Thủ tục thi hành án hình sự là một trong những thủ tục được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Thông qua bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ giới thiệu đến các bạn thủ tục này:
Khái quát chung về thi hành án hình sự
Thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó buộc người bị xử phạt tù phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã quyết định.
Các giai đoạn tố tụng hình sự gồm: Công tác điều tra, truy tố và xét xử là rất quan trọng. Quyết định hình phạt của Toà án chính là sự đánh giá, sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện.
Nếu chỉ dừng ở mức đánh giá, lên án mà không thực hiện bằng các biện pháp mang tính cưỡng chế đặc trưng của quyền lực nhà nước thì tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa và tính chịu hình phạt hạn chế, thậm chí là không có tác dụng. Chính vì vậy, vai trò của thi hành án hình sự trong hoạt động tố tụng là vô cùng quan trọng và cần thiết
Các ngành tư pháp trung ương nói chung và Toà án nhân dân tối cao nói riêng cũng đã ban hành một số Thông tư liên tịch, Nghị quyết để hướng dẫn một số quy định của Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nhằm đảm bảo việc thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay.
Thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án phạt tù
Theo Điều 256 BLTTHS, thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án phạt tù của Toà án thuộc về Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm vụ án đó.
Cũng theo Điều 256 BLTTHS, thì thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án phạt tù có thời hạn của Toà án cũng thuộc về Chánh án Toà án khác cùng cấp nhưng với điều kiện là được Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm vụ án đó uỷ thác.
Theo quy định của Điều luật trên thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án sơ thẩm phạt tù có hiệu lực pháp luật, hoặc kể từ ngày nhận được bản án phạt tù của cấp phúc thẩm, quyết định của cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phạt tù đã có hiệu lực pháp luật, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Chánh án Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
Theo Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 30/6/1993 của Toà án nhân dân tối cao – Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) – Bộ Tư pháp – Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù”, thì:
“Trong trường hợp Toà án đã xử sơ thẩm uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án thì Toà án đã ra quyết định uỷ thác thi hành án phải gửi cho Toà án được uỷ thác hai bản sao bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật kèm theo quyết định uỷ thác thi hành án. BLTTHS không quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày, kể từ ngày nhận được quyết định uỷ thác thi hành án, Chánh án Toà án nhận được quyết định uỷ thác phải ra quyết định thi hành án; ttuy nhiên để bảo đảm cho việc thi hành án phạt tù được thực hiện nghiêm chỉnh thì trong 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định uỷ thác thi hành, Chánh án Toà án nhận được quyết định uỷ thác phải ra quyết định thi hành án và gửi bản sao bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật kèm theo quyết định thi hành án cho cơ quan Công an cùng cấp.
Để Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành đúng thời hạn luật định, thì sau khi kết thúc phiên toà phúc thâm Toà án cấp phúc thẩm phải gửi ngay bản sao bản án, quyết định phúc thẩm cho Toà án đã xử sơ thẩm vụ án đó”.
Nội dung của quyết định thi hành án phạt tù:
Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành bản án hoặc quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án; bản án hoặc quyết định mà người bị kết án phải chấp hành.
Trong trường hợp người bị kết án đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan Công an để thi hành án. Quyết định thi hành án, trích lục bản án hoặc quyết định phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp nơi thi hành án, Cơ quan thi hành án và người bị kết án.
Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trôn, thì Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan cùng cấp ra quyết định truy nã.
Trình tự, thủ tục đưa người bị kết án phạt tù có thời hạn
Thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt tù được quy định trong hai trường hợp:
Trường hợp 1: Người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. T
rường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Trường hợp người đang chấp hành án bị kết án về hành vi phạm tội khác thì trại giam tống đạt quyết định thi hành án của bản án mới cho người đó.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.
– Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam cấp quân khu thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp người đang chấp hành án bị kết án về hành vi phạm tội khác thì trại giam tống đạt quyết định thi hành án của bản án mới cho người đó.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.
Trường hợp 2: Người bị kết án phạt tù đang tại ngoại
– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.
– Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt; trường hợp người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện trưng cầu giám định; trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
– Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại chết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Việc phân chia các trường hợp thi hành quyết định thi hành án nhằm đảm bảo trên thực tế việc thi hành áp phải được thực hiện một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế.
Trình tự, thủ tục trả tự do cho người chấp hành xong hình phạt tù
Việc trả tự do cho người chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn được quy định tại Điều 18 và Điều 33 Pháp lệnh thi hành án phạt tù.
Khi người bị kết án phạt tù chấp hành xong hình phạt thì đúng ngày đó, Giám thị trại giam phải trả tự do cho họ, cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù và giới thiệu họ về uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú; đồng thời, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý trại giam và cơ quan quản lý thi hành án phạt tù.
Hai tháng trước khi người bị kết án tù chấp hành xong hình phạt tại trại giam, Giám thị trại giam phải thông báo bằng văn bản cho uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi họ về cư trú.
Chính quyền địa phương cùng với các tổ chức xã hội, gia đình có trách nhiệm giúp đỡ để người đã chấp hành xong hình phạt tù có thể dễ dàng tái hoà nhập cộng đồng, tạo lập cuộc sông và chấp hành hình phạt bổ sung (nếu có) để sớm trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Trên đây là một số nội dung về thủ tục thi hành án hình sự, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách và quý bạn đọc vui lòng liên hệ với Luật Trần và Liên Danh chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.