Doanh nghiệp bạn muốn chuyển địa điểm kinh doanh? Tham khảo hướng dẫn thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh mới nhất và trường hợp phải thay đổi giấy phép đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh bởi Luật Trần và Liên Danh dưới đây.
Địa điểm kinh doanh là gì?
Địa điểm kinh doanh là nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính lúc đăng ký địa điểm kinh doanh. Được đặt tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Hiểu đơn giản, địa điểm kinh doanh là nơi thực hiện các giao dịch mua bán tại nhiều tỉnh, thành khác nhau nhằm: Giảm chi phí vận chuyển, tăng doanh thu hay tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc khách hàng…
Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh không có con dấu, không có tư cách pháp nhân của công ty và không có chức năng đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
Mục đích thành lập địa điểm kinh doanh?
Là một trong số những loại hình kinh doanh ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp nên thành lập địa điểm kinh doanh trong những trường hợp:
+ Công ty muốn mở rộng địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính nhưng trong cùng tỉnh/thành phố hoặc khác tỉnh/thành phố;
+ Muốn thành lập một đơn vị kinh doanh với thủ tục đơn giản, hồ sơ không phức tạp và thời gian nhanh chóng
+ Những doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vị kinh doanh của mình nhưng không muốn phát sinh các thủ tục kê khai thuế phức tạp như chi nhánh nhưng lại có thể phát sinh được hoạt động kinh doanh (khác với văn phòng đại diện công ty chỉ là nơi giao dịch, chào hàng) thì nên lựa chọn hình thức thành lập địa điểm kinh doanh.
Thành lập địa điểm kinh doanh:
Khác với chi nhánh, thành lập địa điểm kinh doanh chỉ cần gửi thông báo nơi đặt địa điểm kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và phải tuân thủ quy định về địa điểm kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày quyết định thành lập. Nội dung thông báo gồm:
– Mã số doanh nghiệp;
– Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh);
– Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
– Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;
– Họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Cách đặt tên địa điểm kinh doanh:
– Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được.
– Tên địa điểm kinh doanh phải mang tên doanh nghiệp đồng thời kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với đăng ký thành lập chi nhánh.
– Đối với những doanh nghiệp nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thụ lý giải quyết: Doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Thời hạn hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận thành lập địa điểm kinh doanh
03 – 05 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
Thay đổi địa chỉ của địa điểm kinh doanh
Khi địa điểm kinh doanh của công ty thay đổi địa chỉ, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục Thay đổi địa chỉ của địa điểm kinh doanh theo các bước sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. Thành phần hồ sơ bao gồm:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
Giấy uỷ quyền nộp hồ sơ.
Bước 2: Thực hiện hồ sơ tại cơ quan thuế
Nội dung thay đổi địa chỉ của địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý của địa điểm kinh doanh khi:
Địa điểm kinh doanh khác tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương với công ty/ chi nhánh chủ quản: thay đổi khác quận hoặc khác tỉnh/ thành phố với địa điểm điểm kinh doanh.
Địa điểm kinh doanh cùng tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương với công ty/ chi nhánh chủ quản: thay đổi khác tỉnh/ thành phố với địa điểm điểm kinh doanh.
Nội dung thay đổi địa chỉ làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp thực hiện như sau:
Tại cơ quan thuế nơi chuyển đi:
Địa điểm kinh doanh nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế cụ thể như sau:
Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC.
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
Tại cơ quan thuế nơi chuyển đến:
Địa điểm kinh doanh nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đến trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nơi chuyển đi ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC. Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan thuế chuyển đến gồm:
– Văn bản đăng ký chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến mẫu số 30/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC.
– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
Mẫu thông báo thay đổi giấy phép đăng ký địa điểm kinh doanh
Phụ lục II-9
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT
ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
TÊN DOANH NGHIỆP CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……, ngày…… tháng…… năm ……
THÔNG BÁO
Về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh
Kính gửi: Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố ………..
Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa):
Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:
Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chỉ kê khai nếu không có mã số doanh nghiệp/mã số thuế): … Ngày cấp …/…/…… Nơi cấp:
Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh sau:
Tên địa điểm kinh doanh (ghi bằng chữ in hoa):
Mã số địa điểm kinh doanh hoặc mã số thuế của chi nhánh/văn phòng đại điện/địa điểm kinh doanh:
Số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện (trường hợp không có mã số chi nhánh/mã số thuế của chi nhánh): …………
Ngày cấp:…/…/… Nơi cấp:
Nội dung đăng ký thay đổi:
……..
Doanh nghiệp cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung Thông báo này.
Người ký tại Thông báo này cam kết là người có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP/
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHI NHÁNH
(Ký và ghi họ tên)
Trình tự thực hiện thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận:
Thủ tục cần thực hiện tại Cơ quan thuế
Theo Điều 47.1 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì “trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế”. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi đăng ký kinh doanh trụ sở khác quận nộp 05 bộ hồ sơ lên chi cục thuế cũ để chốt thuế và nhận kết quả là mẫu 09, 09a.
Cụ thể, hồ sơ bao gồm:
Biên bản họp về việc thay đổi đăng ký kinh doanh chuyển trụ sở khác quận
Quyết định về việc thay đổi đăng ký kinh doanh chuyển trụ sở
Công văn gửi thuế về việc xin chốt thuế chuyển quận.
Mẫu 08.
Giấy đăng ký kinh doanh bản sao có chứng thực.
Giấy giới thiệu cho người đi nộp hồ sơ
Lưu ý:
Trường hợp doanh nghiệp muốn hủy hóa đơn cũ cần soạn thảo thêm bộ hồ sơ hủy hóa đơn tại quận cũ.
Theo giấy hẹn thì đến Chi cục thuế để nhận kết quả hoặc thông báo đồng ý cho doanh nghiệp chốt thuế chuyển quận (thông thường là 7-9 ngày làm việc).
Thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận tại Phòng Đăng ký kinh doanh
Theo Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì trình tự thực hiện thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận bao gồm các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận theo hướng dẫn tại mục 2
Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới.
Bước 3: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp theo quy định.
Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận
Kể từ ngày doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới không được tiếp tục xuất hóa đơn theo địa chỉ cũ, sau khi hoàn tất thủ tục thông báo với cơ quan thuế thì xuất hóa đơn theo địa chỉ trụ sở mới.
Đối với doanh nghiệp đang còn sử dụng hóa đơn giấy: trường hợp doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy cũ thì sau khi thông báo với cơ quan thuế, khắc dấu địa chỉ mới đóng dấu lên hóa đơn cũ để tiếp tục sử dụng. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng hóa đơn giấy cũ còn lại thực hiện thủ tục hủy hóa đơn giấy và thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn điện tử cho công ty theo thông tin quận mới
Đối với doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử, khi thay đổi đăng ký kinh doanh khác quận doanh nghiệp thông báo với cơ quan thuế thực hiện thay đổi thông tin địa chỉ và đồng thời trao đổi với bên nhà cung cấp hóa đơn điện tử có sửa đổi, cập nhật trên hệ thống được không. Trường hợp cả cơ quan thuế và nhà cung cấp hóa đơn điện tử đều có thể cập nhật thông tin mới trên hệ thống thì doanh nghiệp chỉ cần làm mẫu thay đổi thông tin hóa đơn nộp qua mạng và bên phần mềm chỉnh sửa lại hóa đơn mẫu theo địa chỉ mới là được. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà cung cấp hóa đơn điện tử họ không sửa được hệ thống thì trường hợp này doanh nghiệp buộc phải hủy toàn bộ hóa đơn cũ có thông tin địa chỉ cũ và làm thủ tục phát hành hóa đơn mới theo thông tin địa chỉ quận mới.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thủ tục thay đổi địa chỉ kinh doanh. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.