Quy trình bầu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khoá mới như thế nào? Cần lưu ý điều gì? hình thức bầu cử nhân sự các cấp trong tổ chức đoàn TNCS Hồ Chí Minh là?
Quy trình bầu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khoá mới như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục X Hướng dẫn 66-HD/TWĐTN-BTC năm 2021 thì quy trình bầu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khoá mới thực hiện như sau:
Bước 1: Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày Đề án xây dựng Ban Chấp hành khóa mới. Đại hội thảo luận Đề án (có thể thảo luận theo tổ hoặc theo đoàn đại biểu về yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành) và biểu quyết thông qua Đề án Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.
Bước 2: Đại hội tiến hành ứng cử, đề cử nhân sự bầu vào Ban Chấp hành Đoàn khoá mới (có thể ứng cử, đề cử tại tổ thảo luận). Danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành khóa mới số dư tối đa do đại hội quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu.
– Danh sách ứng cử viên do Ban Chấp hành Đoàn đương nhiệm chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội.
– Đại hội thảo luận và biểu quyết lập danh sách bầu cử.
Bước 3: Đoàn Chủ tịch lập danh sách bầu cử, lấy ý kiến biểu quyết của Đại hội thông qua danh sách bầu cử; chuẩn bị phiếu bầu theo các mẫu phiếu bầu trong Đại hội Đoàn các cấp kèm theo Hướng dẫn này (Phiếu có đóng dấu của cấp triệu tập đại hội ở góc trái phía trên).
Bước 4: Bầu Ban Kiểm phiếu. Ban Kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, nguyên tắc bầu cử, điều kiện trúng cử; hướng dẫn cách bỏ phiếu; kiểm tra, niêm phong thùng phiếu; phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu).
Bước 5: Đại hội tiến hành bầu cử; Ban Kiểm phiếu kiểm tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về báo cáo Đại hội.
Bước 6: Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu; lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo Đoàn Chủ tịch; công bố kết quả bầu cử. Khuyến khích Đại hội Đoàn cấp tỉnh sử dụng phần mềm kiểm phiếu.
Bước 7: Đại hội biểu quyết thông qua kết quả bầu cử.
Trong quy trình bầu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khoá mới cần lưu ý điều gì?
Cũng theo quy định tại tiểu mục 1 Mục X Hướng dẫn 66-HD/TWĐTN-BTC năm 2021 có nêu một số lưu ý như sau:
– Đối với trường hợp đoàn viên không phải là đại biểu đại hội, tự ứng cử vào Ban Chấp hành Đoàn từ cấp huyện và tương đương trở lên phải gửi hồ sơ tự ứng cử đến Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc Đại hội. Hồ sơ ứng cử gồm có:
+ Đơn xin ứng cử;
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và nhận xét của Ban Chấp hành Đoàn cấp cơ sở nơi đoàn viên đang sinh hoạt;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe.
– Đối với trường hợp đề cử nhân sự không phải là đại biểu Đại hội, người đề cử phải gửi hồ sơ nhân sự được đề cử cho Đoàn Chủ tịch để Đoàn Chủ tịch báo cáo trước Đại hội. Hồ sơ đề cử gồm có:
+ Văn bản đề cử;
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nhân sự được đề cử;
+ Nhận xét của Ban Chấp hành Đoàn cấp cơ sở nơi nhân sự được đề cử đang sinh hoạt;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe của nhân sự được đề cử và ý kiến đồng ý của người được đề cử bằng văn bản.
– Trường hợp tổng số ứng cử viên trong danh sách (gồm nhân sự do Ban chấp hành Đoàn đương nhiệm đề cử; do đại biểu đại hội đề cử và đại biểu tự ứng cử) nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch giải quyết theo trình tự sau:
+ Trao đổi để nắm nguyện vọng của các đại biểu được đề cử, ứng cử tại đại hội. Nếu các đại biểu được đề cử, ứng cử tại đại hội xin rút tên và tổng số ứng cử viên trong danh sách không vượt quá số dư 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.
+ Sau khi trao đổi với các đại biểu được đề cử, ứng cử tại đại hội nhưng tổng số đại biểu nêu trong danh sách bầu cử vẫn nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội đối với những người được đề cử và ứng cử tại đại hội (không lấy ý kiến đối với các nhân sự do Ban Chấp hành đương nhiệm giới thiệu).
Trường hợp cần thiết, Đoàn Chủ tịch lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được đề cử, ứng cử tại đại hội và căn cứ kết quả tín nhiệm, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử đảm bảo có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.
Trường hợp cuối danh sách lấy phiếu tín nhiệm có nhiều người có số phiếu bằng nhau mà số dư nhiều hơn 30% thì lấy phiếu tín nhiệm đối với những người có số phiếu bằng nhau, lựa chọn theo số phiếu tín nhiệm từ cao xuống thấp để lập danh sách bầu cử đảm bảo có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.
Có bao nhiêu đơn vị được bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội Đoàn?
Theo tiết 2.1 tiểu mục 2 Mục X Hướng dẫn 66-HD/TWĐTN-BTC năm 2021 có quy định về tỷ lệ đơn vị được bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội Đoàn như sau:
– Đối với Đại hội Đoàn cấp tỉnh: Trung ương Đoàn lựa chọn, chỉ đạo ít nhất 15% tổng số đoàn cấp tỉnh bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội sau khi có sự thống nhất của cấp ủy cùng cấp.
– Đối với Đại hội Đoàn cấp huyện và tương đương: Ban Thường vụ tỉnh đoàn lựa chọn, chỉ đạo ít nhất 20% tổng số đoàn cấp huyện và tương đương bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội sau khi có sự thống nhất của cấp ủy cùng cấp.
– Đại hội Đoàn cấp cơ sở: Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội phấn đấu tỷ lệ trên 60% đoàn cấp cơ sở, trong đó: Phấn đấu trên 90% đoàn cấp cơ sở thuộc khối trường học; doanh nghiệp; công chức, viên chức; lực lượng vũ trang và ít nhất 05% khối địa bàn dân cư.
Ý nghĩa Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh 26/03?
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930). Mùa xuân năm 1931 Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 họp từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931, Trung ương Đảng đã dành một ngày trong thời gian Hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng.
Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (họp từ ngày 22 đến 25/3/1961 tại Hà Nội) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã nhiều lần thay đổi tên gọi:
– Từ 1931 – 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
– Từ 1937 – 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
– Từ tháng 11/1939 – 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
– Từ tháng 5/1941 – 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
– Từ ngày 25/10/1956 – 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
– Từ tháng 2/1970 – tháng 11/1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh
– Từ tháng 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Như vậy, ngày 26/03 hằng năm là Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Đây cũng là ngày nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Điều 1 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định thì Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thanh niên Việt Nam:
– Tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc;
– Có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực;
– Tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, hoạt động xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết với thanh niên;
– Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn.
Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh không được quá bao nhiêu tuổi?
Yêu cầu về độ tuổi đối với Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được quy định tại Điều 4 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như sau:
Điều 4
Đoàn viên quá 30 tuổi, chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.
Đoàn viên quá 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.
Đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng đoàn phí ba tháng trong một năm mà không có lý do chính đáng thì hội nghị chi đoàn xem xét, quyết định xóa tên trong danh sách đoàn viên và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp.
Đoàn viên danh dự là những người thực sự tiêu biểu, là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi noi theo, có tâm huyết và có nhiều đóng góp với Đoàn, có uy tín trong thanh thiếu nhi và xã hội. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định việc kết nạp đoàn viên danh dự.
Đoàn viên được trao Thẻ đoàn viên và có trách nhiệm sử dụng, quản lý thẻ đúng quy định. Đoàn viên có hồ sơ cá nhân theo mẫu thống nhất áp dụng trong toàn Đoàn, do Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở quản lý.
Theo quy định, Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quá 30 tuổi thì chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn.
Nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn thì chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.
Trường hợp Đoàn viên quá 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.
Như vậy, độ tuổi tối đa đối với Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là không quá 35 tuổi.
Trường hợp Đoàn viên được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cơ quan nào?
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được quy định tại khoản 2 Điều 5 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như sau:
Điều 5
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ:
Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đoàn viên ở cấp ấy. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành do đại hội Đoàn cùng cấp bầu ra; giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban Thường vụ do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do Đại hội cấp đó quyết định theo Hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ không quá một phần ba số lượng Ủy viên Ban Chấp hành. Ở cấp Trung ương, số lượng Bí thư Trung ương Đoàn không quá một phần ba số lượng Ủy viên Ban Thường vụ.
Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.
…
Như vậy, theo quy định, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đại hội đại biểu toàn quốc.
Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đoàn viên ở cấp ấy.
Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành do đại hội Đoàn cùng cấp bầu ra;
Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban Thường vụ do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về hình thức bầu cử nhân sự các cấp trong tổ chức đoàn TNCS Hồ Chí Minh là? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.