hàng phải có bí quyết riêng trong cách nấu nướng, chế biến, gia vị, đa dạng món ăn… để thu hút đông khách đến quán mình.
Ví dụ 2: Trong chợ, có nhiều người bán quần áo, để thu hút khách hàng, chủ tiệm đầu tư nhập nhiều mẫu hàng đẹp, giá cả phải chăng, chế độ khuyến mại, phục vụ tốt…
Ví dụ 3: Hiện nay có rất nhiều thương hiệu trà sữa, nếu muốn có lượng khách ổn định, các thương hiệu phải nâng cao kĩ năng pha chế, chất lượng tốt hơn, nhiều loại thức uống ngon, nhiều topping mới, hàng quán đẹp, thái độ phục vụ chuyên nghiệp…
Cạnh tranh giữa người mua với nhau
Là sự cạnh tranh giữa các người mua để giành được phần mua khi cùng mua một món hàng.
Ví dụ: Có hai người đi chợ mua đồ Tết, họ nhìn thấy có một quả phật thủ rất đẹp, cả hai đều muốn mua về để thắp hương. Tuy nhiên chỉ có 1 quả nên cả hai đều đã nâng giá bán của quả Phật thủ lên để giành phần mua. Ai mua giá cao hơn thì sẽ được mua quả phật thủ đó.
Cạnh tranh giữa các ngành
Là sự cạnh tranh giữa các chủ doanh nghiệp trong ngành kinh tế khác nhau, nhằm giành lấy lợi nhuận lớn nhất.
Ví dụ: Hai ngành bảo hiểm và ngân hàng hiện đang rất cạnh tranh với nhau.
Trong đó các ngân hàng cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau về các hình thức cho vay vốn, gửi tiết kiệm, chuyển tiền,…
Các công ty bảo hiểm cũng cạnh tranh nhau về các gói bảo hiểm, mức bảo hiểm,…
Cạnh tranh trong nước với nước ngoài
Là sự cạnh tranh về mặt hàng, xuất khẩu giữa nước này với các nước khác.
Ví dụ: nước ta hiện đang xuất khẩu lương thực (chủ yếu là gạo) ra thị trường thế giới và phải cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu lương thực khác như Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ,…
Mục đích cuối cùng của cạnh tranh là?
Cạnh tranh là sự thi đua, đấu tranh giữa các cá nhân với nhau hoặc các cơ quan tổ chức với nhau để có thể đạt được ưu thế. Trong kinh doanh, khái niệm cạnh tranh được hiểu là sự ganh đua giữa các nhà kinh doanh về mặt kinh tế để có thể đạt được nhiều lợi nhuận bằng các phương thức khác nhau.
Các chủ thể kinh tế cạnh tranh nhau vì nhiều mục đích, có thể kể đến các mục đích như:
– Gây ảnh hưởng
– Giành uy tín cho doanh nghiệp hoặc có thể để phục vụ xã hội
– Có chỗ đứng trong thị trường, có nguồn nguyên liệu dồi dào, thu hút nhiều khách hàng… thuận lợi cho sự phát triển, đạt doanh thu cao
– Giành được nhiều lợi thế, tránh được các rủi ro, thiệt hại trong suốt quá trình kinh doanh
– Cạnh tranh là động lực để cá nhân, tổ chức phấn đấu, thay đổi, nỗ lực để phát triển. Cạnh tranh là động lực cho các doanh nghiệp tồn tại và kinh doanh tốt hơn, thúc đẩy việc mở rộng thị trường. Đó cũng là con đường để tồn tại, duy trì của doanh nghiệp
– Cạnh tranh cũng chính là động lực phát triển kinh tế thị trường, tạo ra sức ép đồng thời kích thích sự tìm tòi, sáng tạo và phát triển
Thị trường hội nhập cạnh tranh được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và coi trọng để phát triển kinh tế, phát triển các mối quan hệ xã hội, nâng cao hiểu biết toàn xã hội
Cạnh tranh tồn tại khi trên thị trường có quyền tự do hành xử và các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm khi tiến hành cạnh tranh giành cơ hội phát triển
Tính chất của cạnh tranh là gì?
Từ những thông tin chúng ta đã phần nào hiểu rõ cạnh tranh là gì, mục đích của cạnh tranh thế nào? Vậy tính chất của cạnh tranh chính là ganh đua giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất, kinh doanh để có thể giành những điều kiện thuận lợi về phía mình và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Chủ thể của cạnh tranh là các cá nhân, tổ chức có tư cách pháp lý độc lập.
Sự ganh đấu đó tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có những mức độ khác nhau, sự cạnh tranh có thể mang ý nghĩa tích cực, tuy nhiên cũng có lúc chúng mang tính tiêu cực.
Cạnh tranh chỉ diễn ra khi có sự ganh đua của ít nhất 02 chủ thể trở lên, đa phần là đối thủ của nhau. Nếu thị trường có tình trạng độc quyền, không có đối thủ thì không có sự cạnh tranh.
Các chủ thể kinh doanh khi tham gia thị trường luôn có sự ganh đua để có thể giành cơ hội tốt nhằm mở rộng thị trường.
Sự cạnh tranh thường diễn ra giữa các doanh nghiệp có chung lợi ích như: tìm kiếm thị trường để bán các sản phẩm cùng loại, cùng tìm kiếm nguồn nguyên liệu giống nhau để kinh doanh sản xuất…
Việc có chung lợi ích khiến các doanh nghiệp trở thành đối thủ của nhau.
Cạnh tranh là hoạt động tranh giành thị trường, lôi kéo khách hàng về phía mình của các chủ thể, vì vậy cạnh tranh chỉ diễn ra trong cơ chế thị trường và công dân có các quyền:
– Tự do kinh doanh
– Tự do thành lập doanh nghiệp
– Tự do tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh là gì?
Thị trường là cơ chế trao đổi giữa người mua và người bán về một loại hàng hoá hay dịch vụ. Giữa nhà cung cấp và khách hàng luôn thể hiện nhu cầu, lợi ích khác nhau.
Khách hàng luôn mong muốn mua được sản phẩm phù hợp nhu cầu nhất với giá rẻ nhất có thể. Nhà cung cấp thì lại mong bán được sản phẩm nhanh để thu được nhiều lợi nhuận, tiếp tục đầu tư sản xuất.
Chính vì nhu cầu, lợi ích khác nhau giữa khách hàng và nhà cung cấp chính là nguồn gốc tạo ra sự cạnh tranh, ganh đua giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường với mục đích tranh giành thị trường, lôi kéo khách hàng về phía mình.
Các chủ thể kinh doanh phải sử dụng các phương thức, thủ đoạn kinh doanh, còn gọi là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp để ganh đua với nhau.
Trong cuộc cạnh tranh, các chủ thể kinh doanh buộc phải sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất. Mỗi chủ thể có điều kiện sản xuất khác nhau, năng suất và chất lượng cũng khác nhau, dẫn đến sự cạnh tranh nhau về giá cả.
Kết quả cuộc cạnh tranh, có người thắng – kẻ thua. Người thắng sẽ mở rộng được thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận, có lượng khách hàng ổn định. Trái lại kẻ thua mất đi khách lạng và có thể phải rời khỏi thị trường đó.
Ngoài ra, do nền kinh tế tồn tại nhiều chủ sở hữu, là những đơn vị kinh tế độc lập, tự do sản xuất, kinh doanh nên nguồn cung trong thị trường tăng lên dẫn đến việc các chủ thể kinh doanh phải cạnh tranh tìm cho mình những lợi thế để có chỗ đứng trong thị trường.
Để giành lấy các điều kiện thuận lợi, tránh các rủi ro, bất lợi trong sản xuất – lưu thông hàng hóa, dịch vụ thì cạnh tranh giữa các chủ thể doanh nghiệp là điều tất yếu.
Đối thủ cạnh tranh là gì?
Nếu một người đang cố gắng đánh bại bạn trong một cuộc đua, người đó chính là đối thủ của bạn.
Thuật ngữ đối thủ cạnh tranh không chỉ sử dụng trong kinh doanh mà còn tồn tại trong thể thao, âm nhạc, giáo dục…
Trong kinh doanh, đối thủ cạnh tranh được hiểu là những cá nhân, tổ chức cùng kinh doanh một loại mặt hàng hoặc có cùng phân khúc khách hàng hoặc cùng đưa ra mức giá tương đồng với cùng loại sản phẩm.
Ai hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đều có đối thủ cạnh tranh và không có ai ngoại lệ, chỉ là khác nhau ở chỗ đối thủ nhiều hay ít, có thực lực mạnh hay yếu….
Xác định được đối thủ cạnh tranh chưa đủ, cần biết họ thuộc loại đối thủ nào trong 3 loại sau:
– Đối thủ cạnh tranh trực tiếp
Là các đối thủ cùng kinh doanh chung loại sản phẩm, cùng giá bán, có cùng phân khúc khách hàng, năng lực cạnh tranh cũng tương đương nhau.
– Đối thủ cạnh tranh gián tiếp
Các đối thủ không có cùng loại sản phẩm/dịch vụ nhưng cùng đáp ứng 1 nhu cầu của khách hàng.
Sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ gián tiếp gọi là sản phẩm/dịch vụ thay thế, có nghĩa nghĩa là chúng có thể thay thế nhau dù không cùng loại.
– Đối thủ tiềm năng
Là kiểu đối thủ có khả năng sẽ gia nhập cùng phân khúc thị trường và cạnh tranh trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại họ chưa gia nhập thị trường.
Lợi thế cạnh tranh là gì?
Lợi thế cạnh tranh chính là những yếu tố giúp một chủ thể kinh doanh nổi bật, nổi trội hơn các chủ thể kinh doanh khác hoạt động cùng ngành.
Khi sở hữu những lợi thế cạnh tranh, chủ thể kinh doanh có thể có một chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng, nhờ vậy chủ thể kinh doanh đó thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Các chủ thể kinh doanh thường phát triển lợi thế cạnh tranh của mình dựa vào các yếu tố: thương hiệu – tên tuổi, mạng lưới phân phối, sản phẩm/dịch vụ cung cấp.
Nếu doanh nghiệp đi sâu vào phân tích, tìm ra lợi thế của mình họ có thể tập trung phát triển thế mạnh của mình, tìm ra được các chiến lược quảng bá cũng như kế hoạch đầu tư phù hợp với những lợi thế đó.
Các hành vi cạnh tranh bị cấm tại Việt Nam là gì?
Điều 45 Luật Cạnh tranh đã quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Cụ thể:
– Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức:
+ Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin
+ Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh nhưng không được phép của chủ sở hữu thông tin
– Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ ngừng/không giao dịch với doanh nghiệp đó.
– Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính… của doanh nghiệp đó.
– Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
– Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức:
+ Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại,… mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
+ So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
– Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định…
Trên đây là các thông tin giải đáp cho mục đích cuối cùng của cạnh tranh là gì? Nếu bạn còn thắc mắc, vui lòng liên hệ với công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được giải đáp.