Trong quá trình vận hành doanh nghiệp và hộ kinh doanh, có rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh. Trong đó, một số chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh băn khoăn rằng: mã số trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác với mã số thuế liệu có hợp pháp không? Nếu không thì thủ tục thay đổi như thế nào? Tất cả sẽ được Luật Trần và Liên Danh gửi gắm đến bạn đọc qua bài viết: mã số doanh nghiệp và mã số thuế khác nhau không?”
Mã số doanh nghiệp là gì?
Điều 29 Luật doanh nghiệp 2020 định nghĩa về mã số doanh nghiệp như sau: “Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác”.
Như vậy, ta có thể hiểu mã số doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký doanh nghiệp cung cấp để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Về ý nghĩa, mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thủ tục tài chính và các quyền, nghĩa vụ khác. Việc quản lý của cơ quan có thẩm quyền với doanh nghiệp thông qua mã số doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn.
Mã số thuế là gì?
Mã số thuế là một dãy ký tự bao gồm số, chữ cái và các ký tự khác do cơ quan có thẩm quyền quản lý thuế cấp cho người nộp thuế theo quy định về quản lý thuế. Mã số thuế được cấp sau khi doanh nghiệp thành lập và tiến hành thủ tục đăng ký thuế hoàn tất.
Mã số thuế của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mã số thuế khác nhau không?
Mã số ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chính là mã số doanh nghiệp, vậy mã số này có đồng nhất với mã số thuế hay không? Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp”. Như vậy, mã số doanh nghiệp chính là mã số thuế.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng không hiếm gặp trường hợp doanh nghiệp có mã số doanh nghiệp với mã số thuế không giống nhau. Lý giải cho trường hợp này, đó là do trước khi Luật doanh nghiệp 2014 ra đời, không có quy định rằng mã số doanh nghiệp chính là mã số thuế. Do đó, doanh nghiệp thành lập trước ngày 1/7/2015 (trước ngày Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực) thì có thể gặp tình trạng mã số trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không trùng với mã số thuế.
Như đã trình bày, 2 mã số này là đồng nhất. Nếu gặp trường hợp như vậy cần tiến hành thực hiện đồng bộ giữa mã số doanh nghiệp và mã số thuế.
Lưu ý khi sử dụng mã số thuế doanh nghiệp? Đăng ký mã số thuế doanh nghiệp mới như thế nào?
– Cần phải lưu ý khi sử dụng mã số thuế doanh nghiệp như sau:
+ Ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và các giao dịch về thuế; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác.
+ Nghiêm cấm việc sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác.
+ Hết hạn thuê văn phòng nên chuyển qua địa điểm khác phải thông báo cho thuế để cơ quan thuế quản lý nắm tình hình hoạt động và không khóa MST doanh nghiệp.
Vì khi bị khóa MST thì sẽ nằm trong danh sách theo dõi: bỏ địa điểm kinh doanh, nợ thuế quá nhiều hoặc quá lâu mà không nộp, hoặc không nộp tờ khai quá lâu. Khi đó doanh nghiệp sẽ không thể đăng nhập hay nộp tờ khai qua mạng được.
– Đăng ký mã số thuế doanh nghiệp mới như sau:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đầu tư thì người nộp thuế chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định sau đó gửi đến cơ quan thuế để làm thủ tục đăng ký thuế.
Cơ quan thuế sẽ kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế, nếu hồ sơ đầy đủ, đúng thủ tục thì sẽ xử lý hồ sơ và cấp mã số thuế cho người nộp thuế.
Có thể thực hiện trực tiếp tại Cục thuế hoặc thông qua hệ thống bưu chính.
Hướng dẫn các cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp nhanh chóng nhất?
Để tra cứu mã số thuế doanh nghiệp bạn cần thực hiện các bước sau đây:
– Cách 1:
+ Bước 1: Truy cập vào Website Thuế Việt Nam: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp
+ Bước 2: Lựa chọn thông tin muốn tra cứu:
Tra cứu MST doanh nghiệp
Tra cứu MST thu nhập cá nhân
+ Bước 3: Nhập 1 trong 4 yêu cầu:
Nhập mã số thuế của Doanh nghiệp, cá nhân, tên tổ chức cá nhân nộp thuế hoặc họ và tên, địa chỉ
Nhập số CMND/CCCD của người đại diện của doanh nghiệp hoặc số CMND/CCCD của cá nhân sau đó nhập mã xác nhận và tra cứu.
+ Bước 4: Kiểm tra các thông tin về DN mà bạn cần
– Cách 2:
+ Bước 1: Truy cập vào trang của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: http://www.gdt.gov.vn/wps/portal
+ Bước 2: Chọn Dịch vụ công
+ Bước 3: Chọn Tra cứu thông tin người nộp thuế
+ Bước 4: Nhập 01 trong 04 yêu cầu: Mã số thuế/Tên tổ chức cá nhân nộp thuế/Địa chỉ trụ sở kinh doanh/Số chứng minh thư người đại diện (Không cần phải nhập đầy đủ cả 4 thông tin).
Sau đó nhập Mã xác nhận (Dãy chữ số và ký tự bên cạnh ô Mã xác nhận)
+ Bước 5: Nhấn vào Tra cứu, chờ và nhận kết quả
+ Bước 6: Bấm vào tên doanh nghiệp để xem thông tin chi tiết
– Cách 3:
+ Bước 1: Truy cập vào TNCNONLINE.COM.VN chọn Tra cứu MST
+ Bước 2: Chọn mục doanh nghiệp
+ Bước 3: Điền Chứng minh thư/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật hoặc Mã số doanh nghiệp (mã số trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
+ Bước 4: Điền dãy chữ và số màu đỏ trong hình chữ nhật bên dưới vào ô Xác nhận thông tin.
+ Bước 5: Bấm vào ô Tìm kiếm.
Quy định về việc khởi tạo mã số doanh nghiệp
Căn cứ Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc khởi tạo mã số doanh nghiệp cần lưu ý những quy định sau:
– Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.
– Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
– Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
– Mã số địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.
– Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do vi phạm pháp luật về thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
– Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 01/11/2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Cơ quan thuế để được cấp mã số thuế 13 số, sau đó thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.
– Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do Cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp.
Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
– Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.
Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định nêu trên, mã số doanh nghiệp được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có thể tra cứu được trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (khoản 1 Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Những câu hỏi thường gặp về đăng ký kinh doanh và mã số thuế
Câu hỏi 1: Mức phạt chậm đăng ký mã số thuế?
Căn cứ quy định tại điều 33 luật quản lý thuế 2019 thì việc đăng ký thuế phải thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động… Nếu chậm đăng ký mã số thuế thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, hành vi chậm đăng ký mã số thuế sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi đăng ký mã số thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày;
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
Câu hỏi 2: Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp ở đâu?
Việc tra cứu mã số thuế doanh nghiệp có rất nhiều cách, để thuận tiện nhất, nên tra cứu trực tuyến, cụ thể:
Tra cứu trên trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Các bạn thực hiện tra cứu mã số thuế doanh nghiệp bằng cách truy cập đường link sau: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx
Tra cứu trên website của Tổng Cục thuế
Các bạn thực hiện tra cứu mã số thuế doanh nghiệp bằng cách truy cập đường link sau: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp
Câu hỏi 3: Thủ tục đăng ký mã số thuế như thế nào?
Người nộp thuế là tổ chức đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:
Tờ khai đăng ký thuế;
Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương khác do cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn hiệu lực;
Các giấy tờ khác có liên quan.
Cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế.
Câu hỏi 4: Một doanh nghiệp có bao nhiêu mã số doanh nghiệp và mã số thuế?
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế. Như vậy, một doanh nghiệp chỉ có một mã số doanh nghiệp, mã số thuế duy nhất trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Câu hỏi 5: Thay đổi tên công ty có phải thay đổi mã số thuế không?
Thay đổi tên công ty không phải đổi mã số thuế. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế thì sau khi thay đổi tên công ty, công ty phải có trách nhiệm thông báo việc thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi tên công ty.
Công ty phải kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế để được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế mới với mã số thuế cũ.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về mã số doanh nghiệp và mã số thuế. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.