Mức xử phạt xe vi phạm lỗi quá tải

Mức xử phạt xe vi phạm lỗi quá tải

Lỗi quá tải là một lỗi rất thường gặp với các xe chở hàng hóa và theo quy định của pháp luật hiện nay mức phạt tiền đối với lỗi này rất nặng. Vậy, mức quá tải trong từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử phạt như thế nào? Mức xử phạt xe vi phạm lỗi quá tải? Luật sư tư vấn và giải đáp cụ thể:

Tải trọng của đường bộ là gì?

Theo Điều 4 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT thì tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế.

– Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế tổng trọng lượng xe qua cầu theo quy định về báo hiệu đường bộ.

– Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế trọng lượng trên trục xe theo quy định về báo hiệu đường bộ.

Điều kiện để xe quá tải trọng của đường bộ được phép lưu hành

Căn cứ Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

Điều 11 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ như sau:

– Việc lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình đường bộ.

– Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, người vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ phải thực hiện các quy định sau:

+ Có Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành xe.

– Xe chở hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe không được phép lưu hành trên đường bộ.

Dựa vào quy định trên, xe quá tải trọng của đường bộ được phép lưu hành trên đường mà không bị xử phạt khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Có Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ do cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng. 

Mức xử phạt xe vi phạm lỗi quá tải
mức xử phạt xe vi phạm lỗi quá tải

Lưu hành xe quá tải trọng của đường bộ bị xử phạt thế nào?

Điều 33, 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường (theo tỷ lệ quá tải trọng) như sau:

Mức quá tải

Mức phạt với lái xe

(người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm)

Mức phạt với chủ xe 

(giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm)

10 – 20%

04 – 06 triệu đồng

(Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

06 – 08 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 – 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe

(Điểm d khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

20 – 50%

13 – 15 triệu đồng

(Điểm a khoản 4 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

28 – 32 triệu đồng đối với cá nhân, 56 – 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe

(Khoản 13 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Trên 50%

40 – 50 triệu đồng

(Điểm a khoản 5 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

70 – 75 triệu đồng đối với cá nhân, 140 – 150 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe

(Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

* Lưu ý: Quy định xử phạt trên không áp dụng đối với trường hợp lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Mức phạt quá tải 150% đối với xe tải là bao nhiêu?

Thưa luật sư, Cho em hỏi. Bạn em chạy xe 15 tấn. Bị phạt quá tải trọng 150% thì đóng phạt bao nhiêu ạ? 

Luật sư trả lời:

Với vấn đề bạn đang gặp phải chúng tôi xin được tư vấn như sau :

Khoản 8 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải như sau:

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%;

b) Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%

Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt theo điểm a, khoản 12 Điều 30 Nghị định 100/2019/ND-CP:

– Tỉ lệ quá tải trên 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.”

Nếu bạn vừa là chủ phương tiện, đồng thời là người điều khiển xe thì bạn sẽ bị xử phạt với mức phạt đối với chủ phương tiện từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng kèm theo hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 đến 05 tháng.

Mức xử phạt xe tải bị vi phạm quá tải trọng 30-50%?

Kinh thưa luật sư, luật sư cho tôi xin hỏi: tôi là chủ xe và lái xe luôn, bị vi phạm quá tải trọng từ 30-50% đối với xe trên 5 tấn thì hình thức phạt bổ sung là bao nhiêu tiền ?

Mong luật sư tư vấn giúp, Tôi xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Trước hết, hành vi vi phạm chở vượt quá trọng tải từ 30%-50% bị phạt tiền như sau:

* Đối với người điều khiển xe:

– Người điều khiển phương tiên vượt quá trọng tải từ 30%-50% bị xử phạt tiền ở mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP

“Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%;”

* Phạt tiền đối với chủ xe:

– Đối với chủ xe với tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP

“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm d khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm d khoản 5 Điều 24 Nghị định này;”

Chở hàng hóa quá tải phạt bao nhiêu tiền ?

Thưa quý công ty. Tôi đi chở hàng thuê cho một công ty khi chở hàng thì trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe thì trọng tải hàng hóa là 2 tấn 500kg. Khi đang tham gia giao thông trên đường thì đột nhiên bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để cân trọng tải của xe và yêu cầu xuất giấy tờ. Khi cân trọng tải hàng hóa thì ra kết quả trọng tải hàng hóa là 2 tấn 700 kg?

Vậy Luật sư cho tôi hỏi cảnh sát giao thông yêu cầu tôi dừng xe và kiểm tra giấy tờ là đúng hay sai?

Tôi có bị phạt vì chở hàng hóa quá tải không?

Luật sư trả lời

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông thì việc cảnh sát giao thông được dừng phương tiện trong các trường hợp sau:

“2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.”

Vây, ngoài các trường hợp nêu trên thì việc dừng phương tiện đều trái quy định của pháp luật. Vậy khi đang vận tải trên đường thì cảnh sát giao thông muốn dừng phương tiện để kiểm tra trọng tải hàng hóa thì phải có căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên. Vậy, dựa vào thông tin bạn cung cấp thi chúng tôi chưa thể kết luận rằng việc cảnh sát giao thông dừng xe là đúng hay sai.

Thứ hai: Về vấn đề chở hàng quá tải

Căn cứ theo khoản 2 Điều 24 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì:

“2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng;

b) Chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe;

c) Chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy;”

Vậy, trong trưởng hợp này thì trọng tải hàng hóa vượt là 8% thì đối chiếu theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi này không bị xử phạt hành chính vì hàng hóa vượt trọng tải trên 10% mới bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về mức xử phạt xe vi phạm lỗi quá tải. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139