Khi phát hiện một sự việc vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dân có quyền làm đơn trình báo công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Và một số vướng mắc khác liên quan sẽ được luật sư tư vấn cụ thể:
Những nội dung cần có của đơn trình báo mất tài sản
Hiện nay trong các quy định pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu đơn trình báo mất giấy tờ. Tuy nhiên vì đây là một loại văn bản dùng để trình báo với các cơ quan nhà nước nên khi trình bày cần phải đảm bảo sự nghiêm túc, đầy đủ nội dung nhưng vẫn ngắn gọn, đúng trọng tâm.
Nội dung đơn trình báo mất giấy tờ thường sẽ có các thành phần chính sau:
– Quốc hiệu, Tiêu ngữ;
– Ngày tháng năm viết đơn;
– Tên cơ quan nhận đơn;
– Thông tin cơ bản của người viết đơn như họ tên, phương thức liên lạc…;
– Nội dung trình báo: giấy tờ bị mất
– Chữ ký xác nhận của người làm đơn.
Mẫu Đơn trình báo công an
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
ĐƠN TRÌNH BÁO
Kính gửi: CÔNG AN …………………………………………….………………. (1)
Tôi tên là :………………………SĐT…………………………………………… (2)
CMND/CCCD số : ………………………………………………..…….………(3)
ĐKHKTT : …………………………………………………………..…………….(4)
Chỗ ở hiện tại : …………………………………………………………………………….(5)
Tôi làm đơn này xin trình báo với Quý cơ quan việc như sau:
…………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………….(6)
Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và gia đình, đồng thời, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến quyền tài sản của công dân, nay tôi đề nghị Qúy cơ quan xem xét các vấn đề sau đây:
1: …………………………………………………………………………………………….
2: ………………………………………………………………………………………….
3: …………………………………………………………………………………………….
4: …………………………………………………………………………………………. (7)
Xin chân thành cảm ơn.
Tài liệu kèm theo: (8) |
……, ngày …. tháng ….. năm…… Người làm đơn |
Hướng dẫn cách viết đơn
(1) Công an quận/huyện/xã/phường theo nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật
(2), (3), (4), (5) Họ tên, Số điện thoại, Số CMND/CCCD, địa chỉ hộ khẩu và nơi ở của người làm đơn trình báo
(6) Miêu tả chi tiết hành vi vi phạm, các mốc thời gian liên quan đến vi phạm, tên, địa chỉ người vi phạm (nếu có)
(7) Những yêu cầu của người trình báo với cơ quan công an. Chẳng hạn:
– Đề nghị xem xét hành vi vi phạm pháp luật của….
– Đề nghị xác minh người thực hiện hành vi vi phạm…
(8) Những chứng cứ kèm theo mà người trình báo có được như hình ảnh vi phạm, hợp đồng, cam kết…
Lưu ý:
– Thông tin ghi trong mẫu đơn nên thật chi tiết, chính xác, mạch lạc, rõ ràng thì quá trình giải quyết vụ việc sẽ diễn ra nhanh hơn và thuận lợi hơn.
– Nội dung sự việc nên trình bày theo trình tự thời gian.
– Cung cấp chi tiết thông tin người trình báo để cơ quan công an liên hệ lại dễ dàng khi cần.
– Người trình báo nên thực hiện nộp trực tiếp tại cơ quan công an để được thụ lý vụ việc sớm nhất, tránh thất lạc.
Gửi Đơn trình báo công an tại đâu?
Theo khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự như sau:
“4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt…”.
Như vậy, để đơn trình báo được giải quyết một cách nhanh nhất, khi phát hiện tội phạm và các hành vi phạm tội, người dân nên trình báo tại cơ quan công an cấp huyện nơi tội phạm xảy ra. Chẳng hạn, ông A có hộ khẩu thường trú tại Ninh Bình, đang sinh sống tại Đống Đa, Hà Nội. Tại nhà trọ ở Hà Nội, ông A bị mất trộm thì phải trình báo với cơ cơ công an quận Đống Đa để được giải quyết nhanh nhất.
Tuy nhiên, để việc phát hiện và xử lý tội phạm được thực hiện triệt để, Điều 145 Bộ luật này quy định trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Như vậy, người dân có thể gửi đơn trình báo tới công an viện kiểm sát các cấp, các địa phương. . Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Có được rút đơn trình báo công an không?
Trong một số trường hợp hoặc do 02 bên đã tự giải quyết được với nhau, hoặc do có nhầm lẫn trong việc tố cáo, người dân có nhu cầu rút đơn trình báo.
Nếu vụ việc trình báo có dấu hiệu hình sự thì Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy, chỉ các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự thì người trình báo mới được rút đơn. Các tội phạm hình sự khác dù rút đơn thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự.
Xin rút đơn trình báo công an như thế nào ?
Thưa Luật sư, người nhà em bị lừa bán sang trung quốc, và em đã viết đơn trình báo công an huyện về sự việc này, nhưng sau đó ít ngày thì Người nhà em trốn được, nay đã về nhà an toàn, và giờ em không muốn làm cho nhiều người biết đến chuyện này, làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình em, và em muốn hỏi giờ em xin rút đơn trình báo có được không và làm như thế nào ạ? Và em có phải chịu mất phí gì không ạ?
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:
“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
“Điều 150. Tội mua bán người
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, đối với tội Mua bán người thì không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự. Nên khi có căn cứ về dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành khởi tổ vụ án, lúc đó, bạn có rút đơn trình báo thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành giải quyết vụ án. Trong quá trình điều tra thì những người có liên quan có thể được triệu tập để cung cấp thông tin điều tra. Bạn có thể làm đơn xin rút đơn tố cáo, trong đó phải ghi rõ nguyên nhân rút đơn. Nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan điều tra vẫn tiến hành điều tra.
Nếu bạn không có lý do chính đáng hoặc tố giác sai sự thật thì tùy vào mức độ mà cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xử phạt.
Khi rút đơn tố giác tội phạm thì bạn không phải chịu phí.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về đơn trình báo công an. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.