Hiện nay, nguyên tắc một vợ một chồng được xem là nguyên tắc hàng đầu trong chế độ hôn nhân gia đình tại Việt Nam. Vậy nên, những hành vi ngoại tình, xâm phạm đến chế độ một vợ, một chồng đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hiện nay xã hội đã có nhiều cái nhìn thoáng hơn đối với giới tính thứ ba thì vấn đề về ngoại tình với người cùng giới lại được nhiều người quan tâm. Liệu rằng ngoại tình với người cùng giới có vi phạm pháp luật hay không? Trong bài viết này, Công ty Luật Trần và Liên Danh sẽ giải đáp những thắc mắc về vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng cho bạn đọc.
Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là gì?
Vi phạm chế độ một vợ, một chồng là việc nam, nữ đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc tuy chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ.
Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Khách thể:
Tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thể hiện ở hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.
– Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng.
– Người chưa có vợ, có chồng là người chưa kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hoặc đã từng kết hôn nhưng đã chấm dứt quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật.
Hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn với người khác là hành vi của người đang có vợ, có chồng mà lại đăng ký kết hôn với người khác (người đã có chồng, có vợ hoặc chưa có chồng, có vợ) tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng với người khác (người đã có chồng hoặc có vợ hoặc chưa có chồng, có vợ).
Hành vi của người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ là hành vi của người chưa có vợ, chưa có chồng mà tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng với người biết rõ là đang có chồng hoặc có vợ.
Khoản 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 của bộ tư pháp – bộ công an – toà án nhân dân tối cao – viện kiểm sát nhân dân tối cao số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Tuy nhiên, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…
– Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà còn vi phạm, nếu trước đó đã bị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS.
Mặt chủ quan:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể là người đang có vợ, có chồng hoặc chưa có vợ, có chồng.
Hình phạt đối với tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
– Khung hình phạt tại khoản 1:
Người phạm tội bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
– Khung hình phạt tại khoản 2:
Người phạm tội bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
Đây là trường hợp phạm tội mà hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả là vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên thực hiện hành vi tự sát. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Ngoại tình với người cùng giới có vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng không?
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào định nghĩa thế nào là ngoại tình nhưng qua thực tế có thể thấy ngoại tình được hiểu là một người đã kết hôn nhưng lại có quan hệ tình cảm, chung sống như vợ chồng với người khác,…
Có thể nói, ngoại tình không những trái với đạo đức xã hội mà còn vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.
Trong những trường hợp ngoại tình thông thường, nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ một chồng thì có thể bị xử lý hình sự. Vậy ngoại tình với người cùng giới tính có vi phạm pháp luật?
Đối với vấn đề này, hiện nay có hai luồng quan điểm như sau:
Thứ nhất, ngoại tình với người cùng giới vi phạm pháp luật.
Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác…”. Theo đó, “người khác” ở đây không phân biệt nam hay nữ, hay bất kỳ giới tính nào khác nên ngoại tình với người cùng giới vẫn có thể bị xử lý hình sự.
Thứ hai, ngoại tình với người cùng giới không vi phạm pháp luật.
Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” nên việc kết hôn với người khác theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là không thể xảy ra. Đồng thời, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới cũng rất khó chứng minh. Vì vậy, ngoại tình với người cùng giới không vi phạm pháp luật.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên đối với hai luồng quan điểm trên vẫn chưa thể đưa ra kết luận quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai.
Đây là một vấn đề cần được các nhà làm luật quan tâm hơn nữa bởi lẽ khi mà xã hội phát triển, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền về giới tính cũng càng được tôn trọng và bảo vệ nhiều hơn.
Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng phạt thế nào?
Thưa luật sư, Hai vợ chồng em lấy nhau được 7 tháng thì chồng em đi ngoại tình sống chung với một người khác tên là Hồng chưa có gia đình. Biết chồng em có gia đình nhưng Hồng vẫn sống cùng với chồng em.
Hiện tại em vẫn đang ở nhà chồng, còn chồng em khoảng 4 tháng nay sống chung với người đó và đòi ly hôn. Chồng em chỉ về nhà tắm rồi lại đi làm và lên đó ngủ sống ở đó.
Vậy luật sư tư vấn giúp em xem người đàn bà tên Hồng đó và chồng em có vi phạm luật hôn nhân và gia đình hay không? Nếu vi phạm thì mỗi người bị phạt mức nào? Cho e hỏi công an có quyền được vào kiểm tra giấy tờ của họ hay không để xem họ có sống hợp pháp không? Và mức phạt là như thế nào? Ví dụ trong trường hợp lúc 7h công an và kiểm tra mà chồng em nói là vào chơi như vậy có kết luận được gì hay không? Xin Luật sư tư vấn giúp em với!
Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Vi phạm chế độ một vợ một chồng là việc một người đã có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ có chồng mà lại cố tình chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ có chồng.
Việc chung sống này có thể công khai hoặc không công khai, nhưng phải thể hiện ở các dấu hiệu như:
Thời gian chung sống với nhau tương đối dài; có tài sản chung; đã có con chung với nhau; được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng… Đối với trường hợp này, chồng bạn và cô gái tên Hồng đã chung sống với nhau như vợ chồng.
Như vậy là trái với nguyên tắc một vợ một chồng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Về hình thức xử phạt, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Về trách nhiệm hành chính: căn cứ Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình , thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp hợp tác xã, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;….”
– Về trách nhiệm hình sự:
Theo Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm theo Khoản 1 Điều 182; hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo Khoản 2 Điều 182 nói trên.
Về phần những thắc mắc sau của bạn thì chúng tôi cũng xin trả lời rằng công an không có quyền kiểm tra giấy tờ cũng như đưa ra phán quyết rằng họ sống chung có hợp pháp hay không nên những giả thuyết mà bạn đưa ra sẽ không xảy ra trên thực tế.
Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
– Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Trên đây là bài viết vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của Luật Trần và Liên Danh. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.