Khi một bên có nhu cầu khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai ra Tòa án thì việc đầu tiên cần làm là viết đơn khởi kiện. Nhưng để Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện; xử lý vụ án thì đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai phải đáp ứng được điều kiện cả về mặt nội dung và hình theo quy định của luật. Nếu bạn chưa rõ mẫu đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai như thế nào thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh.
Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai
Luật đất đai hiện nay chưa có quy định cụ thể về mẫu đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai. Tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp ranh giới đất đai nói riêng sẽ được áp dụng mẫu đơn khởi kiện số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP. Bạn đọc có thể tham khảo nội dung mẫu đơn khởi kiện tranh chấp sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Toà án nhân dân huyện X, tỉnh Y
Người khởi kiện: Nguyễn Thị A
Địa chỉ:……………………………………
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)
Người bị kiện: Nguyễn Thị B
Địa chỉ: ……………………………………
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)
Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)
Địa chỉ: ……………………………………
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: …………………(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử : …………………………………………(nếu có)
Yêu cầu Tòa án nhân dân huyện X giải quyết những vấn đề sau đây:
Tôi có diện tích đất 300m2 (Ba trăm mét vuông); thuộc thửa số 49; tờ bản đồ số 30 (Địa chỉ: thôn Q, xã R, huyện X, TP. P). Được UBND huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 93xxx ngày 08/12/2009; số vào sổ: 2xx/2xxx/QĐUB. Đến năm 2018 chủ sử dụng thửa đất liền kề là anh Lê Minh B đã xây dựng công trình nhà ở kiên cố; lấn sang một phần đất của tôi khoảng 1,7m chiều ngang và 18m chiều dài; tổng diện tích đất lấn chiếm rơi vào khoảng 30m2.
Sau khi phát hiện ra sự việc tôi đã nhiều lần liên hệ; thương lượng với anh B để yêu cầu trả lại diện tích đất đã bị lấn chiếm. Ngày 06/01/2021 UBND xã cũng đã tiến hành hòa giải nội dung tranh chấp đất đai giữa các bên nhưng không thành.
Nay nhận thấy hai bên không thể đạt được thỏa thuận với nhau nên tôi làm đơn khởi kiện này yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đông Anh buộc anh B trả lại diện tích đất đã lấn chiếm nêu trên. Giá trị quyền sử dụng đất bị lấn chiếm khoảng 760,000,000đ (Bảy trăm sáu mươi triệu đồng).
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến vụ việc của tôi, kính mong Tòa án xem xét giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm chứng (nếu có) ……………………………….…………
Địa chỉ: ……………………………….…………
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……………………………….………… (nếu có).
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có:
……………………………….…………
……………………………….…………
……………………………….…………
…..ngày… tháng … năm 20…
Người khởi kiện
(Ký, ghi rõ họ tên)
Cách viết đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai
Phần kính gửi:
Phần này ghi tên Toà án có thẩm quyền tiếp nhận đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào. Nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào.
Phần thông tin người khởi kiện:
Nếu người khởi kiện tranh chấp đất đai là cá nhân thì ghi đầy đủ họ tên, nơi cư trú. Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi thông tin của người đại diện hợp pháp của người đó. Nếu người khởi kiện tranh chấp đất đai là cơ quan, tổ chức thì ghi tên; địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; ghi rõ họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
Phần thông tin người bị kiện:
Nếu người bị kiện là cá nhân thì ghi đầy đủ họ tên; địa chỉ nơi cư trú. Nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên; địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; ghi rõ họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức bị kiện đó. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của bên bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú; làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của bên bị kiện.
Phần yêu cầu Tòa án:
Ở phần này trước tiên người khởi kiện cần trình bày qua về sự việc tranh chấp đất đai. Thời điểm diễn ra tranh chấp, nguồn cơn diễn ra tranh chấp đất đai. Nêu rõ vị trí cụ thể thửa đất đang tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp trước khi khởi kiện ra Tòa án đã diễn ra như thế nào? Quan điểm của các bên về thửa đất đang tranh chấp như thế nào? Để Tòa án có thể nắm được một cách khái quát nhưng vẫn đầy đủ về nội dung tranh chấp đất đai.
Phần danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện:
Kèm theo đơn khởi kiện tranh chấp đất đai phải có tài liệu; chứng cứ chứng nộp kèm để chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện tranh chấp đất đai ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào. Tài liệu nào là bản sao ghi ghi rõ bản sao; tài liệu nào bản chính thì ghi rõ là bản chính.
Phần ký tên, điểm chỉ của người viết đơn:
Cuối đơn khởi kiện tranh chấp đất đai cần có chữ ký; xác nhận của người làm đơn. Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ký xác nhận hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên; ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trình tự khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai
Hòa giải tranh chấp đất đai
* Hòa giải tự nguyện
Căn cứ khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, khi xảy ra tranh chấp đất đai các bên có thể tự hòa giải để giải quyết tranh chấp hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở. Nếu các bên hòa giải được thì kết thúc tranh chấp.
* Hòa giải bắt buộc
Khoản 2 và khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
“2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.”
Khi hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất tranh chấp thì kết quả được chia thành 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Hòa giải thành thì kết thúc tranh chấp
Trường hợp 2: Hòa giải không thành
Như vậy, tranh chấp đất đai (tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất) phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất. Đây là thủ tục bắt buộc vì nếu không hòa giải tại UBND cấp xã sẽ bị trả lại đơn khởi kiện hoặc UBND cấp huyện, cấp tỉnh sẽ từ chối giải quyết.
Lưu ý: Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất… thì không bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã.
Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Trường hợp 1: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có đất tranh chấp nếu đương sự có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp 2: Đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết như sau:
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có đất tranh chấp theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền, cụ thể:
+ Tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) giải quyết.
Nếu đồng ý thì kết thúc tranh chấp, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (khởi kiện hành chính).
+ Tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Án phí khi khởi kiện tranh chấp đất đai
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch (án phí là 300.000 đồng).
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Trên đây là một số thông tin về mẫu đơn khởi kiện tranh chấp ranh giới đất đai và một số vấn đề khác liên quan. Mong rằng đây sẽ là một nguồn tài liệu bổ ích có thể giúp Quý bạn đọc trong quá trình nghiên cứu và làm việc. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc để biết thêm nhiều thông tin, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.