Đối với các trường hợp người để lại di sản mất mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, pháp luật hiện hành quy định cụ thể về các hàng thừa kế. Tuy nhiên, trong quá trình phân chia di sản vẫn xảy ra các trường hợp tranh chấp đất đai thừa kế, do đó để hạn chế các tranh chấp và đảm bảo quyền lợi của những người được hưởng thừa kế có thể liên hệ với đội ngũ Luật sư của chúng tôi để được tư vấn chi tiết nhất về thủ tục giải quyết tranh chấp.
Tranh chấp đất đai là gì?
Ngay từ văn bản luật đầu tiên về đất đai là Luật Đất đai 1987 đã đề cập đến tranh chấp đất đai nhưng chỉ khi Luật Đất đai 2003 được ban hành mới có định nghĩa cụ thể về tranh chấp đất đai. Nội dung này được Luật Đất đai hiện hành kế thừa, cụ thể khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”.
Tranh chấp đất đai theo quy định trên có phạm vi rất rộng (tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đất đai). Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ theo quy định trên sẽ rất khó trong việc áp dụng pháp luật, nhất là khi khởi kiện về tranh chấp đất đai thừa kế.
Như vậy, cần hiểu tranh chấp đất đai với phạm vi hẹp và cụ thể hơn, đó là tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới do hành vi lấn, chiếm… (căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP).
Lý do phải hiểu rõ tranh chấp đất đai
Vì chưa được quy định cụ thể nên nhiều trường hợp người sử dụng đất không biết cách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc thậm chí có số ít cơ quan nhà nước áp dụng không đúng quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
Dưới đây là một số lý do cần hiểu rõ tranh chấp đất đai là gì, cụ thể:
Giúp người dân biết rõ thủ tục khi giải quyết tranh chấp
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu muốn khởi kiện hoặc đề nghị UBND cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết tùy thuộc từng trường hợp).
Nói cách khác, nếu không hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn tại nơi có đất sẽ không được khởi kiện luôn tại Tòa án hoặc không được đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.
Được khởi kiện luôn tại Tòa án nếu là những tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất (tranh chấp đất đai thừa kế) như:
Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất;
Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê lại quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tranh chấp chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.
Khi từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp Sổ đỏ
Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất thì cơ quan tiếp nhận có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).
Quy định này có tác động như sau:
Đối với người đề nghị cấp Giấy chứng nhận: Chỉ khi nào bên kia gửi đơn khởi kiện tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất tại Tòa án hoặc UBND cấp có thẩm quyền và cơ quan này gửi văn bản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ mới bị từ chối tiếp nhận; nếu không vẫn phải tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định.
Đối với người muốn ngăn cản người khác được cấp Giấy chứng nhận phải gửi đơn khởi kiện cho Tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế sau khi hòa giải không thành tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Có thể lựa chọn hình thức giải quyết (không phải kiện)
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất mà không thành thì được giải quyết như sau:
Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết như sau:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh hoặc cấp huyện tùy theo chủ thể tranh chấp).
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai thừa kế. Việc phân định thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ tranh chấp dựa trên căn cứ tại các Điều 35, Điều 37, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Với các yêu cầu giải quyết tranh chấp mà tài sản thừa kế là đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất,… thì tài sản đó ở đâu sẽ do Tòa án cấp huyện nơi đó giải quyết. Các trường hợp khác (tài sản là động sản) sẽ do Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn hoặc nguyên đơn (nếu các bên có thỏa thuận bằng văn bản) giải quyết.
Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tranh chấp có nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp.
Thủ tục khởi kiện tranh chấp thừa kế về đất đai
Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản, tranh chấp quyền thừa kế đất đai là một trong những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Về thẩm quyền giải quyết theo phân cấp thẩm quyền: Toà án nhân dân cấp quận (huyện, thành phố trực thuộc tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản. Trường hợp tranh chấp về thừa kế tài sản có yếu tố nước ngoài như có đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc về Toà án nhân dân cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương).
Về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ: Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết có thể là Toà án có trụ sở ở một trong các địa điểm lãnh thổ sau
Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc;
Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân
Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Về trường hợp người chết không để lại di chúc mà chỉ di chúc bằng miệng không có người làm chứng cho nên phần di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định như sau:
“Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Về hàng thừa kế theo Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, việc phân chia di sản khi không có di chúc được phân chia theo quy định của pháp luật, được gọi là thừa kế theo pháp luật. Trường hợp, 02 người đều cùng thuộc một hàng thừa kế, sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Việc khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu)
– Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, để xác định diện và hàng thừa kế.
– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
– Bản kê khai di sản;
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
– Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (Nếu có)
Bước 2: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền (trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp Huyện
Bước 3: Sau khi nhận đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án.
Như vậy, nếu muốn đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong việc phân chia di sản thừa kế, giải quyết các tranh chấp đang xảy ra thì cần tiến hành nộp đơn, thu thập chứng cứ gửi đến Tòa án nơi có thẩm quyền để được giải quyết, nhận phần di sản thừa kế mà mình đáng được hưởng.
Như vậy, trên đây là toàn bộ nôi dung liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu Quý khách hàng còn câu hỏi hoặc gặp phải bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục này xin hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và hiệu quả nhất.