Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự

nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự

Nghĩa vụ chứng minh của đương sự có thể hiểu là đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, đưa ra căn cứ pháp lý để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, hoặc trình bày bằng lời nói, lập luận phù hợp với các chứng cứ khác để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vậy nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự hiện nay được pháp luật dân sự quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh theo dõi bài viết dây.

Khái niệm Nghĩa vụ chứng minh

Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự là nghĩa vụ tố tụng của đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Toà án trong việc làm rõ các tình tiết của vụ việc dân sự.

Nghĩa vụ chứng minh (Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự) của đương sự có thể hiểu là đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, đưa ra căn cứ pháp lý để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, hoặc trình bày bằng lời nói, lập luận phù hợp với các chứng cứ khác để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Quy định của pháp luật về nghĩa vụ chứng minh

Nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể tố tụng được quy định tại các điều: Điều 6, 58, 64, 79 và Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Trong tố tụng dân sự, đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh cho các tình tiết làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của họ.

Người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có nghĩa vụ chứng minh các tình tiết làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của đương sự hay của họ. Toà án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để làm rõ tình tiết của vụ việc dân sự trong trường hợp đương sự không tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu để bảo đảm cho việc ra bản án, quyết định dân sự đúng đắn.

Các chủ thể tố tụng có nghĩa vụ chứng minh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ chứng minh của mình thì phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Nghĩa vụ chứng minh – Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015:

Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.

Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;

Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.

Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự
nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự

Những trường hợp đương sự không phải chứng minh

Đương sự được loại trừ một phần nghĩa vụ chứng minh:

Nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, khoản 1 Điều 91 BLTTDS 2015 có quy định hoàn toàn mới về những trường hợp đương sự không phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh.

Cụ thể: Người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh được đảo ngược cho bên bị kiện – bên bị kiện phải chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho tòa án.

Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;

– Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, để tránh bỏ sót các trường hợp mà luật nội dung có quy định về trường hợp không phải chứng minh, Điều 91 có quy định một điều khoản “quét” với nội dung: “Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh”

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Với quy định này, BLDS 2015 đã nhấn mạnh vai trò của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Sự thay đổi này là hợp lý, bởi lỗi luôn gắn với hành vi trái pháp luật. Tức là không cần chứng minh lỗi mà chỉ cần chứng minh hành vi gây thiệt hại là đủ.

Nói cách khác, người bị thiệt hại chỉ cần xác định được hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật thì đương nhiên xác định được yếu tố lỗi của người gây ra thiệt hại. Như vậy, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ cần 3 điều kiện: có thiệt hại thực tế xảy ra; có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại trái luật và thiệt hại thực tế xảy ra.

Những hạn chế về nghĩa vụ chứng minh của đương sự

Thứ nhất, theo quy định pháp luật tố tụng, khi đương sự không thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu thì Tòa án phải thu thập chứng cứ theo Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự.

Do vậy, việc có hay không yêu cầu Tòa án hỗ trợ đối với hoạt động chứng minh của đương sự phụ thuộc vào trình độ am hiểu pháp luật của người tham gia tố tụng. Mục đích, sự hỗ trợ của Tòa án trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự nhằm bảo đảm tìm ra chân lý và có thể hạn chế những hậu quả bất lợi cho đương sự trong trường hợp họ không thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh.

Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS quy định “Thời hạn giao nộp tài liệu chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.

Quy định này dẫn đến hậu quả là đối với các trường hợp mặc dù các đương sự đã có chứng cứ nhưng họ cố tình không nộp và nếu Tòa án không yêu cầu họ nộp thì tại phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm đương sự vẫn có quyền cung cấp chứng cứ mới. Đây chính là mâu thuẫn giữa Điều 6 và khoản 4 Điều 96 BLTTDS.

Mặt khác, ở đoạn sau khoản 4 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự quy định, trong trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp vì lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.

Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Trên thực tế xét xử, việc đương sự xuất trình tài liệu, chứng cứ hoặc khai thêm những vấn đề khác có liên quan buộc Tòa án phải hoãn hoặc tạm ngừng phiên tòa. Cho nên, việc phân định đâu là nghĩa vụ chứng minh của đương sự, đâu là trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án khi có đương sự yêu cầu là cần thiết.

Bởi vì, trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thuộc về đương sự, còn Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong một số trường hợp mà thôi.

Thứ hai, BLTTDS năm 2004 không quy định phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ vì thế đương sự có quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng nên chưa đảm bảo được quyền tiếp cận yêu cầu của đương sự phía đối lập, có quyền trình bày ý kiến về những vấn đề khác với yêu cầu của mình.

BLTTDS năm 2015 đã bổ sung các Điều 208, 209, 210, 211 để khắc phục những hạn chế này là quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

Theo đó, qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và trên cơ sở đó Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì giá trị pháp lý biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chưa được quy định cụ thể.

Việc chưa quy định dẫn đến khó xác định bị đơn (khoản 3 Điều 200 BLTTDS) có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (khoản 2 Điều 201 BLTTDS) có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hay không, bởi vì, trên thực tế Tòa án có thể tiến hành hòa giải nhiều lần trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Trên đây là bài viết chi tiết liên quan đến nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự. Nếu bạn đọc vẫn còn vướng mắc về các vấn đề có liên quan hoặc cần được Tư vấn luật dân sự vui lòng gọi số HOTLINE để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng nhất.

 

 

 

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139