Bạn sắp sang Mỹ du học? Hãy lưu ngay kinh nghiệm du học mỹ được đúc kết bởi các chuyên gia và các du học sinh đi trước. Đây đều là kinh nghiệm quý báu trong hành trình tiếp cận với môi trường giáo dục hàng đầu thế giới.
Chuẩn bị hành lý du học Mỹ gồm những gì?
1.1. Giấy tờ tùy thân
– Hộ chiếu còn hạn sử dụng
– Visa du học được dán vào hộ chiếu
– Thư của Đại sứ quán được dán vào hộ chiếu
– Thư mời của trường bản chính
– Vé máy bay
– Giấy khai sinh bản sao công chứng Tiếng Việt, Tiếng Anh
– Học bạ bản chính và bản sao công chứng Tiếng Việt, Tiếng Anh
– Bằng tốt nghiệp ĐH, Cao đẳng, THPT bản chính và bản sao công chứng, bạn sẽ cần khi xin học cao hơn
– CMTND hoặc thẻ căn cước; bạn có thể cần phải chứng minh nhân thân trong một số trường hợp không có đủ giấy tờ chứng minh khác ở Mỹ.
1.2. Vật dụng mang theo khác
Quần áo trang phục
Quần áo, giày dép, phụ kiện: Ngoài những loại quần áo phông, quần jean thông thường, bạn cần chuẩn bị quần áo rét loại dày ấm, chống tuyết chống thấm chuyên dụng khi ra nước ngoài. Bạn nữ thì nên có 1,2 bộ áo dài, nam thì chuẩn bị 1,2 bộ vest. Giày dép cũng nên chuẩn bị khoảng 10 đôi đủ thể loại (bốt cao cổ, giày thể thao, giày cao gót, xăng đan, giày chuyên dụng đi tuyết…). Bạn cũng đừng nên quên các phụ kiện như khăn len, mũ, găng tay, tất.
Kính mắt: Nếu bạn bị các tật khúc xạ thì nên chuẩn bị 2,3 chiếc kính để đề phòng bị vỡ hoặc hỏng. Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị 1,2 chiếc kính râm nữa nhé.
Đồ dùng học tập
Máy tính cá nhân, từ điển, các loại bút bi, bút đánh dấu, bút xóa, compa v.v là những vật dụng nên có vì những thứ này ở bên Mỹ khá đắt.
Thức ăn dự phòng
Thực phẩm: Ngoại trừ mì gói là cần thiết cho những ngày đầu mới sang thì tất cả những loại thực phẩm khác bạn không nên mang theo.
Đồ dùng nhà bếp hay các loại gia vị cũng không cần thiết. Chỉ nên cân nhắc đến những vật dụng này khi chắc chắn rằng hành lý còn thiếu nhiều kg theo tiêu chuẩn.
Một số đồ dùng điện tử
Các loại đĩa CD, DVD, phần mềm không có bản quyền: Bạn có thể gặp rắc rối với hải quan nếu họ phát hiện bạn có những vật này trong hành lý. Tốt nhất là bạn copy hết vào ổ cứng, USB thì sẽ an toàn hơn.
Laptop, máy ảnh: Nếu bạn chưa có những vật dụng này thì tốt nhất là nên qua Mỹ rồi hãy mua vì giá cả không đắt mà còn có chế độ bảo hành phòng khi hỏng. Còn nếu đã có rồi thì nên cân nhắc nếu cần tiết kiệm chi phí thì bạn nên mang đi còn nếu không thì sang Mỹ mua mới.
Làm gì khi đi máy bay?
2.1. Hành lý xách tay
Bạn có thể mang 2 túi xách hoặc ba lô không vượt quá 7kg và gọn nhẹ và phù hợp với chuẩn kích thước theo quy định của hãng hàng không. Lưu ý, trong hành lý xách tay bạn không được mang theo các loại chất lỏng như nước, sữa rửa mặt, hay các loại kem thoa… bạn nên bỏ vào hành lý gửi, nếu không sẽ bị tịch thu tại sân bay. Ngoài ra, cần phải lưu ý là không được phép bỏ vào hành lý xách tay những đồ vật sắc nhọn như dao, bấm móng tay, kéo, quẹt ga.. sẽ bị tịch thu.
2.2. Một số mẹo khi đóng gói hành lý ký gửi
Quá trình bay từ Việt Nam qua Mỹ, bạn sẽ phải đổi chuyến bay ít nhất một lần, và do vận chuyển đường dài, với trọng lượng lớn nên lời khuyên là bạn nên chọn mua một chiếc vali thật tốt, chắc chắn. Đừng tiếc tiền mua vali của Trung Quốc rẻ tiền, nhưng dễ bị rách, hỏng quai, hỏng khóa. Trong quá trình đi lại, mà vali bị rách, hỏng thì sẽ rất phức tạp, tốn thời gian và rất mệt mỏi.
Do vali có kích thước giới hạn mà bạn phải mang theo rất nhiều thứ như vậy việc đóng gói cũng cần phải có một số mẹo. Đối với quần áo mỏng, thay vì gấp như bình thường thì cuộn tròn lại giúp tiết kiệm nhiều diện tích để nhét vào các khe vali khi đã đóng gói các thứ khác xong. Về nguyên tắc, thì một lớp quần áo ở dưới đáy balô để tránh va đập cho những đồ đạc khác bên trong khi vận chuyển, sau đó là các vật dụng cần mang theo, tránh những loại vật dụng chất lỏng, có mùi có thể dây ra quần áo trong quá trình vận chuyển. Sau cùng lại là một lớp quần áo để chống va chạm. Bạn có 2 vali, thì nên đóng 1 vali quần áo và vật dụng, còn vali còn lại đóng thức ăn và các vật dụng còn lại khác. Lý do là vì khi tới sân bay, hải quan có thể sẽ yêu cầu bạn mở vali ra để họ kiểm tra an ninh. Do vậy, nếu bạn đóng thức ăn chung với vali quần áo, sau khi dỡ ra đóng lại sẽ rất là phức tạp.
Lưu ý nữa là bạn nên viết một mẩu giấy chắc chắn dán hoặc gắn bên ngoài vali, ghi rõ tên, và địa chỉ của bạn ở Mỹ để trong trường hợp vali bị thất lạc thì việc tìm lại được hành lý sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Bạn có thể buộc vào vali một cái dây, hay cái vòng gì đó có màu sắc đặc biệt để dễ dàng phân biệt vali của mình với vali của người khác khi nhận lại hành lý ở sân bay.
2.3. Lưu ý khi khai báo hải quan khi nhập cảnh Mỹ
Khi bạn nhập cảnh vào Mỹ, hải quan sân bay sẽ hỏi bạn mang theo những gì trong hành lý. Như đã nói ở trên, họ không cho phép mang theo các sản phẩm làm từ thịt, mặc dù vậy rất nhiều du học sinh Việt Nam vẫn mang theo ruốc (hay miền Nam gọi là chà bông) sang để ăn.
Thông thường, khi nhân viên hải quan họ hỏi là có mang thịt không? Các bạn thường nói dối là không, nhưng nếu họ kiểm tra hành lý mà phát hiện ra bạn mang theo thịt, ruốc hay bất cứ sản phẩm nào từ thịt thì bạn sẽ có thể bị phạt 2.000 USD. Với khoản tiền phạt đó, thử tính xem bạn sẽ mua được bao nhiêu ruốc ở Mỹ.
(Ví dụ: vẫn mang ruốc thịt lợn như bình thường, nhưng khi đóng gói bạn cho vào trong túi ruốc một cái nhãn mác có hình con tôm to đùng. Như thế, khi nhân viên hải quan Mỹ kiểm tra, họ nghĩ đây là sản phẩm làm từ tôm, mà tôm và các loại hải sản thì không bị cấm).
Lời khuyên của tôi khi khai báo với hải quan Mỹ là bạn nên thành thật, đừng có nói dối để tránh bị phạt. Xin lưu ý, cán bộ hải quan ở Mỹ không thể “linh hoạt” theo kiểu cán bộ hải quan ở Việt Nam. Và bạn cũng đừng nghĩ tới việc “hối lộ” để họ bỏ qua chuyện đó. Nếu bạn thật sự muốn mang theo ruốc, bạn có thể sử dụng “chiêu” ở trên, rất hiệu quả…Quá trình khai báo hải quan cũng không có gì phức tạp.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, an ninh sân bay của nước Mỹ được thắt chặt, quá trình kiểm tra phức tạp và cẩn thận hơn trước. Bạn cứ tuân thủ theo yêu cầu của nhân viên hải quan. Nếu có thắc mắc bạn có thể đặt câu hỏi. Nên khai báo thành thật để tránh rắc rối.
Trong trường hợp gặp vấn đề với hải quan, bạn có thể liên lạc với gia đình, người bảo hộ hay đại diện trường để họ có thể can thiệp giúp. Trước khi rời khỏi sân bay sau khi làm thủ tục hải quan, nhớ kiểm tra lại một lần nữa giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, visa, các form xem còn thiếu hay thất lạc không.
Chỗ ở khi du học Mỹ
3.1 Ký túc xá
Ký túc xá thường được xây dựng gần những khu vực ăn uống tự phục vụ và các khu ẩm thực khác. Trường cao đẳng và đại học tại Mỹ thường rất linh hoạt trong việc sắp xếp việc ăn uống tại trường của sinh viên, sinh viên có thể chọn trả tiền trước cho bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Hầu hết trường học đều cho phép sinh viên trả trước một khoản tiền ăn vào đầu khóa học. Giá mỗi loại thực phẩm sẽ được khấu trừ vào số tiền đã đóng. Vì vậy, trước khi nhập học, sinh viên nên điền chi tiết lựa chọn ăn uống của mình vào tập hồ sơ được phát.
Chuyển vào ký túc xá vô cùng đơn giản: kết nối điện thoại và hệ thống điện đã được chuẩn bị sẵn để sử dụng. Mỗi trường cao đẳng và đại học Mỹ sẽ có chính sách riêng về việc chi trả phí điện thoại đường dài, sinh viên cần nắm vững những chính sách này trước khi nhập học.
3.2 Homestay
Homestay là một lựa chọn khả thi cho học sinh dưới 18 tuổi, đặc biệt là khi họ lo lắng về việc phải rời nhà và sinh sống ở một vùng đất xa lạ. Khi ở homestay, học sinh sẽ được sắp xếp sống chung với một gia đình người Mỹ và vị trí của gia đình đó chỉ cách khuôn viên trường 20-45 phút di chuyển. Học sinh sẽ có phòng riêng và được cung cấp những bữa ăn dinh dưỡng.
Sống với một gia đình Mỹ cho phép học sinh được hòa nhập vào văn hóa Mỹ. Học sinh sẽ có cảm giác thoải mái như ở nhà và tận hưởng không khí gia đình ấm áp.
3.2 Căn hộ riêng
Thuê một căn hộ
Sinh viên nên hỏi thăm bạn bè bản xứ về những căn hộ cho thuê hoặc tìm đọc quảng cáo trên những tờ báo địa phương (Chủ nhật thường có nhiều danh sách căn hộ cho thuê hơn những ngày khác trong tuần). Nếu tất cả những cách trên đều không hiệu quả, sinh viên cần liên hệ với những trung tâm môi giới bất động sản. Tuy vậy, hãy thận trọng với các chi phí không rõ ràng của loại dịch vụ này.
Trước khi ký hợp đồng thuê hoặc đồng ý thuê một căn hộ, cần dành thời gian tham quan khu vực để xác định mức độ an toàn và tiện nghi (đến trường có gần không? Xung quanh có tiệm tạp hóa nào không). Đọc kỹ hợp đồng thuê trước ký kết. Sinh viên sẽ phải lưu ý rằng nhiều công ty môi giới cho thuê bất động sản không thuộc quyền sở hữu của họ, do đó, họ không có trách nhiệm trong trường hợp bị mất trộm hoặc vì lý do gì đó căn nhà bị phá hủy. Do đó, sinh viên nền cân nhắc việc mua “bảo hiểm cho người thuê nhà”. Nếu sinh viên không hiểu phần nào trong bản cam kết, hãy hỏi lại chủ thuê, bạn bè hoặc văn phòng sinh viên quốc tế để được giải đáp.
Phương tiện đi lại Mỹ
Việc chọn lựa phương tiện giao thông nào để di chuyển còn tùy thuộc vào vị trí của ngôi trường bạn học nằm ở đâu. Các phương tiện giao thông phổ biến ở Mỹ như: Xe đẹp, xe bus, taxi, xe lửa và tàu điện ngầm…
Xe đạp
Còn điều gì tuyệt hơn khi tham quan khuân viên trường hay dạo chơi ngắm cảnh khu vực bạn sống bằng một chiếc xe đạp. Bạn sẽ dễ dàng sở hữu một chiếc xe đạp vì giá của nó khá rẻ. Việc đạp xe cũng giúp bạn rèn luyện được sức khỏe và tinh thần của mình.
Xe bus
Nhắc đến xe buýt thì không thể không kể đến cái tên Greyhound – hãng vận tải bằng có quy mô trải dài trên tất cả hệ thống giao thông ở Mỹ. Xe buýt là phương tiện di chuyển công cộng được nhiều học sinh lựa chọn nhất vì chỉ tốn một khoản rất nhỏ mà có thể đi một chặng đường dài. Nhiều người đã chọn xe buýt là phương tiện để đi du lịch đó đây.
Nếu bạn đang theo học tại các thành phố lớn thì hệ thống xe buýt rất rộng rãi, có nhiều chuyến xe di chuyển liên tục. Ngược lại, ở các vùng ngoại ô thì xe buýt sẽ không chạy thường xuyên. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị cho mình một phương tiện “sơ cua” khi không thể đón được xe buýt.
Hầu hết các hệ thống xe buýt ở Mỹ đã cung cấp các ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép các bạn theo dõi lịch trình hoạt động.
Xe lửa và tàu điện ngầm
Tàu điện ngầm là phượng tiện bạn có thể dễ dàng tìm thấy khi học tại các thành phố lớn như: Boston, New York, Chicago,.. Có lẽ bạn sẽ muốn làm quen với nó vì có khả năng đây là phương tiện phổ biến nhất để di chuyển.
Mặc khác, nếu bạn có ý định đi du lịch đâu đó ở Mỹ thì Xe lửa là sự chọn lựa tốt nhất. Chắc chắn giá vé xe lửa sẽ cao hơn so với xe buýt nhưng thời gian di chuyển được rút ngắn lại rất nhiều.
Những điều cần làm để thích nghi với môi trường mới
– Học tập tốt chính là điều quan trọng nhất đối với các bạn du học sinh tại Mỹ: Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả, hòa nhập vào môi trường mới và những định hướng tương lai cũng vô cùng quan trọng. Để thành công trong học tập cũng như công việc sau này, du học sinh đòi hỏi phải có kiến thức vững vàng và đặc biệt phải có khả năng hòa nhập tốt tại Mỹ. Rất nhiều du học sinh gặp vấn đề trong việc thích ứng với môi trường học tập mới dẫn tới nhiều hậu quả xấu như kết quả học tập không tốt hay thậm chí là phải bỏ dở việc học hành về nước.
– Ham học hỏi, sẵn sàng lắng nghe, chủ động đưa ra ý kiến tranh luận là một số những thói quen du học sinh nên sử dụng để thích ứng tốt với môi trường học tập tại Mỹ.
– Thay đổi một số thói quen thời gian trong sinh hoạt hàng ngày. Trong môi trường học tập cũng như sinh hoạt ở Mỹ, trễ thời gian là một điều rất khó để chấp nhận được. Đi học đúng giờ, nộp bài tập trước hạn được giao là 02 trong số nhiều thói quen phải thực hiện được để có thể tồn tại trong xã hội Mỹ.
– Chủ động tìm tòi, học hỏi văn hóa Mỹ: Mỹ là quốc gia đa sắc tộc cùng với nền lịch sử và văn hóa rất hấp dẫn. Chính vì lẽ đó khá nhiều bạn du học sinh cảm thấy bị lạc lõng trên nước Mỹ rộng lớn. Bổ sung những kiến thức về văn hóa Mỹ qua trường lớp, phim ảnh và bạn bè hay tham gia những câu lạc bộ trong và ngoài trường là những điều nên làm để làm quen và thích nghi với văn hóa Mỹ.
Đây là những kinh nghiệm du học Mỹ cơ bản bạn cần biết để tham khảo trước khi lên sân bay. Chúc các em có trải nghiệm thú vị với đất nước Mỹ nhé!