Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án

Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án

Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án là gì? Vì sao cần xác định thẩm quyền về dân sự của Tòa án? Vụ việc dân sự là gì? Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự trong thẩm quyền về dân sự của Tòa án. Luật Trần và Liên Danh nghiên cứu và giải đáp cụ thể dưới đây:

Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án là gì?

Định nghĩa về thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của tòa án

Mỗi cơ quan nhà nước đều có thẩm quyền hoạt động trong một lĩnh vực nhất định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định. Các cơ quan này tuyệt đối không được phép hoạt động ra ngoài thẩm quyền của mình.

Phạm vi hoạt động và quyền năng pháp lý của các cơ quan nhà nước do pháp luật quy định được hiểu là thẩm quyền của các cơ quan nhà nước đó. Sự phân định thẩm quyền là điểu kiện cần thiết bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động bình thường, không chồng chéo lên nhau.

Tòa án là một bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước. Trong hệ thống cơ quan tư pháp của Việt Nam thì Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp chủ yếu, với chức năng, thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và các vụ việc khác mà pháp luật quy định để bảo vệ pháp luật và sự công bằng xã hội.

Như vậy, quyền xem xét giải quyết vụ việc hình sự, dân sự, hành chính và quyền ra các quyết định khi giải quyết vụ việc đó là nội dung quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành thẩm quyền chung của Tòa án.

Trong hệ thống tổ chức Tòa án Việt Nam vừa có các Tòa theo cấp hành chính và cũng có các đơn vị có các chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt đó là các Tòa chuyên về từng loại việc như các Tòa chuyên trách ỏ Tòa án nhân dân tối cao và cũng có Tòa được giải quyết tất cả các loại việc ví dụ như Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tốì cao. Do đặc thù về tổ chức hệ thống Tòa án nên quan niệm về thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự cũng có những điểm khác biệt.

Vì thế, khi nghiên cứu về thẩm quyền Tòa án phải tiếp cận dưới bốn góc độ đó là: thẩm quyền của Tòa án theo loại việc, thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử như thẩm quyền xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của Tòa án theo các cấp hành chính, lãnh thổ và thẩm quyền xét xử theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu.

Như vậy, thẩm quyền với nghĩa là quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề, do đó có thể định nghĩa thẩm quyền giải quyết các vụ việc về dân sự của Tòa án là quyền thụ lý xem xét ban hành các quyết định khi giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đặc điểm của thẩm quyền về dân sự của Tòa án là gì?

Khác với thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, hành chính là thể hiện quyền uy của Nhà nước là chủ yếu và tuân theo tố tụng hình sự, hành chính thì thẩm quyền về dân sự của Tòa án có những đặc điểm sau:

+ Phạm vi xem xét, giải quyết và ban hành quyết định của Tòa án được giới hạn bởi yêu cầu của đương sự. Tòa án không được quyền ra quyết định vượt quá yêu cầu của đương sự.

+ Tòa án phải tôn trọng quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt, tự nguyện không trái pháp luật của đương sự.

+ Thẩm quyền về dân sự của Tòa án được thực hiện theo pháp luật tố tụng dân sự.

Mục đích, ý nghĩa của việc xác định thẩm quyền của Tòa án

Hệ thống Tòa án không thể hoạt động có hiệu quả nếu không xác định rõ thẩm quyền theo loại việc, theo lãnh thổ và thẩm quyền của các cấp Tòa án. Hoạt động của bộ máy Tòa án sẽ rối loạn, chồng chéo lên nhau nếu không xác định thẩm quyền của các Tòa án một cách hợp lý. Vì vậy, việc xác định thẩm quyền của Tòa án một cách chính xác, thật sự khoa học sẽ tránh được sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa Tòa án với các cơ quan nhà nước khác, giữa các Tòa án với nhau, giữa các Tòa trong một Tòa án góp phần làm cho các Tòa án giải quyết đúng đắn, có hiệu quả các vụ việc dân sự, tạo điều kiện cho các bên đương sự tham gia tố tụng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tiết kiệm được thời gian, công sức, các chi phí, giảm bốt các phiền hà cho đương sự và cho cả Tòa án.

Việc xác định thẩm quyền một cách hợp lý, khoa học còn tạo điều kiện chọ các Thẩm phán tích lũy kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực mà Thẩm phán đảm nhận, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc dân sự.

Hiện nay, việc phân định thẩm quyền của Tòa án vẫn còn có điểm không hợp lý chưa tạo ra sự chuyên sâu cho các Thẩm phán, cũng như thực hiện nguyên tắc độc lập khi xét xử. Vì vậy, một trong những mục tiêu trong cải cách tư pháp hiện nay là tổ chức lại cơ cấu tổ chức Tòa án hợp lý hơn nữa, từ đó có cải tiến trong phân định thẩm quyền của Tòa án, xây dựng những Tòa chuyên biệt về từng loại vụ việc ở Tòa án các cấp là một việc cần thiết.

Vụ việc dân sự là gì?

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, v.v. trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 Nhà nước ta đã ban hành nhiều vặn bản pháp luật về tố tụng, trong đó có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (năm 1989), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (năm 1994), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các trạnh chấp lao động (năm 1996), Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (năm 1993) và Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài (năm 1995).

Các pháp lệnh này đã phát huy tối đa tác dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp và yêu cầu của các bên. Ở thời điểm các pháp lệnh này có hiệu lực chưa có khái niệm về việc dân sự và đương nhiên không có thủ tục cho loại việc này; cũng chưa có khái niệm về vụ việc dân sự.

Lúc đó, chỉ có khái niệm vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án kinh tế, vụ án lao động và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, các pháp lệnh này đã có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cho từng loại việc tương ứng. Các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án được quy định trong ba pháp lệnh nêu trên vừa có những điểm chung giống nhau, nhưng trong mỗi pháp lệnh lại có những quy định đặc thù rất khác nhau.

Qua thực tiễn cho thấy, có những điểm quy định khác trong các Pháp lệnh nói trên là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn nên rất khó áp dụng. Chúng ta đều biết, bản chất các tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp về lao động có cùng sự bắt nguồn từ dân sự, trong một số trường hợp việc phân biệt thẩm quyền giữa dân sự và kinh doanh, thương mại, lao động là rất khó khăn nên rất hay nhầm lẫn.

Hơn nữa, để đáp ứng sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đòi hỏi luật nội dung cũng như luật tố tụng phải có sự tương thích của pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, hoặc gia nhập.

Vì vậy, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định một thủ tục chung về việc giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh thương mại, về dân sự, hôn nhân và gia đình, về lao động và đồng thời Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 cũng quy định những điểm đặc thù cho mỗi loại việc một cách hợp lý. Trong đó có phân chia ra hai loại thủ tục đó là trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự).

Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án
Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án

Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì vụ việc dân sự được hiểu là các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và giạ đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Tại Bộ luật tố tụng dân dự năm 2015 quy định về vụ việc dân sự được giữ nguyên theo quy định của Bộ luật tố tụng năm 2004 sửa đổi.

Vụ việc dân sự là các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động được Tòa án thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục theo pháp luật tố tụng dân sự quy định trên cơ sở có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự

Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan tổ chức không có tranh chấp nhưng có yêu cầu tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó.

Vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định thì cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tiêu chí so sánh

Việc dân sự

Vụ án dân sự

Tranh chấp xảy ra

Không có tranh chấp.

Có tranh chấp xảy ra

Tính chất

Là việc riêng của cá nhân, tổ chức, không có nguyên đơn, bị đơn mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết, từ yêu cầu của đương sự, Tòa án công nhận quyền và nghĩa vụ cho họ.

Là vấn đề giải quyết tranh chấp về các vấn đề dân sự giữa cá nhân, tổ chức này với cá nhân, tổ chức khác; có nguyên đơn và bị đơn; Tòa án giải quyết trên cở bảo vệ quyền lợi của người có quyền và buộc người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.

Hình thức giải quyết của chủ thể

Yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự.

Khởi kiện tại tòa

Chủ thể

Cá nhân, tổ chức

Cách thức giải quyết của Tòa án

Xác minh, ra các quyết định, tuyên bố theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Kết quả giải quyết được tuyên bằng một quyết định.

Giải quyết tranh chấp bằng việc xét xử tại Tòa án theo các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm.

Kết quả giải quyết được tuyên bằng một bản án.

Trình tự, thời gian giải quyết

Trình tự giải quyết gọn gàng, đơn giản, thời gian giải quyết nhanh.

Giải quyết việc dân sự bằng việc mở phiên họp công khai để xét đơn yêu cầu.

Trình tự, thủ tục nhiều, phức tạp, chặt chẽ hơn giải quyết việc dân sự, thời gian giải quyết kéo dài.

Giải quyết vụ án dân sự phải mở phiên tòa.

Thành phần giải quyết

Thầm phán (có thể 1 hoặc 3 thẩm phán tùy tường vụ việc dân sự), Viện Kiểm sát, Trọng tài Thương mại (nếu yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài Thương mại Việt Nam giải quyết tanh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại)

Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Viện Kiểm sát.

Thành phần đương sự

Người yêu cầu và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Các đương sự không có sự đối kháng với nhau về mặt lợi ích

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn và bị đơn có sự đối kháng với nhau về mặt lợi ích

Phí, lệ phí

Lệ phí cố định (Khoảng 200.000 đồng)

Án phí được tính theo % giá trị tranh chấp

Ví dụ

Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật; Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tranh chấp về nuôi con.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua địa chỉ hotline của chúng tôi để được giải đáp và tư vấn hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139