Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Quyền sở hữu công nghiệp nói riêng là tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp là một yếu tố thể hiện lợi thế cạnh tranh trong thương mại nên các đối thủ cạnh tranh có thể thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm xâm hại các đối tượng này để thu lợi bất chính trong kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về những hành vi này, thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc về những thông tin xoay quanh vấn đề này.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì:

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”.

Cạnh tranh là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bởi cạnh tranh làm cho người sản xuất năng động hơn, nhạy bén hơn, nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, buộc họ phải đưa ra những sản phẩm, chiến lược có hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, để đạt được lợi ích kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp đã thực hiện các hành vi thương mại không trung thực nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận cho bản thân mình. Hành vi đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác.

Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi này xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Thiệt hại mà hành vi gây ra có thể là hiện thực đã xảy ra hoặc cũng có thể chỉ là tiềm năng khi có căn cứ để xác định hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra nếu không có biện pháp ngăn chặn hành vi. 

Về đối tượng thực hiện: Chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh bao gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp.

Nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề. Đôi khi, thực tế phát sinh những tình huống một số tổ chức phi kinh tế, các đơn vị truyền thông… thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp, ví dụ tung tin không trung thực về doanh nghiệp, về hàng hóa. dịch vụ… 

Đối tượng chịu thiệt hại của hành vi này là các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng (khách hàng). Những nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại do các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường được hiểu là các đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp thực hiện hành vi.

Đối với người tiêu dùng, khi các cơ quan chức năng đã xác định được có ảnh hưởng của hành vi không lành mạnh lên người tiêu dùng, cần có sự khoanh vùng, định vị rõ ràng. Bên cạnh đó còn có một đối tượng không mang tính tiêu biểu đó là Nhà nước. Đối với trường hợp này, chỉ có thể đặt vấn đề bảo vệ lợi ích của Nhà nước khi bị xâm hại tại những nền kinh tế Nhà nước tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp với các thành phần kinh tế khác trên thị trường.

Bản chất của hành vi này là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh.

Tuy nhiên, “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” là thuật ngữ mang tính trừu tượng và khó xác định. Bởi vậy đặc điểm này đòi hỏi cơ quan xử lý phải có những hiểu biết và có được sự đánh giá sâu sắc về thực tiễn thị trường để có thể phân định được rằng hành vi nào là hành vi đi ngược lại với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh trong một thời điểm nhất định, bên cạnh đó cũng đòi hỏi pháp luật cạnh tranh cần được chỉnh lý, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. 

Phân loại cạnh tranh không lành mạnh

Phụ thuộc vào từng tiêu chí và từng mục đích, ta có thể có nhiều cách để phân loại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Xét một cách khái quát, ta có thể chia các hành vi này thành ba nhóm đó là: Các hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác; Các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở; Các hành vi lừa dối, lôi kéo bất chính khách hàng

Các hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác

Đây là nhóm hành vi không cạnh tranh điển hình, thường được thực hiện dưới các cách thức như: Gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ,  lợi dụng thành quả đầu tư của người khác, giá trị doanh nghiệp khác đạt được, xâm phạm bí mật kinh doanh để sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác,..

Phương pháp để xác định được hành vi gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa là đặt ra sự so sánh giữa các dấu hiệu để nhận biết hàng hóa của doanh nghiệp đang sử dụng bị coi là đã có hành vi sử dụng những thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng. 

Nhóm hành vi trên cũng là dạng hành vi gần với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sự khác biệt chỉ nằm ở đối tượng bị xâm phạm. 

Ví dụ, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng bị xâm phạm là tài sản trí tuệ cụ thể của doanh nghiệp đã được xác lập quyền thông qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Còn đối với trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, đối tượng bị xâm phạm có phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả giá trị, thành quả mà doanh nghiệp cạnh tranh đạt được một cách hợp pháp thông qua quá trình kinh doanh chẳng hạn như những yếu tố công khai như uy tín thương hiệu, chỉ dẫn thương mại hay không công khai như bí mật kinh doanh. Nhưng không phải mọi dạng thành quả đầu tư, lợi thế cạnh tranh đều được bảo vệ, có những đối tượng có được từ kết quả phát triển kinh tế xã hội, khoa học kĩ thuật chung của ngành, khi đó các doanh nghiệp có quyền tiếp cận và sử dụng tự do để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng được tính đến khi việc lợi dụng uy tín, thành quả đầu tư của người khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ, uy tín hay khả năng kinh doanh của bên vi phạm.

Các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở

Nhóm hành vi này có bản chất chung là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh thông qua các hoạt động như lôi kéo, mua chuộc nhân viên của đối thủ, đưa thông tin sai trái làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh, và nhiều các thủ đoạn khác.

Các hành vi này được thực hiện dưới rất nhiều cách thức đa dạng. Những hành vi này không điển hình và đôi khi khó phát hiện hơn nhóm hành vi trên nhưng các bên liên quan có thể sử dụng các quy định trực tiếp về gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự hoặc cả hình sự để giải quyết tranh chấp một cách triệt để, thay vì áp dụng riêng quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam, các hành vi được coi là các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở doanh nghiệp khác gồm: hành vi ép buộc trong kinh doanh, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Các hành vi lừa dối, lôi kéo bất chính khách hàng

Bản chất của hành vi này là tạo ra lợi thế cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng đặc biệt là người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay có các hành vi kinh doanh bất chính đã và đang phổ biến như quảng cáo lừa dối, khuyến mại nhử mồi, chào hàng quấy rối hay ép buộc.Dưới góc độ cạnh tranh, lôi kéo khách hàng là cách thức doanh nghiệp thực hiện nhằm vào khách hàng, người tiêu dùng bằng cách đưa ra lý do để khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình, tin tưởng những thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình, từ đó tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến thái độ và quyết định mua của khách hàng, người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để lôi kéo khách hàng, các chủ thể kinh doanh sẵn sàng thực hiện các hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh dẫn đến gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích doanh nghiệp khác.

Những dạng hành vi này khiến cho thị trường trở nên không minh bạch, tạo nên sự sai lệch về giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường dẫn đến kết quả là môi trường kinh doanh chung sẽ bị ảnh hưởng. 

Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Theo quy định tại khoản 12, 13, 15, 16, 21, 22, 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì:

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

hành vi cạnh tranh không lành mạnh
hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh về quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra khái niệm cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh về quyền sở hữu công nghiệp mà pháp luật chỉ liệt kê ra các hành vi này về quyền sở hữu công nghiệp.

Nhưng dựa vào các định nghĩa trên, có thể hiểu hành vi về cạnh tranh không lành mạnh về quyền sở hữu công nghiệp là: Hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với những chuẩn mực thồn thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng về quyền sở hữu công nghiệp.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì: “Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh”.

Theo khoản 1.8 Điều 1 Mục 1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì: “Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở thực tiễn của hoạt động cạnh tranh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện đối tượng, lĩnh vực, lãnh thổ, thời gian kinh doanh liên quan đến hoạt động cạnh tranh.

Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 nêu rõ các trường hợp như sau:

Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.

Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó”.

Biện pháp xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về quyền sở hữu công nghiệp

Quy định tại khoản 3 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 cho phép:

Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”.

Biện pháp dân sự: Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019, các biện pháp dân sự gồm:

– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

– Buộc bồi thường thiệt hại;

– Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Biện pháp hành chính theo pháp luật cạnh tranh: Theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 09 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh để áp dụng tương ứng đối với mỗi hành vi vi phạm.

Căn cứ pháp lý

– Luật Cạnh tranh năm 2018;

– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019;

– Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 09 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh;

– Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Trên đây là bài viết hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Luật Trần và Liên Danh. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139